Nên chăng có cuộc chuyển giao

11:02, 09/02/2012

(LĐ online) - Lễ hội là hoạt động của công chúng, do công chúng làm nên, nhưng vừa qua công chúng chen lấn đi xem các xô diễn của các đoàn chuyên nghiệp do ban tổ chức thuê là chính, do vậy mà Festival biển (Vũng Tàu, Nha Trang), Festival Huế, Hạ Long, Hạt điều, Hoa… diễn ra cứ na ná giống nhau!

(LĐ online) - Vâng, mười năm qua đã diễn ra 5 kỳ lễ hội hoa, mỗi lần tổ chức lễ hội cũng đã mang lại nhiều điều bổ ích cho địa phương nhất là cho du lịch và cho việc quảng bá nghề trồng hoa của xứ sở đã được mệnh danh là thành phố ngàn hoa đã thành thương hiệu trong lòng công chúng từ gần một thế kỷ nay. Lễ hội sắc hoa Đà Lạt và Festival hoa lần thứ nhất đã thực sự thu hút một lượng lớn du khách đến từ khắp nơi trong nước và cả khách nước ngoài háo hức đến Đà Lạt thưởng thức một loại hình văn hoá mới; người trồng hoa tự hào vì được vinh danh nghề nghiệp; người Đà Lạt vui mừng vì thành phố mình vốn đã nổi tiếng nay lại càng được quảng bá rộng rãi để được nổi tiếng hơn…

Một hoạt cảnh trong đêm Khai mạc Festival Hoa 2012. Ảnh NT
Một hoạt cảnh trong đêm Khai mạc Festival Hoa 2012. Ảnh NT

Nhưng rồi Festival hoa lần thứ 2, lần thứ 3, thứ 4 và nhất là lần vừa rồi nhiều công chúng cho rằng đã dần thấy xuất hiện những trùng lắp cùng với những bất cập trong nội dung, hình thức cũng như tính hiệu quả của nó… Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận một cách thấu đáo để tổ chức những lần “thứ… n” sau đó không những không nhàm chán, không những khắc phục được những bất cập mà còn làm cho các kỳ Festival hoa ngày càng trở nên hấp dẫn, có chiều sâu hơn, mang tính đại chúng hơn và thực sự trở thành niềm tự hào của người trồng hoa nói riêng, của người Đà Lạt nói chung; đồng thời cũng dần khẳng định đậm nét thương hiệu “Festival hoa Đà Lạt” trong lòng công chúng bốn phương.

Trước hết chúng ta đều hiểu rằng Festival hoa hay Lễ hội hoa thì  nghĩa của nó cũng chỉ là một có khác chăng là ở chỗ ta gọi theo tiếng Việt hay tiếng Anh, tiếng Pháp mà thôi! Lễ hội hoa diễn ra trên thành phố Đà Lạt, một thành phố có hai lĩnh vực kinh tế nổi trội có liên quan nhiều đến lễ hội đó là kinh doanh hoa và kinh doanh du lịch, nên lễ hội hoa (Festival hoa) gắn bó mật thiết với hoạt động du lịch. Từ đó ta hiểu lễ hội hoa là một dạng lễ hội mang tính chất hoạt động nghề nghiệp của những người trồng hoa, của những người làm du lịch do vậy nên chính những người trồng hoa và những người làm du lịch hiểu rõ hơn ai hết họ cần có những gì và làm như thế nào trong các kỳ lễ hội diễn ra trên thành phố của mình.Vì vậy mà có lẽ nên giao lại cho hiệp hội hoa và hiệp hội du lịch đứng ra chủ trì tổ chức lễ hội (Festival) hoa Đà Lạt, chính quyền chỉ làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình bằng việc cấp phép, lo công tác quản lý an ninh, trật tự. Người đại diện lãnh đạo cao nhất của thành phố đến  tuyên bố  khai mạc và chúc mừng ngắn gọn nhưng trân trọng thế là đủ! Công việc của chính quyền không hề  rảnh rỗi với những nhiệm vụ to lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, giải quyết đói nghèo, vấn đề công bằng xã hội, ngăn ngừa và giải quyết những vụ tiêu cực, chăm lo cho an ninh an toàn cuộc sống của nhân dân v…v…và v…v… có thể nói là chưa thể làm hết được! Vậy thì việc của công chúng nên để cho công chúng làm dần dần nó sẽ bổ sung thêm một nét văn hoá mới trong nội dung văn hoá lịch lãm sang trọng của người Đà Lạt. Đó là chưa kể hàng năm chính quyền còn phải trực tiếp lo tổ chức gần một chục các ngày lễ mang tính chính trị mà ngoài bộ máy cầm quyền ra thì không ai có đủ tư cách chủ trì thực hiện. Đó là các ngày 3 tháng 2; 10 tháng 3(al);  3 tháng tư; 30 tháng tư; 1 tháng 5; 19 tháng 8; 2 tháng 9; 22 tháng 12 v…v…

