Bán trú cho học sinh vùng sâu

02:02, 07/02/2012

Với Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (School Education Quality Assurance Program - SEQAP), không ít trường tiểu học vùng xa, vùng sâu khó khăn đã được tạo điều kiện để học sinh học bán trú cả ngày ở trường.

Với Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (School Education Quality Assurance Program - SEQAP), không ít trường tiểu học vùng xa, vùng sâu khó khăn đã được tạo điều kiện để học sinh học bán trú cả ngày ở trường.

ƯU TIÊN CHO VÙNG SÂU

Cùng với cả nước, SEQAP bắt đầu thực hiện tại Lâm Đồng từ năm học 2010-2011. Chương trình lúc đầu được triển khai tại 13 trường tiểu học tại 4 huyện Cát Tiên, Đơn Dương, Lâm Hà và Đam Rông. Đến năm học 2011- 2012 này, đã có thêm 19 trường tiểu học khác tại 9 huyện trong tỉnh tham dự với trên 10 nghìn học sinh trong đó gần 1 nửa (4947) học sinh được nhận suất ăn trưa bán trú của chương trình SEQAP (bao gồm khoảng 3.500 học sinh chính thức trong chương trình, số còn lại là chương trình mở rộng).
 

Trong giờ học.
Trong giờ học.

Với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và một phần đối ứng từ Chính phủ Việt Nam, SEQAP nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, hỗ trợ các trường học trong nước (ở 36 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn) chuyển đổi từ học một buổi/ngày sang mô hình bán trú, học sinh học cả ngày ở trường. Trọng tâm là hỗ trợ các trường vùng sâu, vùng xa thực hiện bán trú trong đó ưu tiên cho nhóm học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ngoại trừ Đà Lạt và Bảo Lộc là 2 thành phố vốn có nhiều thuận lợi trong việc xã hội hóa giáo dục, (không ít trường tiểu học tại 2 địa phương này đã thử nghiệm mô hình bán trú từ lâu và nay đã dần được đại trà hóa); trong 10 huyện còn lại chỉ duy nhất có Lạc Dương là không triển khai SEQAP. Lý do, theo Sở GD ĐT Lâm Đồng, Lạc Dương dù là một huyện còn rất nhiều khó khăn nhưng mật độ dân cư thưa, nhiều trường tiểu học của huyện có sĩ số dưới 200 học sinh trong khi đó theo qui định của chương trình, phải trên con số này thì mới được triển khai SEQAP.

Trong tổng số 32 trường tiểu học tại 9 huyện tham dự SEQAP, Cát Tiên nhiều nhất với 6 trường là Phước Cát 1, Phước Cát 2, Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Gia Viễn. Mỗi trường như thế bên cạnh triển khai tại trường chính các phân hiệu cũng được tham gia. Đạ Tẻh có 3 trường là Nguyễn Trãi, Mỹ Đức và Triệu Hải; Đơn Dương có 5 trường, 3 trường tham dự năm trước là Ka Đô 2, Nam Hiệp và Lạc Viên, năm nay có thêm Đạ Ròn và Thạnh Mỹ. Mỗi địa phương còn lại đều có từ 2 đến 3 trường, hầu hết là trong vùng sâu, khó khăn.

Theo ông Nguyễn Kim Long - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD - ĐT Lâm Đồng, các trường khi tham dự SEQAP sẽ được hỗ trợ xây dựng thêm một số phòng học để đạt chỉ tiêu 0,8 phòng học/lớp (10 lớp học phải có 8 phòng học); hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho học sinh trong chương trình với mức 7 nghìn đồng/học sinh trong năm 2011 và năm nay 2012 được tăng lên 10 nghìn đồng. SEQAP cũng sẽ hỗ trợ kinh phí để nhà trường tăng số giáo viên đứng lớp đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp. Khi tham dự SEQAP, nhà trường sẽ chuyển từ 1 buổi sang học bán trú 2 buổi /ngày với hình thức 30 (hay 33) tiết/tuần, các học sinh được học 8 buổi trong tuần.

