Là một trong 3 trường Trung học phổ thông phấn đấu đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình của tỉnh trong năm học 2011-2012, nhưng trong khi hầu hết các tiêu chuẩn khác đã đạt thì tiêu chuẩn về cơ sở vật chất với Chuyên Thăng Long Đà Lạt vẫn đang rất khó.
Là một trong 3 trường Trung học phổ thông phấn đấu đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình của tỉnh trong năm học 2011-2012, nhưng trong khi hầu hết các tiêu chuẩn khác đã đạt thì tiêu chuẩn về cơ sở vật chất với Chuyên Thăng Long Đà Lạt vẫn đang rất khó.
Nằm ngay khu vực trung tâm Đà Lạt, năm học 2011-2012 này Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Thăng Long có 812 học sinh, 32 lớp của 3 khối lớp từ 10 đến 12. Toàn bộ học sinh của trường học chuyên ở 9 môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Anh ngữ, Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin học. Đây là một trong 3 trường THPT được ngành Giáo dục (GD) tỉnh đưa ra mục tiêu đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2011- 2012, hai trường còn lại là THPT Bùi Thị Xuân Đà Lạt và THPT Di Linh).
Việc đặt ra chỉ tiêu thêm 3 trường THPT phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm học này là một nỗ lực của GD Lâm Đồng, nhằm nâng tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia của tỉnh vốn lâu nay đạt rất thấp, chỉ trên 5%. Tính đến nay, trong khối THPT Lâm Đồng mới chỉ có 3 trường đạt chuẩn quốc gia trong tổng số 58 trường toàn tỉnh là THPT Đức Trọng, THPT Bảo Lộc và Hermann Gmeiner. Đây cũng là bước đầu hiện thực hoá lộ trình xây dựng 25 trường THPT đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại một trường THPT trong giai đoạn 2011 - 2015 của ngành Giáo dục Lâm Đồng.
Học sinh Trường Chuyên Thăng Long Đà Lạt. |
“Về cơ bản trường đã đáp ứng đầy đủ hầu hết các tiêu chuẩn đề ra cho việc đạt chuẩn quốc gia, có tiêu chuẩn chúng tôi còn vượt xa” - bà Đàm Thị Kinh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Tiêu chuẩn về công tác tổ chức nhà trường; đội ngũ giáo viên, nhân viên; chất lượng giáo dục; công tác xã hội hoá giáo dục bà Kinh cho biết trường đều đạt. Chẳng hạn trong đội ngũ 92 cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên của trường đã có 28 là thạc sỹ, 3 người đang làm nghiên cứu sinh, 15 đang học cao học. Trong năm học 2010 - 2011 vừa qua, trường có 8 giáo viên đạt danh hiệu thi đua cấp tỉnh, 29 chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 47 người là lao động tiên tiến, 6 tổ chuyên môn là tập thể lao động xuất sắc.
Về thành tích học tập của học sinh, Chuyên Thăng Long Đà Lạt luôn dẫn đầu tỉnh trong mọi mặt, từ kết quả học tập, kết quả tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh vào đại học hằng năm, các phong trào trong trường học… Chỉ tính trong năm học 2010 - 2012, trường đã đạt 170 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh trường chiếm 29/32 giải học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, toàn trường học sinh giỏi chiếm trên 30%, hầu hết còn lại là học sinh khá.
Nhưng điểm vướng duy nhất hiện nay theo Ban giám hiệu nhà trường chính là về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, cụ thể là theo qui định trường đang thiếu sân bãi tập luyện giáo dục thể chất cho học sinh. Với 56 phòng trong đó có 30 phòng học, còn lại là phòng bộ môn và chức năng, có gần 200 máy vi tính nên có thể nói trường không thiếu phòng học cho học sinh, còn các phòng chuyên môn, phòng chức năng được trang bị rất tốt, một thư viện nhiều sách và khá khang trang, có thể làm chuẩn về mô hình cho nhiều trường học khác trong tỉnh. Theo bà Kinh, do không có đủ cơ sở, nên lâu nay trường phải vận dụng bằng cách sử dụng các dãy sân trước các phòng học làm chỗ dạy học tập luyện thể chất cho học sinh nhưng rất bất tiện vì gây ồn cho các học sinh học trong phòng.
Theo Ban giám hiệu, nhà trường nhiều năm trước đây đã liên tục trình tỉnh xin đầu tư thêm cơ sở vật chất cho trường trong đó có việc cải tạo lại hệ thống sân bãi, xây mới nhà đa năng và một khu sân chơi ngoài trời phía sau trường. Phương án này sau nhiều lần xem xét đã được UBND tỉnh thông qua trong năm 2010 với tổng vốn trên 19 tỷ đồng và nhà trường hiện nay vẫn đang trong quá trình chờ tỉnh triển khai dự án này.
Một nỗi trăn trở khác mà Ban giám hiệu trường muốn đề cập là sự xuống cấp rất nhanh của khu nội trú học sinh phía sau trường. Do đặc thù của trường là tuyển sinh rộng rãi trong cả tỉnh, nên có không ít học sinh của trường hiện nay từ các huyện vùng sâu vùng xa đang theo học, nhiều gia đình ở huyện khó khăn không đủ tiền chu cấp cho các em ở trọ nên xin được ở ký túc. Trong điều kiện ký túc cũ kỹ chật hẹp nên trường chỉ giải quyết được khoảng 20% nhu cầu, hiện có 47 học sinh đang ở tại đây và sắp đến nếu được trường cũng đề nghị tỉnh nên đầu tư cải tạo xây dựng lại khu ký túc xá này.
Để kịp được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học này như yêu cầu của ngành GD tỉnh, theo bà Kinh, nếu được, ngay trong học kỳ này, tỉnh nên đầu tư làm mới bãi tập thể chất cho học sinh phía sau trường. Nếu chưa đầu tư được, thì có thể xem xét cho trường “nợ” tiêu chí này khi xét tiêu chuẩn, còn nếu không thì chuyện đạt chuẩn quả rất khó.
Gia Khánh