Yêu nước, thương nòi, nghĩa đồng bào… đó là những từ ngữ nói lên truyền thông tốt đẹp của người Việt Nam. Từ ngàn đời nay vẫn thế và truyền thống ấy được hun đúc ngay ở Phòng truyền thống thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Tp Đà Lạt) mà tôi đã ít nhất 2 lần đến đây.
Yêu nước, thương nòi, nghĩa đồng bào… đó là những từ ngữ nói lên truyền thông tốt đẹp của người Việt Nam. Từ ngàn đời nay vẫn thế và truyền thống ấy được hun đúc ngay ở Phòng truyền thống thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường (Tp Đà Lạt) mà tôi đã ít nhất 2 lần đến đây.
Phòng truyền thống được lập ngay trên căn gác của hội trường thôn Xuân Sơn. Ông Phạm Dư –Trưởng thôn tự hào: “Cả xã Xuân Trường chỉ có một phòng truyền thống này thôi! Rất nhiều người, từ thân nhân các liệt sĩ, các ban ngành, đoàn thể, học sinh, sinh viên đến tham quan”.
Ông Phạm Dư - Trưởng thôn Xuân Sơn giới thiệu phòng truyền thống yêu nước của thôn. |
Hễ ai là khách của thôn Xuân Sơn đến nơi đây đều được cán bộ thôn giới thiệu lên thăm phòng truyền thống đầy niềm tự hào và tôi cũng nhận được vinh dự ấy. Bốn bức tường của phòng truyền thống trưng bày một thế giới sinh động các hình ảnh, thông tin về những người con đất Xuân Sơn đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có thể liệt kê kho tàng yêu nước của người dân Xuân Sơn được thống kê tại gian phòng này: Liệt sĩ kháng chiến chống Pháp 3 người, liệt sĩ thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc 5 người, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhì 7 người; Bằng khen Chủ tịch nước 3 người, cựu tù chính trị 36 người; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba có 51 người, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì 10 người, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất 44 người, Huân chương Độc lập 5 người; khoảng 100 liệt sĩ và một số liệt sĩ không còn thân nhân ở thôn Xuân Sơn và một số thôn khác của xã Xuân Trường được thờ cúng tại đây. Phòng truyền thống còn trang trọng ghi danh và hình ảnh 8 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (4 mẹ còn sống) và 56 người dân Xuân Sơn tham gia kháng chiến từ năm 1960 đến 1975 trở về sinh sống tại thôn.
Ông trưởng thôn còn tự hào cho biết, cứ hàng năm vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, cả thôn tổ chức ngày giỗ Liệt sĩ, đây là dịp các thân nhân liệt sĩ và bà con trong thôn nhiều thế hệ hội tụ ôn lại truyền thống yêu nước. Phòng truyền thống này do thôn lập ra và nhân dân đóng góp xây dựng.
Người trông giữ quét dọn, hương khói thường xuyên tại phòng truyền thống này là bà Trịnh Thị Trân, 67 tuổi, nhà ở gần trụ sở thôn. Đó là một cụ bà gầy gò đeo cặp kính dày, nói năng hoạt bát, bà tự giới thiệu về mình là cựu tù chính trị, đã từng hơn 15 năm công tác phụ nữ thôn và trên 10 năm tham gia tổ liệt sĩ. Bà có một anh trai là liệt sĩ Trịnh Minh Hoàng (Y sĩ Ban dân y Tuyên Đức) thoát ly năm 1965, hy sinh năm 1971 và một người em gái thoát ly hoạt động cách mạng năm 1968 cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng về sinh sống ở Đơn Dương. Bà Trân phụ trách tổ liệt sĩ, chính sách của thôn Xuân Sơn, cùng tham gia với bà trong công việc này còn có 120 thành viên khác nữa. Bà cho biết: Hơn 10 năm nay, khi có phòng truyền thống này, chúng tôi thường cố gắng bổ sung hình ảnh, tìm kiếm liên lạc gia đình thân nhân liệt sĩ, kết quả vui mừng nhất là đã tìm ra hơn 100 gia đình thân nhân liệt sĩ ở địa bàn xã Xuân Trường. Số cán bộ thoát ly hoạt động cách mạng ở Xuân Sơn còn sống thường xuyên về thăm lại nơi đây, xem phòng truyền thống như là nơi gặp gỡ với những người đồng chí đã hy sinh cho đất nước. Hỏi tất cả những người cha mẹ, con cái ở thôn Xuân Sơn đều hiểu rõ những gì ở phòng truyền thống để giới thiệu cho mọi người. Bà Trân cho biết cảm nghĩ của mình: “Thôn Xuân Sơn ít dân, nhưng làm được một phòng truyền thống là nhờ sự đóng góp của bà con rất lớn, tôi rất hãnh diện và nguyện nối tiếp truyền thống yêu nước”.
Cũng ở gian phòng này, chị Phan Thị Long – Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành phố Đà Lạt rưng rưng trước bức ảnh của một cô gái rất trẻ. Ai cũng tò mò sao chị giống người trong ảnh thì chị Long xúc động giới thiệu: Đây là người chị gái của mình, liệt sĩ Phạm Thị Tuyết. Khi đang học lớp 9 (năm 1968) chị ấy đã thoát ly hoạt động cách mạng và hy sinh ở vùng rừng Lạc Dương lúc mới 15 tuổi. Có những nhà ở thôn Xuân Sơn đã gởi lại nơi đây sự tưởng nhớ đến 3 người thân yêu, như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tất, 85 tuổi có 3 liệt sĩ là chồng, 1 con trai, 1 con gái. Câu chuyện của những người còn sống về những người đã hy sinh cho tôi biết rằng nơi đây rất linh thiêng! Những người hy sinh vì nước vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân đất Xuân Sơn nên bà con trong vùng thường truyền cho nhau nhiều câu chuyện kể rằng: Nếu khách đến nghỉ qua đêm mà không thắp hương ở phòng truyền thống thì cả đêm không thể nào yên giấc được!
DIỆU HIỀN