CẦN SỰ NĂNG ĐỘNG CỦA BAN GIÁM HIỆU

Hầu hết Ban Giám hiệu các trường học có dịp tiếp xúc đều tỏ ra rất vui khi được chọn để triển khai SEQAP. Vui nhưng cũng còn những lúng túng nhất định trong việc chuyển học sinh sang học bán trú trong điều kiện cơ sở vật chất vùng sâu còn rất nhiều khó khăn.

Ông Đinh Toàn Dân - Hiệu trưởng Tiểu học Gia Viễn cho biết: “Phụ huynh rất mừng vì được nhà nước hỗ trợ bữa ăn cho con em”. Năm học này Tiểu học Gia Viễn trong vùng sâu Cát Tiên có 152 /359 học sinh được thụ hưởng chương trình, rải đều ở các lớp học. Đây là những học sinh thuộc diện hộ nghèo, học sinh dân tộc thiểu số. Trường đã chuyển điểm trường chính và một trong hai điểm phân hiệu sang học bán trú. “Với 10 nghìn đồng hỗ trợ như năm nay, chúng tôi đã tổ chức cơm trưa cho các em, gồm cơm và thức ăn”. Học sinh học 5 buổi/tuần nhưng chương trình đến nay chỉ mới hỗ trợ được 2 buổi, nên theo ông nếu được SEQAP nên hỗ trợ thêm. Ông Dân cũng đề nghị ngành nên quan tâm giúp trường xây lại 2 nhà vệ sinh tại 2 phân hiệu Văn Minh và Trung Hưng vì nhà vệ sinh nơi đây lâu nay rất tạm bợ, nay lại thêm việc học sinh bán trú ở lại trưa nên quá tải.
 
Còn với trường Tiểu học Lộc Nam A, với 136 học sinh được thụ hưởng chương trình trong tổng số 587 học sinh của trường, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, giáo viên phụ trách SEQAP của trường, quả thật không biết chọn ai bỏ ai vì hầu hết học sinh của trường đều là con em hộ nghèo trong đó có trên 50% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm nay trường tổ chức bán trú cho 2 khối lớp 1 và lớp 2 và với việc ôn tập tại trường buổi chiều, bước đầu theo ông Ngọc đã có những kết quả khá tích cực trong việc giúp học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số lớp 1 nắm chắc bài học để có thể lên được lớp. Năm ngoái tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số lớp 1 của trường không lên được lớp trên 20% và năm nay với sự hỗ trợ của SEQAP, ông Ngọc tin con số này sẽ giảm nhanh.

Theo báo cáo của Sở GD - ĐT Lâm Đồng, hầu hết các trường thực hiện SEQAP trong tỉnh đã tổ chức khá tốt việc bán trú cho học sinh với rất nhiều cách làm. Học sinh bán trú được nghỉ trưa tại một số phòng học, trường phân công người trực nhật chăm sóc. Về bữa trưa, một số trường hợp đồng dịch vụ bên ngoài cung cấp thực phẩm hoặc nấu bữa trưa cho học sinh, một số trường vận động phụ huynh cho học sinh mang cơm đến lớp, số tiền hỗ trợ của chương trình được dùng để mua và chế biến thức ăn cho học sinh. Nhiều trường phối hợp với hội phụ huynh học sinh đóng góp cho con em ăn trưa thêm một số bữa tại trường bên cạnh 2 bữa ăn do chương trình hỗ trợ.

Theo ông Long, việc các trường đề nghị tăng thêm suất cho học sinh là khó vì chương trình yêu cầu chỉ chọn 40% học sinh của trường. SEQAP theo ông đang tạo ra một khuôn mẫu về thực hiện bán trú cho các trường học vùng sâu và chương trình chỉ hỗ trợ một phần chứ không tài trợ toàn bộ nên ông đề nghị Ban Giám hiệu các trường cần năng động hơn trong việc vận động phụ huynh cùng góp sức với trường cho việc học tập của con em mình.

GIA KHÁNH