“Áo len Trường Sa” ở Trường Sa

03:03, 13/03/2012

Đêm trên đảo Phan Vinh, trời lạnh cóng. Ngồi bên trung úy chuyên nghiệp Phạm Văn Đệ (Trưởng Xe tăng Phân đội 2, đảo Phan Vinh A) đang chờ thay gác, tôi thực thấm thía cái lạnh nơi Trường Sa và thực sự cảm nhận được những chiếc áo len nghĩa tình gửi từ xứ núi Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng - ra đây có ý nghĩa như thế nào.

Đêm trên đảo Phan Vinh, trời lạnh cóng. Ngồi bên trung úy chuyên nghiệp Phạm Văn Đệ (Trưởng Xe tăng Phân đội 2, đảo Phan Vinh A) đang chờ thay gác, tôi thực thấm thía cái lạnh nơi Trường Sa và thực sự cảm nhận được những chiếc áo len nghĩa tình gửi từ xứ núi Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng - ra đây có ý nghĩa như thế nào.

 

Những chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Trường Sa (đảo Phan Vinh).
Những chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Trường Sa (đảo Phan Vinh).

ÁO CŨNG… THAY GÁC

Liên tiếp hết bão rồi đến gió mùa, rồi nào là áp thấp cứ dồn dập ở Trường Sa những ngày đó đã “cầm chân” chúng tôi đến những bốn ngày bốn đêm liền trên đảo Phan Vinh. Trên đảo Phan Vinh bốn ngày bốn đêm ấy, tôi được trung úy Phạm Văn Đệ nhường cho chiếc giường cá nhân của anh. Đêm, tôi thường thức giấc để “nói một câu gì đó” với anh trước khi anh thay gác. Và, ngay trong đêm đầu tiên chứng kiến cảnh thay gác của Đệ, tôi đã tận mắt nhìn và vô cùng ngưỡng mộ hình ảnh “áo len thay gác” giữa Đệ với một chiến sỹ đảm nhận phiên gác trước đó. Sau khi cởi chiếc áo ngoài, anh lính hải quân tiếp tục cởi chiếc áo len bên trong đưa cho trung úy Phạm Văn Đệ. Tiếp đến là chiếc mũ len. Tôi không quá khó khăn để nhận ra đó là chiếc áo len và mũ len của chính những người phụ nữ khuyết tật xã viên Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hữu Hòa (3/1 đường Phan Chu Trinh, Đà Lạt, Lâm Đồng) đan và gửi tặng các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi Trường Sa đầy sóng gió.

Thấy trung úy Phạm Văn Đệ đưa tay đón nhận chiếc áo và mũ như là một sự đương nhiên, tôi hỏi: “Phải đổi áo len, đổi mũ len cho nhau sao?”. Đệ nhìn tôi: “Không đâu anh. Áo chung của cả tổ đấy!”. Tôi đùa: “Vậy ra, áo len và mũ len cũng… thay gác!”. Người lính vừa thay gác cho Phạm Văn Đệ xoa xoa hai tay vào nhau: “Ở ngoài này nóng cũng khiếp mà lạnh cũng dữ. Không giống như kiểu “se se lạnh” rất dễ thương như đất trời Đà Lạt của các anh đâu!” (lúc trưa, tôi và người chiến sỹ này có dịp ngồi uống trà nên anh biết tôi là nhà báo đến Trường Sa từ Đà Lạt). Anh tiếp: “Có chiếc áo len của Đà Lạt các anh chị, chúng tôi ở ngoài này cảm thấy thật ấm lòng. Tiếc một điều là không có nhiều!”.

Thì ra, vì quá ít nên những chiếc áo len, mũ len của những người phụ nữ khuyết tật gửi tặng dạo ấy chỉ được cấp phát theo kiểu “biên chế chung” cho tập thể chứ không có đủ để cấp cho từng người một. Về việc “hiếm hoi” những chiếc áo len như chiếc áo len mà trung úy Phạm Văn Đệ đã mặc vào trước khi đi làm nhiệm vụ thay gác tối qua đã được thượng tá Nguyễn Văn Thư xác nhận: “Con số bốn trăm đơn vị áo len và mũ len của Đà Lạt gửi tặng hồi đầu năm vừa rồi (2011) so với biên chế của chúng tôi là quá nhỏ, chẳng thấm tháp vào đâu, anh ạ! Nhưng vấn đề không ở chỗ số lượng. Cái tình của những chị em Đà Lạt, lại là người khuyết tật, đáng quý biết chừng nào! Hồi mới nhận quà, anh em chúng tôi bất ngờ lắm, trân trọng lắm. Món quà thật đặc biệt mà anh!”.

