Tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm

04:02, 21/02/2012

Hiện tại đã có 11 tỉnh thành trong nước tái phát dịch cúm gia cầm và cũng đã có 2 người bị thiệt mạng do vi rút cúm.

Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT) cho hay, hiện tại Lâm Đồng là tỉnh được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) xếp vào diện địa phương “… có nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm thấp” so với nhiều địa phương khác trong khu vực, nên “không thực hiện tiêm phòng toàn tỉnh, mà chỉ tiêm phòng ở các khu vực có nguy cơ phát dịch cao”. Sở dĩ Cục Thú y đánh giá Lâm Đồng là vùng nguy cơ phát dịch không cao là vì sau các đợt dịch lớn xảy ra vào các năm 2004-2005, tới nay trên địa bàn toàn tỉnh cúm gia cầm chỉ tái phát duy nhất một lần vào tháng 2/2011 tại huyện Đạ Tẻh với 887 con vịt bị nhiễm bệnh và không lây lan rộng.

Hiện tại đã có 11 tỉnh thành trong nước tái phát dịch cúm gia cầm và cũng đã có 2 người bị thiệt mạng do vi rút cúm. Tại Hội nghị Phòng chống cúm gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 19/2/2012 mới đây, các chuyên gia về chăn nuôi - thú y đều cho rằng, năm nay do thời tiết ẩm- rét nên vi rút cúm sẽ tồn tại lâu và phát tán nhanh, khả năng lây lan dịch sẽ rất cao… và Lâm Đồng có thể cũng phải là ngoại lệ.

Để chủ động phòng chống dịch và không bị động nếu dịch tái phát, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, hiện tại UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tỉnh đã ban hành và triển khai các quyết định về việc tiêm phòng vác xin định kỳ cho đàn gia súc (không có kế hoạch tiêm phòng vác xin cho gia cầm); kế hoạch thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn toàn tỉnh”; kế hoạch “Vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch bệnh gia súc- gia cầm năm 2012”…
 

mo hinh chan nuoi ga Anh Le quoc Vien 164Tan Trung
Mô hình chăn nuôi gà của anh Lê Quốc Viện, 164 Tân TRung, Tân Hội, Đức Trọng. Ảnh Văn Báu

Trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số tỉnh thành, mới đây, vào ngày 15/2/2012 UBND tỉnh đã kịp thời ban hành thêm “Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc - gia cầm năm 2012” để ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh triển khai tại tất cả các địa bàn.

Thực hiện kế hoạch này, theo ông Nguyễn Đức Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y, thì công tác phòng chống cúm gia cầm của tỉnh hiện đã và đang tập trung vào việc tổ chức cho nhân dân tiến hành phun hóa chất khử trùng tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các nơi buôn bán gia cầm- thủy cầm; tăng cường công tác kiểm dịch cho đàn gia cầm - thủy cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng…) và các sản phẩm chăn nuôi gia cầm - thủy cầm (thịt, trứng, phân…) ra vào tỉnh, đồng thời quản lý tốt đàn gia cầm - thủy cầm của địa phương - nhất là với đàn thủy cầm (vịt, ngan…); tăng cường các hoạt động tuyên truyền về tình hình dịch, nguy hại của dịch và các biện pháp phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Từ nhu cầu thực tế của các địa phương, Chi cục Thú y đã đề nghị UBND tỉnh cấp trên 3,39 tỷ đồng (số quy tròn) để mua hóa chất khử trùng tiêu độc, bảo hộ lao động… phục vụ phòng chống dịch; và đã cấp 4.800 lít hóa chất khử trùng tiêu độc cho các Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện, hỗ trợ 900 lít hóa chất khử trùng tiêu độc cho một số trang trại chăn nuôi. Cùng với việc tăng cường hoạt động của các Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông, Sở NN-PTNT và Chi cục Thú y cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra lưu động nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển gia cầm - thủy cầm (và cả gia súc) cũng như sản phẩm chăn nuôi không tuân thủ quy trình kiểm dịch (đã phát hiện và xử lý 6 trường hợp); cấp 14 giấy đồng ý cho nhập và nuôi mới gia cầm tại 14 trang trại với gần 156 ngàn con gà giống.

Đối với các vùng trước đây đã có các ổ dịch cúm gia cầm như Cát Tiên, Đạ Tẻh và các địa phương có đàn vịt nhiều, hạn chế tối đa tình trạng nuôi vịt chạy đồng (sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân) cũng đang được Chi cục Thú y và các Trung tâm Nông nghiệp huyện quan tâm; còn khi xảy ra dịch, Chi cục Thú y sẽ phải nhanh chóng triển khai lấy mẫu - chấn đoán để xác định đúng nhánh vi rút, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép nhập vác xin phù hợp để tổ chức tiêm bao vây dịch - ông Nguyễn Đức Hưng cho biết thêm.

Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, nếu tiếp tục làm tốt công tác khử trùng tiêu độc, quản lý tốt đàn vật nuôi và công tác kiểm dịch, năm nay dịch cúm gia cầm sẽ không tái phát tại địa phương, và Lâm Đồng là tỉnh “có nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm thấp” - như khẳng định của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) - chính là nhờ chúng ta đã làm tốt các công việc này.

ĐỨC HƯNG