Đà Lạt: Quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng hiệu quả chưa cao

02:01, 15/01/2012

Năm qua, công tác QLBV và phát triển rừng được quan tâm thực hiện quyết liệt, nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập cần phải được tiếp tục bổ sung, tháo gỡ trong những năm tiếp theo, để bảo vệ tốt hơn rừng cảnh quan, rừng đặc dụng, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn thành phố.

Báo cáo công tác QLBV và phát triển rừng năm 2011 của ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt tại Kỳ họp thứ III, HĐND TP Đà Lạt, khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016 cho thấy: Năm qua, công tác QLBV và phát triển rừng được quan tâm thực hiện quyết liệt, nhưng hiệu quả chưa cao, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập cần phải được tiếp tục bổ sung, tháo gỡ trong những năm tiếp theo, để bảo vệ tốt hơn rừng cảnh quan, rừng đặc dụng, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn thành phố.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong những năm gần đây tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng lấy đất làm nhà ở, lập vườn trái phép trên địa bàn Đà Lạt có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở một số địa bàn như Tà Nung, Măng Ling, phường 5, phường 7, phường 11… Trước tình hình đó, năm 2011 Thành ủy - UBND TP.Đà Lạt ban hành nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường công tác QLBVR” và chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. Trước hết, ngành lâm nghiệp phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các phường, xã, khu phố, tổ dân phố tổ chức 19  buổi tuyên truyền, phổ biến Luật BV-PT rừng cho 1.182 lượt hộ dân và vận động 128 hộ dân sống ven rừng ký cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đồng thời phát hành hàng trăm tờ rơi có nội dung về công tác QL-BVR và đưa ra xét xử lưu động nhiều vụ, nhiều đối tượng vi phạm lâm luật để nâng cao nhận thức về ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp và các ngành chức năng thành phố đã quyết liệt trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý những đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, cụ thể: Trong năm đã phát hiện, lập biên bản, bắt giữ 193 vụ vi phạm (tăng 11 vụ so với năm 2010); trong đó, phá rừng trái pháp luật 101 vụ (thiệt hại 7,14 ha); khai thác lâm sản trái phép 33 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 35 vụ; vi phạm QLBV động vật hoang dã 4 vụ; vi phạm các quy định về chế biến gỗ, lâm sản 4 vụ; vi phạm các quy định về PCCR 4 vụ. Trong xử lý vi phạm đã xử lý hình sự 11 vụ; xử phạt hành chính 170 vụ; đang tiếp tục điều tra, xác minh 12 vụ; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm 12 xe máy, 61,69 m3 gỗ tròn, 23,45 m3 gỗ xẻ các loại, 7 cá thể và 20 kg thiệt động vật hoang dã, thu nộp ngân sách 814 triệu đồng. Cùng với việc phá rừng, trong năm đã xảy ra 355 trường hợp lấn chiếm mới với diện tích 86,355 ha. Những vụ lấn chiếm đất rừng sau khi phát hiện, lập biên bản vi phạm, ngành lâm nghiệp và các ngành chức năng đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa, thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp, tổ chức trồng lại rừng được 99 ha, đạt 107% KH. Ngành lâm nghiệp cũng đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xây dựng các hạng mục phòng chống cháy rừng và tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng như: Làm đường ranh cản lửa, đốt trước có điều kiện và xử lý các vật liệu dễ cháy dưới tán rừng, tổ chức trực chiến phòng chống cháy rừng… Nhờ vậy, trong năm chỉ xảy ra 17 vụ cháy thảm cỏ dưới tán rừng, tuy có tăng về số lượng, nhưng thiệt hại về diện tích rừng giảm 3,28 ha (19,55 ha/22,88 ha). Ngoài ra, để góp phần vào giúp rừng có chủ thực sự, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm QLBVR của cộng đồng xã hội, trong năm ngành lâm nghiệp Đà Lạt đã đẩy mạnh công tác giao khoán QLBV rừng và cho thuê rừng, đất rừng để thực hiện các dự án sản xuất, du lịch sinh thái… Tính đến nay, các đơn vị chủ rừng đã giao khoán 16.643,67 ha rừng các loại cho 598 hộ dân là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và đã cho 142 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuê gần 6.600 ha rừng để thực hiện các dự án đầu tư.

Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nói trên, nhìn chung năm so với các năm trước năm 2011, công tác QLBVR của TP.Đà Lạt có sự chuyển biến tích cực hơn, một số địa bàn đã giảm được số lượng và tính chất phức tạp trong phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Nhưng khách quan mà nói, công tác QLBVR của Đà Lạt trong năm 2011 chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn, bởi lẽ: Nhiều vụ vi phạm chậm được phát hiện, xử lý, trong một số thời điểm, một số địa bàn tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra khá nghiêm trọng và phức tạp, nhiều nguyên nhân dẫn đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng chưa được xử lý tận gốc, nên tiềm ẩn phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn có nguy cơ cao. Nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế này trước hết là ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân vẫn còn kém, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa ý thức được trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng được thuê, được giao khoán QLBV, một số chính quyền các phường, xã chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước về rừng, xem việc QLBVR là trách nhiệm của ngành lâm nghiệp. Trong lúc đó việc phối hợp của ngành lâm nghiệp đối với chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị, các hộ dân trong công tác tuyên truyền vận động, trong tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về rừng còn thiếu đồng bộ, kịp thời, kiên quyết, cá biệt có một số cán bộ lâm nghiệp còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong QLBVR.

Sau khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác QLBV rừng, báo cáo của Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt đã đề ra những chỉ tiêu, giải pháp và trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, ngành, chính quyền địa phương các cấp… để công tác QLBVR trong năm 2012 và những năm tiếp theo đạt được kết quả như mong muốn.

HKG