Chuyện ghi ở Vùng ba

04:03, 14/03/2012

Từ thị trấn Ma Đa Guil, rời Quốc lộ 20, đi theo tỉnh lộ  ĐT 721 hơn một chục cây số, sau khi vượt qua con dốc dài, giữa khoảng trời xanh ngắt, đột ngột hiện ra một vùng ruộng bằng phẳng, bao quanh bởi một vòng cung lớn những dãy đồi bát úp, cánh đồng Đạ Tẻh trải rộng trước mặt,  như một tấm lụa xanh vàng màu lúa vừa chín.

Từ thị trấn Ma Đa Guil, rời Quốc lộ 20, đi theo tỉnh lộ  ĐT 721 hơn một chục cây số, sau khi vượt qua con dốc dài, giữa khoảng trời xanh ngắt, đột ngột hiện ra một vùng ruộng bằng phẳng, bao quanh bởi một vòng cung lớn những dãy đồi bát úp, cánh đồng Đạ Tẻh trải rộng trước mặt,  như một tấm lụa xanh vàng màu lúa vừa chín.
      

Già làng Nam Tây Nguyên. Ảnh Nguyễn Thanh
Già làng Nam Tây Nguyên. Ảnh Nguyễn Thanh

Đứng trên đỉnh dốc, không hiểu vì sao, ta chợt thấy mình nhỏ bé, yếu đuối trước khung cảnh thiên nhiên. Mà cái nhỏ bé ấy không biết có thật không, hay nó chỉ tồn tại trong một sát na, khi ta choáng ngợp trước sự kỳ diệu của trời đất; làm cho ta đột ngột thấy mình chỉ là một hạt cát, cái cảm giác ấy đưa ta vào Vùng  ba  đầy huyền thoại.
     
Trong những lần có dịp tiếp xúc với người dân sống ở huyện Đạ Tẻh, tôi vẫn hỏi : Vì sao nơi này lại có tên là Vùng ba.
     
Không có ai trả lời thỏa đáng, mỗi người lý giải một cách; nhưng rồi tìm trong  “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930- 1975) - NXB Chính trị Quốc gia - HN - 2008 - trang 238, thấy có ghi: Ngày 2/9/1963, Tỉnh ủy quyết định giải thể phân ban Tỉnh ủy T14, thành lập Thị ủy B’Lao, lấy phiên hiệu T29 và thành lập ban cán sự Đảng K4 phụ trách địa bàn từ Đạ Gùi đến đèo Ba Cô.
 
Vùng căn cứ phía Bắc chia làm 4 vùng: Vùng 1 gồm khu vực bãi Cát Tiên và Bờ Sa Lu Xiên. Vùng 2 từ dốc Con Ó đến Bi Nao gồm các xã 1, 2, 3, 4.  Vùng 3 gồm các xã Lú Tôn, Xa Nhon, Hợp Vong. Vùng 4, từ Bô Riu Đăng qua Hàng No lên đến xã 5 (kể cả vùng Tân Rai, Minh Rồng, B’Kẻ).
 
Như vậy, tên Vùng ba có từ 1963 với vị thế là một đơn vị hành chính, quân sự tương đương cấp huyện, của tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, Vùng ba lại trực thuộc K4. Từ 1975 về sau, Vùng ba như một địa danh chỉ khu vực xã Lộc Trung thuộc huyện Bảo Lộc, rồi thành huyện Đạ Tẻh sau này.
 
Thời kháng chiến, quanh Vùng ba (huyện Đạ Tẻh bây giờ), có ba xã với gần 1.100 nhân khẩu, phần lớn là người Mạ Xộp.
     
Trên vùng núi phía Tây của thung lũng, ven sông Đạ Nhar, toàn rừng dầu, rừng sao, xen lẫn các trảng tre nứa, là địa bàn xã Lú Tôn, xã này có các buôn Tơng Jrang, Đạ Plă, Đạ Đây và Đăng Rmit.
      
Tên Lú Tôn gốc từ tiếng Mạ: Lú Tôl - đá mài dao - xã Lú Tôl: xã ở núi đá mài, tên ấy gắn liền với các truyền thuyết của người Mạ trong thời kỳ chống quân Chiêm Thành.     
    
Cách ngày nay khoảng 500 - 600 năm, người Brum đem quân từ vùng biển lên đánh chiếm vùng núi. Người Mạ Xộp chống lại, họ đã lập một xưởng rèn xà gạc, mũi tên sắt ở núi Lú Tôl, vì núi có nhiều đá mài, tiện cho việc hoàn chỉnh các vũ khí ấy. Nghe kể rằng, khu lò rèn do ông K’ Nhét cầm đầu, cũng chính ông này đã tìm được núi có loại đá luyện thành sắt, ở vùng buôn Kon Oh. Các buôn của xã Lú Tôl sống chung quanh núi đá mài.
   