Sẽ có  ý kiến phản bác cho rằng: Nếu không có vai trò chủ đạo của chính quyền thì hiệp hội hoa và hiệp hội du lịch không đủ sức cả về tài chính, về công tác tổ chức điều hành và cả về những mối quan hệ phối hợp với các ngành, các địa phương cho công tác tổ chức lễ hội. Điều này trước mắt là hoàn toàn đúng, nhưng với tinh thần trước khó sau dễ, trước dở sau hay, trước nhỏ sau lớn chúng ta hãy tin là các hiệp hội sẽ lớn mạnh và làm tốt cái việc đúng với chức năng của họ, kể cả có thể những lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa to lớn, hoành tráng và kinh phí cũng không tốn nhiều, nhưng nội dung thì chắc là sẽ phong phú và  phù hợp với yêu cầu với các hoạt động quảng bá hoa và hoạt động thu hút khách du lịch, bởi chính họ làm việc của họ chứ không phải người khác làm thay. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ, hỗ trợ ban đầu của chính quyền kể cả một phần kinh phí thì có lẽ mọi việc sẽ trở nên thuận lợi và tốt đẹp.
 
Cũng có ý kiến cho rằng Festival hoa Đà Lạt có tầm quốc gia và quốc tế như ta thường quảng cáo nên phải là chính quyền cấp tỉnh chủ trì mới đúng tầm! Thực ra không có qui định nào như thế cả! Nó đạt được tới tầm vóc nào là do ở trình độ tổ chức, ở sức hấp dẫn và uy tín của lễ hội mà có thể thu hút được đông đảo những người tham gia bao gồm cả những người tham gia làm nên lễ hội và tham gia với tư cách là khách tham quan, khách du lịch, khách tham dự… Tính quốc tế, quốc gia hay tính địa phương là ở chỗ đó! Festival hoa của Hà Lan cũng do chính hiệp hội hoa Hà Lan chủ trì thu hút được người dân cả đất nước và nhiều nước trên thế giới  tham gia, ở đó còn diễn ra hoạt động đấu giá, mua bán hoa mang đầy đủ tính quốc tế của nó. Một khi chính hiệp hội hoa và hiệp hội du lịch cùng với tất cả hội viên của họ đứng ra tổ chức và làm nên lễ hội thì công sức và tiền bạc họ bỏ ra sẽ phù hợp với khả năng họ có, không lãng phí và họ sẽ không cảm thấy nặng nề khó khăn như hiện nay cứ mỗi lần lễ hội là mỗi lần ban tổ chức vất vả đi vận động tài trợ và doanh nghiệp thì cảm thấy mệt mỏi vì phải đóng góp mà không thấy rõ hiệu quả đem lại cho chính mình!

Lại có người cho rằng Festival hoa định kỳ 2 năm một lần cùng với lễ hội chè đan xen làm cho việc tổ chức lễ hội trở nên dày đặc! Điều đó cũng có lý nếu như nhà nước chủ trì những lễ hội  như hiện nay thì rõ là mật độ dày, công việc vất vả, lo chưa xong lễ hội này đã phải bắt tay lo lễ hội khác, chạy cho được kinh phí cũng không phải dễ dàng gì! Nhưng nếu giao cho các hiệp hội nghề nghiệp chủ trì thì nhiều hay ít, dày hay mỏng, thời gian, thời điểm nào họ sẽ tự tính toán quyết định phù hợp với nhu cầu và điều kiện của họ, nhà nước chỉ tham gia xem xét hướng dẫn hỗ trợ mà thôi.
       
