Nghĩa vợ chồng

03:02, 29/02/2012

Vất vả có, tủi buồn có và cả nỗi cô đơn khi hàng ngày chị lặng lẽ ra vào căn nhà trống vắng. Thế nhưng, chưa một lần chị có ý định từ bỏ anh.

Người ta thường nói “một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng”. Chính bởi nghĩa tình ấy mà trong suốt 22 năm qua, chị Trần Thị Bạch Nga đã tận tình chăm sóc người chồng bị liệt nằm một chỗ. Thời gian cứ trôi, hy vọng chồng mình được hồi phục cũng tắt dần theo năm tháng.

Chị Nga chăm sóc chồng
Chị Nga chăm sóc chồng


Trong căn nhà nhỏ ở tổ 6, thôn Tân Châu (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc), hàng ngày, chị Nga vẫn miệt mài lượm trà thuê để chăm lo cuộc sống gia đình. Chị thường thức dậy từ tờ mờ sáng để chăm sóc cho chồng - anh Nguyễn Thanh Ân (50 tuổi), rồi mới bắt đầu công việc của mình. Đã 22 năm qua, công việc cứ âm thầm, lặng lẽ và nỗi đau riêng chị cứ nén chặt vào lòng.

Chị Nga quê Đà Lạt, một lần về Bảo Lộc thăm bà con đã đồng cảm cảnh nghèo khó của chàng trai hay lam hay làm. Thế là, họ nên nghĩa vợ chồng. Khi đó, chị mới 26, còn anh Ân 27 tuổi. Cả hai vợ chồng cùng chung sức cuốc đất làm vườn với mong muốn đắp xây một gia đình hạnh phúc và có thể đỡ đần cho cha mẹ đôi bên. Chị nhớ lại: “Anh siêng làm lắm, ngoài thời gian làm vườn, những lúc rảnh, anh rất thích nuôi chim”.

Hạnh phúc chưa được bao và bao nhiêu dự định lứa đôi chưa thực hiện được thì tai họa bất ngờ ập đến. Chỉ vài tháng sau ngày cưới, anh bị tai biến mạch máu não liệt nửa người. Không đầu hàng số phận, anh nỗ lực tập luyện, còn chị luôn bên cạnh hỗ trợ và động viên chồng. Trời cũng không nỡ phụ lòng người khi sau gần một năm tập luyện, anh đã có thể tự đi lại được. Những tưởng, chẳng gì có thể gây trở ngại cho cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ, nhưng tai nạn một lần nữa lại đến, khi anh đi bộ tập luyện thì bị xe máy tông từ sau đến. Từ đó, anh nằm một chỗ, sống đời sống thực vật. “Ai nói gì cũng không biết, chỉ biết cười. Đói cũng không biết đòi ăn, đau cũng không biết kêu la. Mọi sinh hoạt cá nhân tôi đều phải lo” - chị Nga tâm sự.

Gian phòng nhỏ với chiếc giường đơn vừa là nơi ăn uống, ngủ nghỉ vừa là nơi vệ sinh cá nhân của anh. Chị Nga cho hay: Vì nằm liệt lâu ngày nên người anh dễ bị lở loét, tôi phải thường xuyên hái lá thuốc nấu để tắm rửa cho anh. Thời gian đầu anh nằm một chỗ. Nhưng vì phải lo đi làm kiếm tiền chạy thuốc thang và sinh hoạt hàng ngày, nên chị phải để anh ở nhà một mình. Nhiều hôm đi làm về, thấy anh khát nước khô cả môi, tiểu tiện tại chỗ, tôi không cầm lòng. Vì thế, tôi nhận trà về nhà nhặt để có điều kiện ở gần chăm sóc cho anh. Lắm lúc muốn sang nhà hàng xóm hoặc đi đâu cũng chẳng đành. Có việc gì cần thiết lắm, tôi mới nhờ mấy đứa em trông chừng anh.

Vất vả có, tủi buồn có và cả nỗi cô đơn khi hàng ngày chị lặng lẽ ra vào căn nhà trống vắng. Thế nhưng, chưa một lần chị có ý định từ bỏ anh. “Lúc trẻ còn không nghĩ đến chuyện rời bỏ anh để kiếm tìm hạnh phúc khác, giờ chừng này tuổi rồi còn nghĩ gì nữa. Đêm đêm, chỉ một mình ngồi tâm sự với chồng cho bớt hiu quạnh, không hiểu chồng có nghe được chuyện mình nói!” - chị rươm rướm nước mắt.

Xác định bổn phận người vợ và tình nghĩa vợ chồng đã giúp chị Nga vượt quan tất cả. Chị có lắm điều ước nhưng đều không thể. Chị vẫn một mực chính chuyên, hy sinh cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời để chăm sóc chồng.

HỮU SANG