Việc để bừa bãi các loại dây điện lùng nhùng như những “mạng nhện” trên các trụ điện cũng gây nhức mắt, mệt óc, ảnh hưởng trực tiếp đến nơ-ron thần kinh ở vỏ não con người, do tác động qua cơ quan thị giác.
Có ý kiến cho rằng, nếu tiếng động ồn ào gây ra ô nhiễm môi trường, thì cũng chẳng khác gì việc để bừa bãi các loại dây điện lùng nhùng như những “mạng nhện” trên các trụ điện. Bởi nó cũng gây nhức mắt, mệt óc, ảnh hưởng trực tiếp đến nơ-ron thần kinh ở vỏ não con người, do tác động qua cơ quan thị giác.
Tại một trụ điện ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) |
XẢ… “RÁC” BỪA BÃI!
Mới đây, chúng tôi đến một con đường hẻm không tên ở thị trấn Đinh Văn, nằm cạnh bên phải bờ rào khu vực UBND huyện Lâm Hà, thì bắt gặp một trụ điện bê tông trung thế (của điện lực) cách đường chính (quốc lộ 27) chưa tới 100 mét. Trụ điện này nằm ngay trước cánh cửa cổng một căn nhà xây. Thân trụ chằng chịt một đống bùng nhùng đủ các loại dây điện trông “chối” cả mắt! Chú tâm để ý tầm mắt, thì ở Lâm Hà chúng tôi bắt gặp những trụ điện có dây nhợ lùng nhùng như thế là rất phổ biến.
Khi đến địa bàn huyện Đức Trọng, chúng tôi cảm nhận tình trạng xả bừa bãi loại “rác” này cũng không kém, nhất là ở những khu dân cư đông đúc, khu dân cư “cổ”. Đến Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm và ở đâu cũng thế, hiện tượng xả “rác” bừa bãi trên trụ điện là rất phổ biến và nó đã phát sinh, phát triển và tồn tại từ lâu. Nhất là trên các hệ thống đường dây điện hạ thế, ở khu vực nông thôn, xóm ngõ… rất phổ biến chằng chịt đủ các loại dây trên trụ điện (có cả dây cũ, dây mới, dây đang sử dụng và dây đã bị hư hỏng).
Trong mấy năm gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển thì các loại cáp viễn thông, cáp truyền hình treo chung trên trụ điện (của ngành điện lực hay của viễn thông) ngày một gia tăng. Không ít đơn vị đã không tôn trọng việc lắp đặt đúng theo “Quy định treo cáp viễn thông của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”; treo cáp không đảm bảo mỹ quan đô thị, không phù hợp với qui hoạch và các quy định của cơ quan quản lý ở địa phương; không thực hiện việc gông, bó cáp gọn gàng theo yêu cầu; những cuộn dựng cáp không có giá quấn, treo bừa bãi, thậm chí đã để dây, cáp rất lộn xộn, rối rắm!...
DỌN… “RÁC”!
Quả thực, so với các loại gây ô nhiễm môi trường, thì “ô nhiễm môi trường” loại này ít được mọi người bận tâm để ý tới. Chỉ mấy năm gần gây, các ngành chủ quản và chính quyền địa phương mới bắt đầu quan tâm. Đối với Lâm Đồng, ngày 5/2/2007, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 03/2007/CT - UBND “Về việc đảm bảo mỹ quan đô thị trong xây dựng, lắp đặt các công trình bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp”. Chỉ thị đã nêu rõ thực trạng “… một số doanh nghiệp kéo cáp điện thoại, cáp truyền hình tại các khu vực trung tâm không đảm bảo an toàn, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị”. Và, chỉ thị đã yêu cầu phải “tăng cường bảo dưỡng, buộc, căng gọn gàng các sợi cáp đảm bảo tính mỹ quan đối với các tuyến đường, khu dân cư”.
