Ở độ tuổi 33, nhưng anh Lê Hà Đô (thôn 3, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) vẫn trông như đứa trẻ 14 - 15 tuổi.
Mặc dù đã ở độ tuổi 33, nhưng anh Lê Hà Đô (thôn 3, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) vẫn trông như đứa trẻ 14 - 15 tuổi. Giấy khai sinh và chứng minh nhân dân đều ghi anh Đô sinh năm 1979. Thế nhưng, bất kì ai khi gặp đều đoán tuổi của anh chưa bằng một nửa so với tuổi thật.
Đô xếp những chiếc bẫy gà rừng bên cạnh những đứa cháu gọi anh là bác |
Theo bà Hồ Thị Bé Năm (mẹ của anh Đô), Đô là con thứ 2 trong gia đình có 7 chị em. Chị lớn và các em của Đô đều phát triển bình thường và ai cũng rất to cao, chỉ riêng Đô là chậm phát triển. Khi sinh ra, Đô cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến 9 – 10 tuổi thì anh ngưng phát triển. Từ đó đến nay, anh không “già” thêm chút nào và trông như một trẻ em. Anh thường hay đau ốm, chủ yếu là bị tụt huyết áp. Chỉ số huyết áp của anh luôn ở mức thấp bất thường.
Theo giấy khám sức khỏe của Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, anh Đô cao 145 cm, nặng 37 kg, huyết áp 90/60 mmHg và bị mất trí nhớ bẩm sinh. “Nó có tật là hay quên. Mấy người hàng xóm cứ bảo tôi nuôi con làm cảnh hay sao mà nuôi hoài không thấy lớn!” – bà Năm cho biết thêm. Anh Lê Hà Vũ (sinh năm 1981, em trai của Đô), cho biết: “Tôi thấy anh Đô chững chạc, nhưng nhiều lúc thì tính tình giống như trẻ em”. Bản thân anh Vũ hiện tại cao hơn 1m70, nặng hơn 70kg và đã lập gia đình và có 2 con.
Hồi nhỏ, anh Đô học rất chậm nên phải học 2 năm lớp 1 và 2 năm lớp 2, rồi nghỉ học. Mỗi ngày, anh vẫn phụ bà Năm bán quán cà phê trước nhà. Anh không hút thuốc, không uống rượu bia, chỉ thỉnh thoảng uống cà phê buổi sáng.
Sở thích của Đô là đi câu cá, bẫy chim, gà rừng… và thích chơi với trẻ em. Lũ trẻ con trong xóm rất thích đến nhà anh Đô chơi vì anh nuôi nhiều gà và chim. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được Đô. Anh rất ngại ngùng khi tiếp xúc. Mãi đến khi chúng tôi cố trò chuyện về nuôi gà, nuôi chim, câu cá, bẫy gà rừng… thì anh mới bắt đầu trải lòng. Anh đem khoe 2 bộ cần câu cá, dụng cụ để bẫy gà, bẫy chim và say sưa giới thiệu những “chiến công” của mình với phong cách gần giống như trẻ em. Chỉ con gà trống ngoài sân, anh nói: “Đó là con gà trống lai gà rừng dùng làm mồi mỗi khi đi đánh bẫy. Bữa trước, tôi mới bán được một cặp gà trống con (là con của nó) được 500 ngàn đồng”.
Đang trò chuyện, bỗng dưng anh vào nhà xách giỏ nhựa (có lót giấy báo) và lấy một con chim non ra. Anh khoe: Đây là con cu gáy vừa mới bắt được. Giờ nó đói rồi nên phải cho ăn. Nói xong, anh bốc một nắm gạo bỏ vào miệng nhai và “chu” miệng mình cho chim ăn. Anh cười rất khoái chí!
Trong lúc trò chuyện, chúng tôi hỏi vui: “Anh có người yêu chưa? Sao không lấy vợ?”. Anh cười và im lặng, lảng tránh. Ông Lê Văn Bé (ba của anh Đô), tâm sự: “Tôi chưa thấy ai như nó. Đến lứa tuổi này rồi mà nó vẫn như một đứa trẻ chưa dậy thì!”. Mỗi năm, đôi ba lần, Đô phải nhập viện cấp cứu, chủ yếu vì tụt huyết áp và viêm phế quản. Bà Năm cho biết: “Cứ mỗi lần nó bệnh thì chỉ đưa đến Bệnh viện huyện khám và điều trị. Gia đình chưa có tiền để đưa Đô đi bệnh viện tuyến trên khám xem nó bị bệnh gì mà sao không phát triển về thể lực và tâm sinh lý”.
Qua gặp gỡ, trò chuyện và tìm hiểu về Lê Hà Đô, chúng tôi thiết nghĩ đây là một hiện tượng lạ. Nên chăng, ngành y tế vào cuộc để “bật mí” một hiện tượng lạ này!
HỮU SANG