Lễ hội là hoạt động của công chúng, do công chúng làm nên, nhưng vừa qua công chúng chen lấn đi xem các xô diễn của các đoàn chuyên nghiệp do ban tổ chức thuê là chính, do vậy mà Festival biển (Vũng Tàu, Nha Trang), Festival Huế, Hạ Long, Hạt điều, Hoa… diễn ra cứ na ná giống nhau! Công chúng thì chỉ đóng vai trò khán giả (phần lớn ở ngoài hàng rào bảo vệ), chứ chưa phải vai trò của người làm nên lễ hội như: Lễ hội hoá trang, Lễ hội cà chua, Lễ hội bia, Lễ hội té nước ở một số nước hay như Lễ hội Hoa của Hà Lan …và ngay cả các lễ hội truyền thống của dân tộc ta xưa cũng do chính công chúng tạo nên như thế. Người dân Đà Lạt có khả năng sáng tạo, có thể đưa ra nhiều sáng kiến về công chúng làm nên lễ hội phù hợp với thiên nhiên, con người và cuộc sống của thành phố hoa, thành phố du lịch mà không phải đi thuê đạo diễn ở nơi khác đến. Vì vậy, việc tốn kém sẽ giảm đi khá nhiều,  tính sáng tạo của công dân cho nội dung các lễ hội của Đà Lạt có lẽ không thiếu. Hãy tin, hãy phát huy và phát triển khả năng sáng tạo đó làm cho lễ hội trở thành sự kiện  của công chúng, do chính công chúng làm nên lễ hội. Khi nhà nước tin vào  xã hội, tin vào nhân dân thì hiệu quả đem lại là vô cùng lớn, điều này đã được chứng minh quá rõ trong những năm chiến tranh giải phóng đất nước. Có lẽ câu nói của giáo sư Cao Huy Thuần: “Nhà nước mạnh khi biết cư xử với xã hội như người lớn” cũng mang ý nghĩa như thế chăng!

Một điều nữa mà nhân dân Đà Lạt quan tâm, mong mỏi đó là cứ mỗi lần lễ hội hoa kết thúc thì có gì mới để lại cho thành phố ngoài những vất vả dọn dẹp của  công nhân công trình đô thị! Trong lúc đó nhân dân và du khách có thể tham gia tạo nên ngày hội trồng cây trồng hoa trên các đường phố. Và trồng thành những đồi hoa sim, đồi anh đào, những thung lũng mimoza, phượng tím ..v…v… Tổ chức cho từng trường học, cơ quan, đến khu phố và cả các doanh nghiệp nhận thực hiện rồi gắn tên cho đơn vị mình, thậm chí gắn tên người trồng, hoặc tên các cặp tình nhân, nhóm bạn bè lên cây ….Nên chăng đưa ngày hội trồng cây, trồng hoa làm đẹp thành phố vào thành một nội dung của lễ hội. Vấn đề là biết cách tổ chức các hoạt động kèm theo việc trồng cây như các hoạt động vui chơi, hoạt động văn hoá, văn nghệ, vẽo tranh chụp hình, các cuộc thi gắn với nội dung  trồng cây làm cho việc trồng cây trở nên vui như hội. Cứ như thế sau mỗi lần festival hoa sẽ để lại cho thành phố một số cảnh quan mới, vài kỳ Festival hoa sẽ để lại cho  thành phố một môi trường thiên nhiên xanh hơn, mát hơn, đẹp hơn và  người Đà Lạt cũng như du khách bốn phương tự hào rằng mình là những chủ nhân làm đẹp thành phố vốn đã khá đẹp, được cả nước yêu mến. Và, càng đẹp hơn nữa khi một ý thức mới được hình thành mang tính nhân văn của thời đại: ý thức bảo vệ, xây dựng môi trường thiên nhiên vì cuộc sống con người.

Sau Festival hoa Đà Lạt năm 2012 ngẫm lại câu chuyện cũ với những ý tưởng cũng không còn mới lắm nhưng vẫn mong các ngành, người có trách nhiệm cùng suy ngẫm để hoạt động văn hoá của Đà Lạt ngày càng đạt chất văn hoá cao hơn.

Kết hoa. Ảnh BN
Kết hoa. Ảnh Trọng Nguyên

 

Đám cưới hội hoa.  Ảnh BN
Đám cưới hội hoa. Ảnh Trọng Nguyên

 

Đêm hội Rượu vang. Ảnh Văn Báu
Đêm hội Rượu vang. Ảnh Văn Báu

 

TRỌNG NGUYÊN