“ÁO LEN TRƯỜNG SA ĐÀ LẠT”

Cách nói “áo len Trường Sa Đà Lạt” hay “áo len Trường Sa” của người Đà Lạt là cách nói vẫn còn có tính bao quát! Nếu phải gọi tên sát hơn thì phải bảo đó là “áo len Trường Sa Hữu Hòa Đà Lạt”! Vì: Ở xứ lạnh Đà Lạt, cơ sở sản xuất áo len nhiều vô kể. Sản phẩm của các cơ sở áo len Đà Lạt nếu muốn nói là khác thì cái khác ấy cũng chỉ chung chung; nghĩa là sản phẩm áo len Đà Lạt có hơi đặc biệt hơn áo len các nơi tí chút. Còn “áo len Trường Sa” của cơ sở Hữu Hòa là sản phẩm vô cùng đặc biệt: Chỉ sản xuất riêng cho những chiến sỹ Trường Sa! Càng đặc biệt hơn, sản phẩm ấy được sản xuất bằng tất cả tình cảm của những người phụ nữ khuyết tật Đà Lạt là xã viên HTX Hữu Hòa!
 

Những chiến sỹ làm nhiệm vụ ở Trường Sa (đảo Phan Vinh).
Chị Vũ Thị Kim Hòa cùng với xã viên chuẩn bị áo len gửi tặng đợt hai cho chiến sỹ Trường Sa.

Trước ngày ra đảo, tôi đã tìm đến cơ sở đan len Hữu Hòa và may mắn cho tôi là được chính người phụ nữ khuyết tật chủ cơ sở ấy, chị Vũ Thị Kim Hòa, tiếp và kể khá nhiều câu chuyện xung quanh chiếc áo len gửi tặng các chiến sỹ Trường Sa. Cũng nên nhắc lại rằng, bản thân chị Vũ Thị Kim Hòa (Chủ nhiệm HTX) là một phụ nữ khuyết tật; và hầu hết các xã viên của HTX cũng là những phụ nữ khuyết tật. Không nói, chắc ai cũng rõ, với những người phụ nữ không may mắn đó, việc tự kiếm sống hằng ngày cũng đã là chật vật, vất vả lắm thay.

Tuy nhiên, không phải vì điều ấy mà họ không quan tâm đến một “sáng kiến” của chính người phụ nữ khuyết tật “cánh chim đầu đàn” đưa ra cách nay hơn hai năm: Tranh thủ giờ nghỉ, đan tặng các chiến sỹ Trường Sa những chiếc áo len, mũ len! Chị Hòa nói với tôi là cái “sáng kiến” ấy có được là nhờ chị nghe trên đài địa phương về việc phát động phong trào ủng hộ Trường Sa. Chị nghĩ, HTX của mình là HTX chuyên may đan hàng len, vậy tại sao không hưởng ứng phong trào bằng cách gửi tặng các chiến sỹ ngoài ấy sản phẩm của chính mình làm ra? Nhưng có điều, nếu gửi tặng những sản phẩm làm sẵn như thế này thì đâu mà chẳng có, ai mà chẳng làm được! Sau nhiều đêm suy nghĩ, một ý tưởng… táo bạo vụt lóe lên trong đầu chị Hòa: Đan riêng áo len, mũ len cho các chiến sỹ Trường Sa theo mẫu quân phục Hải quân! Nhờ thế, “áo len Trường Sa” của những người phụ nữ khuyết tật Hữu Hòa Đà Lạt làm ra cho đến lúc này vẫn là sản phẩm độc nhất vô nhị, không lặp lại ở bất kỳ cơ sở đan len nào ở Việt Nam, ngay cả Lâm Đồng và Đà Lạt. Và cũng chính bởi sự đặc biệt của sản phẩm đó mà ở Trường Sa, thuật ngữ “áo len Trường Sa Đà Lạt” đã ra đời và trở nên khá  phổ biến.

Trong đợt phát động đầu tiên vào cuối năm 2012 đến đầu năm 2011, những người phụ nữ khuyết tật của cơ sở đan len Hữu Hòa đã “hoàn thành nhiệm vụ” được 400 đơn vị áo len và mũ len được làm theo mẫu thiết kế riêng cũng của chính người phụ nữ khuyết tật “cánh chim đầu đàn” Vũ Thị Kim Hòa.

Đầu năm 2011, chuyến tàu ra Trường Sa của Hải quân Vùng bốn lần đầu tiên mang một món quà đặc biệt kết tinh từ những tấm lòng của những người phụ nữ khuyết tật: 400 chiếc áo len và mũ len gửi tặng những người lính đang làm nhiệm vụ nơi biên đảo! “Thú thật với anh, gửi quà đi rồi, tôi lo lắm! Lo là quà của mình có nhỏ bé quá không; lo là còn vì không biết áo mũ đan theo kiểu đó có phù hợp không…” - chị Vũ Thị Kim Hòa tâm sự. Rồi, giọng chị Hòa phấn chấn hẳn lên: “Cuối năm vừa rồi, lại có một đợt phát động mới. Chị em xã viên hưởng ứng còn nhiệt tình hơn lần trước nữa đấy, anh ạ! Bốn trăm đơn vị sản phẩm len riêng tặng chiến sỹ Trường Sa đã được hoàn thành và đóng gói để sẵn sàng gửi đi!”. Có nghĩa là những những chiếc tàu của Vùng bốn hải quân đi Trường Sa trong tháng 3 này hoặc tháng 4 tới đây sẽ lại được dịp “nối cầu” từ những tấm lòng của phụ nữ khuyết tật Đà Lạt đến với những người lính đảo bằng những chiếc áo len và mũ len.

KHẮC DŨNG