Mới đây, ngày 15/9/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ra Quyết định số 889/QĐ-EVN “Về việc ban hành Quy chế treo cáp viễn thông trên trụ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Còn đối với Công ty Điện lực Lâm Đồng, từ năm 2009, đơn vị mới bắt đầu tăng cường chỉ đạo và nhắc nhở Điện lực các huyện, thành trong tỉnh phối hợp với các công ty viễn thông VNPT, Viettel và Truyền hình cáp VTC, NTH tập trung “làm gọn cáp thông tin trên trụ điện”.
Theo ông Trần Minh Khang - Giám đốc Điện lực huyện Di Linh: Được Công ty Điện lực Lâm Đồng đánh giá là đơn vị triển khai tốt việc làm gọn cáp thông tin, trong 2 năm 2010 và 2011, Điện lực Di Linh đã làm gọn được 30,5 km các loại cáp thông tin treo trên trụ điện ở những trục đường chính.
Ở thành phố Bảo Lộc, theo ông Đặng Thuận An – Phó Giám đốc Điện lực Bảo Lộc: Trên địa bàn thành phố hiện có 56,5 km cáp viễn thông, cáp quang treo trên trụ điện. Trong 2 năm trở lại đây, Điện lực thành phố đã tích cực kiểm tra và cùng với các đơn vị làm gọn đường dây. Riêng trong năm 2011, Điện lực thành phố đã phối hợp xử lý, làm gọn được 25,6 km. Như vậy, đến nay, trên địa bàn thành phố đã làm gọn gần 90% cáp thông tin treo trên trụ điện lực.
BAO GIỜ DỌN XONG?
Với đà triển khai “làm gọn” cáp thông tin trên trụ điện tại các huyện, thành trong tỉnh như hiện nay, thì việc “dọn” xong “rác” trên đường dây điện chắc cũng không lâu lắm, chỉ trong 1 – 2 năm nữa, bởi lẽ dây cáp cũng không nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là việc làm gọn cáp thông tin (cáp viễn thông và cáp truyền hình) mà chúng tôi muốn đặt ra, là làm sao để “dọn” sạch sẽ và gọn gàng đường dây hiện đang đeo bám trên các trụ điện lực và trụ viễn thông. Bởi vì đây là một thực trạng tồn tại đã quá lâu và ở bất kỳ địa phương nào cũng có, nhưng chưa được ai quan tâm đến. Trên một trụ điện mà chằng chịt đủ các loại dây, đó là chưa nói đến không ít trụ và đường dây đã có dây leo, cây cối, diều giấy, rác rưởi… đeo bám. Cũng do dây dợ luộm thuộm đã dẫn đến chạm, chập điện và thực tế một số nơi đã gây tai nạn đáng tiếc do bị điện giật.
Về vấn đề này, ông Trần Minh Khang cho rằng: “Đó là vấn đề “muôn thuở”, đã tồn tại từ xưa đến giờ, rất khó xử lý vì đường dây quá dài (trên 400 km), mà phổ biến là trên hệ thống cột là dây điện hạ thế của khách hàng. Muốn xử lý, cũng cần phải có thời gian và triển khai làm dần”.
Thị trấn Di Linh, đơn vị đã được công nhận “thị trấn văn hóa”, nhưng “rác” trên hệ thống điện hạ thế vẫn còn rất phổ biến. “Trong thời gian tới, thị trấn sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục triển khai chỉnh trang, làm đẹp đô thị. Trong đó, chúng tôi cũng phải quan tâm đến việc làm sạch, gọn đường dây điện hạ thế!” - ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn, cho chúng tôi biết.
Trong lúc chưa thể thực hiện được việc “ngầm hóa” dưới mặt đất hệ thống đường dây điện (nói chung), thì việc thi công lắp đặt trên không cũng phải tôn trọng đúng qui định, đảm bảo mỹ quan. Những bất hợp lý nói trên tuy thuộc về quá khứ, nhưng thiết nghĩ, hiện tại và trong tương lai gần, các cấp, các ngành và các địa phương cần quan tâm đến, vì nó cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường!
BÙI TRƯỞNG