Hội ngộ hoa, cây, đá cảnh

03:01, 03/01/2012

Cuộc hội ngộ của những bàn tay tài hoa tạo nên những loài hoa đẹp, các tác phẩm cây, đá cảnh  độc đáo từ mọi miền đất nước tụ hội về.

Chương trình trưng bày, triển lãm hoa và cây cảnh quốc tế là một trong những hoạt động chính của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 4 năm 2012. Cuộc hội ngộ của những bàn tay tài hoa tạo nên những loài hoa đẹp, các tác phẩm cây, đá cảnh  độc đáo từ mọi miền đất nước tụ hội về. 

Du khách nước ngoài say đắm trước hoa tại gian hàng triển lãm hoa, cây cảnh.
Du khách nước ngoài say đắm trước hoa tại gian hàng triển lãm hoa, cây cảnh.

Cứ đến dịp Festival Hoa Đà Lạt, ngoài các không gian đường phố, đồi hoa hay chợ hoa ra không thể thiếu cuộc “trình diễn” vẻ đẹp của hoa, cây cảnh, đá cảnh được tỉa tót, tạo tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, người trồng hoa trong và ngoài nước. Và cuộc hội ngộ này còn được lựa chọn tổ chức trong khuôn viên hoa đẹp nhất của thành phố, đó là Vườn hoa thành phố Đà Lạt với diện tích rộng trên 16 ha.

Vườn hoa Đà Lạt vốn dĩ đã lộng lẫy sắc hoa quanh năm đua nở, lại có hơn 10.000 tác phẩm góp mặt được trưng bày, triển lãm đã trở thành điểm nhấn và tạo ấn tượng đối với người dân Đà Lạt và du khách.

Ngoài hoa, cây cảnh của đơn vị “chủ nhà” Festival Hoa Đà Lạt 2012 ra, các Hội Sinh vật cảnh, doanh nghiệp trồng hoa, nhà sản xuất và kinh doanh giống, hoa, cây cảnh từ mọi miền đất nước và nước ngoài mang đến sinh khí mới, gồm các loài hoa, cây kiểng, bonsai, gỗ lũa, đá cảnh…

Ban tổ chức Chương trình “Trưng bày, triển lãm hoa và cây cảnh quốc tế” cho biết: có 85 đơn vị là các Hội Sinh vật cảnh, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoa - cây kiểng, đá nghệ thuật… của 15 tỉnh, thành trong cả nước tham gia triển lãm này. Đặc biệt, một số doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh hoa của các nước Campuchia, Hà Lan, Trung Quốc… cũng mang hoa đến tham gia. Từ gỗ lũa của miền sơn cước Đắc Lắc, Gia Lai đến những tác phẩm đá cảnh có xuất xứ vùng đá Non Nước của thành phố Đà Nẵng, Duy Xuyên - Quảng Nam, đến những miệt nổi tiếng trồng, tạo tác cây cảnh Vĩnh Long, đều hiện diện tại cuộc trưng bày, triển lãm này. Và chỉ tính riêng về hoa có hơn 80 loài với hàng chục chủng loại cho mỗi loài như: các loại hoa lan, hoa thược dược, hoa xác pháo, hoa couci, hoa hải đường, penseé viola, hoa tulyp, hoa thiên điểu… cũng có mặt tại phố núi ngàn hoa.

Anh Hoàng Thanh Tùng - Cơ sở hoa Ysa Orchid cho hay, cơ sở mang đến đây cả ngàn chậu hoa, nhất là hoa lan như hồ điệp, địa lan, lan hài… Và mỗi loại có nhiều màu khác nhau. Các loại hoa đều được sản xuất tại Đà Lạt, trong đó một số giống được nhập về từ nước ngoài.

Ngỡ tưởng chỉ có Đà Lạt mới trồng, sản xuất các loại hoa lan nhưng từ quê hương Củ Chi đất thép cũng mang tới không biết bao loại lan khác nhau. Anh Phạm Anh Dũng cho biết: Gia đình cùng Hội Sinh vật cảnh huyện Củ Chi - Tp.HCM mang lên 2.000 chậu lan với đủ loại và màu sắc. Với lan Mokara đã có 12 loại và 16 màu khác nhau, còn lan Cattlecya có tới 12 màu… “Nhiều du khách hỏi nếu mua đem về miền Tây trồng, chăm sóc có ra hoa không. Tôi bảo đây là phong lan, địa lan trồng Củ Chi, mà khí hậu miền Tây có khác gì Củ Chi đâu, chỉ cần biết cách chăm sóc” - anh Dũng nói.

Bên cạnh việc trưng bày, triển lãm, một hoạt động khác cũng diễn ra sôi động, đấy là giới thiệu các loại giống mới, các sản phẩm phân, thuốc chăm sóc hoa, cây cảnh. Chính vì vậy đây là dịp để các doanh nghiệp, Hội Sinh vật cảnh, nhà sản xuất các tỉnh, thành quảng bá, giới thiệu thương hiệu hoa, cây cảnh và đá nghệ thuật các vùng miền trong nước và nước ngoài. Qua đó, tạo cơ hội hợp tác thương mại, ký kết mua bán sản phẩm cũng như công nghệ trồng, chăm sóc và bảo quản hoa.

Cuộc hội ngộ trưng bày, triển lãm hoa, cây cảnh và các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, đá không những mang lại một không gian hoa – nghệ thuật độc đáo trong Festival Hoa Đà Lạt 2012 mà còn là cơ hội thúc đẩy nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển.

XUÂN TRUNG