Ngày nay, tỉnh lộ ĐT 721 từ Đạ Tẻh vào Cát Tiên phải đi ngang con dốc cắt qua núi Lú Tôl tại dốc Đá Mài.
     
Khu vực giữa sông Đạ Nhar và sông Đạ Tẻh, từ ven sông Đạ Đờn lên đến núi Kon Oh là địa bàn xã Xi Nhen, hay gọi là Xa Nhon. Xã này có 57 hộ với 540 nhân khẩu, nằm trên đường hành lang giao liên lên căn cứ Bắc Lâm Đồng. Tên của xã, gốc từ tiếng Mạ: Sre Nèn. Sre: trảng bằng, ngập nước, Nèn: trại, đồn trại.

Chuyện truyền miệng trong các buôn Mạ giải thích vì sao lại có tên ấy: Vùng giữa sông Đạ Tẻh và sông Đạ Oai là nơi quân Brum và các bộ tộc của người Mạ Xộp đánh nhau suốt nhiều mùa trăng. Người Mạ phải kêu gọi các buôn làng từ trên núi Kon Klang, núi Pan Per, từ ven sông Đạ Đờng đến giúp. Nơi các già làng người Mạ hội quân các buôn để chuẩn bị đánh quân Brum là một trảng bằng, chỉ có le le, lau sậy mọc. Nơi ấy sau này được gọi là trảng đồn trại  Sre Nèn.

Một số người già ở buôn Đạ Lây lại kể rằng: Thuở người Brum lên đánh vùng Mạ, ở vùng Đạ Tê - Sông Đạ Tẻh bây giờ, có 3 anh em tên là K’ Nhar, K’ Nhèn, K’Nhét thuộc dòng tộc trưởng đã tổ chức đánh lại quân xâm chiếm. Nơi ông K’Nhèn đóng quân là một trảng bằng, mùa mưa có nơi nước ngập, vùng ấy chỉ toàn lau sậy, le le. Sau này, nơi ấy gọi là Sre Nhèn - người Kinh đọc ra là Xi Nhen- trảng của ông K’Nhèn.
 
Nhưng dù lý giải cách nào đi nữa, tên xã Xi Nhen cũng xuất phát từ giai đoạn chống quân xâm chiếm, mang dấu ấn của tính bất khuất, yêu tự do trong cộng đồng người Mạ.
    
Còn xã Hợp Vong nằm trên các hoành sơn của dãy Lú Mú, quanh ngọn B’nom Hop Bong, nên có tên như vậy. Xã có 6 buôn với chừng gần 300 nhân khẩu, ở đây còn có thôn Tân Lập với 8 gia đình người Kinh đi kháng chiến, gốc ở miền Đông Nam bộ, sau ngày giải phóng họ trở về quê cũ hết.
     
Từ năm 1973, Vùng ba được Ban Tài chính của Tỉnh ủy Lâm Đồng khai thác trồng lúa, lập ra Công doanh 19/8, sau đổi là Nông trường Hà Giang, tên của tỉnh miền bắc kết nghĩa với tỉnh Lâm Đồng trong thời kỳ kháng chiến.
     
Sau ngày giải phóng, những đoàn di dân đến xây dựng kinh tế mới từ miền Bắc như Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình; miền Trung như Huế, Quảng Trị, Bình Định lần lượt vào, khai phá vùng đất vốn vẫn còn hoang vu, dần dần, tạo nên huyện Đạ Tẻh trù phú bây giờ.
    
Từ những ngày khẩn hoang ấy, còn lưu truyền lại một số chuyện, như câu chuyện về con dốc Mạ Ơi, ở ranh giới xã Đạ Lây và xã Hương Lâm huyện Đạ Tẻh hiện nay. Ngày vào khai phá vùng đất mới, xe chỉ đưa thanh niên xung phong đến nông trường Hà Giang, còn lại phải đi bộ vào, các chàng thư sinh Huế đeo ba lô qua một chặng đường dài, lại còn phải leo lên con dốc đứng, cây rừng còn phủ kín đường mòn, người sau níu gốc cây, bám gót chân người trước mà đi, không có chỗ nghỉ thở lấy hơi, lên được đỉnh dốc, hạ ba lô nghỉ mệt, cả đoàn than “mạ ơi” - từ đó truyền miệng thành tên dốc.
 
Trên tỉnh lộ ĐT 721, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên phân giới ở dốc Khỉ. Cái dốc Khỉ bình thường bây giờ, ngày xưa cao lắm. Thuở mới khai phá khu vực gần chân dốc, khoảng năm 1978, các chàng thanh niên xung phong theo đường mòn giao liên cũ, lên đỉnh đồi chặt cây về làm lán trại, trên đó có đàn khỉ lông vàng đông hàng trăm con. Chúng không sợ người, thức ăn mang theo bị chúng lục giỏ lấy ăn, gặp người chúng còn ném cành cây, vỏ quả, kêu khẹc khẹc dọa dẫm. Vì vậy ngọn đồi được gọi là đồi khỉ, con dốc qua đó được gọi là dốc Khỉ.
     
