Phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu, phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực để đến năm 2020 ngành du lịch Lâm Đồng chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu GDP. Đồng thời phấn đấu xây dựng Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước.
Phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả tài nguyên khí hậu, phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực để đến năm 2020 ngành du lịch Lâm Đồng chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu GDP. Đồng thời phấn đấu xây dựng Đà Lạt trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực và cả nước. Trong những năm tới, Lâm Đồng cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án du lịch chất lượng cao theo quy hoạch như Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đan Kia - Đà Lạt, hồ Đại Ninh, Cam Ly - Măng Lin, Lang Bian, Đam M’Bri, Vườn quốc gia Cát Tiên, Bi Đoup - Núi Bà… Phát triển hệ thống lưu trú, nhất là các khách sạn cao cấp, đến năm 2015 có khoảng 25 nghìn phòng, trong đó 20% đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao; năm 2020 khoảng 50 nghìn phòng, trong đó 40% đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao; chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du lịch; tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; bảo tồn và khôi phục các khu biệt thự có giá trị kiến trúc tại Đà Lạt; xây dựng và phát triển các làng nghề; hợp tác xây dựng các tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ để hình thành các tam giác phát triển du lịch: Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang; Đà Lạt - Phan Thiết - thành phố Hồ Chí Minh; Đà Lạt - Vũng Tàu - thành phố Hồ Chí Minh; Đà Lạt - Đắk Lắk - Thành phố Hồ Chí Minh. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2015 thu hút khoảng 4,5 - 5 triệu lượt khách và đạt 6 - 6,5 triệu lượt khách vào năm 2020, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 10%; tăng thời gian lưu trú bình quân lên 2,7 ngày vào năm 2015 và 3 ngày vào năm 2020.
Mặt khác, Lâm Đồng cần tăng cường liên kết, hợp tác phát triển thị trường. Theo đó phải phát triển kinh tế đối ngoại toàn diện, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài; tăng cường hợp tác liên kết với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương khác trong cả nước. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và xây dựng một số thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm có lợi thế. Tăng cường xúc tiến thương mại du lịch trong và ngoài nước; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các cơ sở sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển đa dạng, đồng bộ các loại thị trường. Tăng cường các hoạt động đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ quản lý ở các cấp, các lĩnh vực; khuyến khích phát triển các hình thức đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà đầu tư và các trung tâm giới thiệu việc làm.
BÌNH NGUYÊN