(LĐ online) - Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về pháp luật, chính sách đối với các DTTS và quyền của các DTTS ở Việt Nam; Các tiêu chuẩn, quy định của Liên Hiệp quốc về nhân quyền và quyền bình đẳng của người thiểu số; Tình hình thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền của Việt Nam…
(LĐ online) - Trong hai ngày (7&8/3), tại Đà Lạt, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo, tập huấn “Trao đổi thông tin chuẩn mực quốc tế về tiếp cận nhân quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS) trong tham gia xây dựng, thực hiện chính sách ở vùng DTTS áp dụng vào khung pháp lý ở Việt Nam”.
Toàn cảnh buổi Hội thảo, tập huấn. Ảnh Văn Báu |
Tham gia Hội thảo có gần 50 chuyên gia thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và đại biểu các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Bình Phước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về pháp luật, chính sách đối với các DTTS và quyền của các DTTS ở Việt Nam; Các tiêu chuẩn, quy định của Liên Hiệp quốc về nhân quyền và quyền bình đẳng của người thiểu số; Tình hình thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền của Việt Nam…
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc gồm 54 dân tộc chung sống, hệ thống pháp luật Việt Nam đảm bảo quyền các dân tộc thiểu số. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện. Hiến pháp còn quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, cấm mọi phân biệt, chia rẽ giữa các dân tộc… Không những thể chế bằng hiến pháp và các luật để bảo đảm quyền cho các dân tộc thiểu số, Nhà nước Việt Nam còn cụ thể hoá chính sách dân tộc trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chính sách cụ thể đối với người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá… cụ thể như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135), Chính sách xoá đói giảm nghèo, Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, Chính sách bảo tồn và phát triển các dân tộc có số dân dưới 1000 người… từ đó đã đạt được những thành tựu về đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số trên nhiều các lĩnh vực.
Về việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã tham gia 8 Công ước lớn về quyền con người và nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến quyền con người trong khuôn khổ các tổ chức ILO, UNESCO… và chú trọng đến việc thực hiện các công ước đó.
Đạt được khá nhiều thành tựu, tuy nhiên việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số vẫn còn những tồn tại, khó khăn và thách thức, tại Hội nghị, bà Vi Xuân Hoa – Phó vụ trưởng Vụ HTQT, Uỷ Ban Dân tộc đã chỉ ra những hạn chế, trên cơ sở đó, bà cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền cho các DTTS trong thời gian tới như tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách có liên quan đến người dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện; đặc biệt trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm chính sách đối với người dân tộc thiểu số như: nhóm chính sách giải quyết đất đai; nhóm chính sách giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá; nhóm chính sách phát triển giáo dục, dạy nghề, đào tạo cán bộ; nhóm chính sách thông tin truyền thông…
Cũng tại hội nghị đã có buổi thảo luận về việc đưa các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách tại Việt Nam.
Nguyên Thi - Nguyễn Dũng