Con dốc dài gần cây số ấy, giờ chẳng thấy con voọc, con khỉ nào cả, chỉ có rừng chồi lúp xúp, vài ngọn đồi bát úp nhỏ sườn dốc đứng, thỉnh thoảng có ít cây lớn, trong số đó có mấy cây kơnia, còn sót lại sau thời khai hoang ít chục năm trước,  giờ vươn mình lặng đứng như muốn chở che cho đám chồi non bên dưới.
   
Ven sông Đạ Đờng, trong vòng cung tạo nên bởi  con sông mẹ đang luồn lách qua các đứt gãy để tìm đường ra biển lớn, là vùng đất của người Mạ Xộp. Trong các chuyện kể truyền lại từ thời xa xưa, mà già làng K’Lú buôn Tơng Klong hay kể cho con cháu nghe bên ngọn lửa bếp reo tí tách, có huyền thoại về nguồn gốc của người Mạ: Từ lâu lắm rồi, tổ tiên người Mạ từ ngoài biển đến, cưỡi trên lưng một con rùa lớn, tấp vào miền đất đầy núi non, cây cối rậm rạp, họ sinh con đẻ cháu thành người Mạ ngày nay. Con rùa  theo dòng sông, dẫn người Mạ lên đầu nguồn và nó biến thành một tảng đá lớn. Con rùa đá ấy bị người Brum đến cướp, nhưng quá nặng không mang đi được, chúng chất củi đốt, rùa đá nổ tung, giết hết bọn xâm chiếm… Giọng già làng K’Lú trầm xuống trong làn khói thuốc, từ chiếc tẩu tre lên nước bóng loáng. Khuôn mặt đầy những vết nhăn của thời gian với đôi mắt phản chiếu ánh lửa lấp lánh như một pho tượng bán thân bất động trong khoảng tranh tối tranh sáng.
     
Già làng K’Lú cũng là một huyền thoại sống. Mười lăm tuổi tham gia vào đội du kích của buôn, cùng cha anh dời nhà vào núi theo Cách mạng, bắt đầu giai đoạn trường kỳ kháng chiến. Mười bảy tuổi, ông gia nhập lực lượng vũ trang địa phương, tại B độc lập Vùng ba, là đòan viên đoàn Thanh niên Nhân dân Cách Mạng. Chưa đầy một năm sau ông được kết nạp vào Đảng, rồi được đi học nghiệp vụ quân báo và học văn hóa tập trung, đến trình độ lớp 5, tại trường của Khu 6 ở Phan Thiết.
    
Trở về lại nơi gốc cũ, ông làm đội phó rồi đội trưởng đội công tác 405 thuộc K4 Lâm Đồng, phụ trách vũ trang tuyên truyền từ Ma Đa Guil đến Tà Lài. Cứ vài đêm đội công tác lại đột nhập các ấp trong vùng địch kiểm soát, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cuộc kháng chiến. Nhiều lần bất ngờ đụng độ với địch, ông đều chỉ huy anh em chiến đấu, vừa bảo toàn lực lượng, vừa tiêu hao sinh lực địch và trở về căn cứ an toàn. Rồi ông được điều về làm B trưởng B độc lập của Vùng ba. Từ năm 1972, ông là đại đội trưởng  C 720 bộ đội địa phương K4 cho đến ngày giải phóng.
   
Sau khi rời quân ngũ, ông làm công tác chính trị, công tác mặt trận ở xã, ở huyện, cho đến ngày về hưu và ông lại tham gia hoạt động tại khu phố, làm Bí thư chi bộ rồi chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, trong ông vẫn tràn đầy nhuệ khí của người lính năm nào.
    
Bây giờ, khi đã quá bảy mươi mùa rẫy; mà rẫy giờ đây cũng chẳng ai làm nữa, mọi người đã định cư, có vườn trồng cây lâu năm, trồng điều cả rồi; già làng K’Lú lại kể cho con cháu nghe, những chuyện ông từng được nghe ông bà kể lại và cả những chuyện mà cuộc đời ông đã trải qua, kể chuyện những chiến tích đã làm nhiều thêm huân, huy chương mà ông gắn kín ngực chiếc áo quân phục kỷ niệm một thời.
        
Vùng ba ngày xưa ấy và Đạ Tẻh bây giờ khác nhau hoàn toàn. Từ một miền rừng núi hoang vu, không đường xá đi lại, chỉ có sốt rét hoành hành, giờ đã thành làng mạc, phố xá, thành một huyện lớn với gần 50 ngàn dân ở 11 đơn vị hành chánh cấp xã và thị trấn Đạ Tẻh.
      
Đạ Tẻh  ngày nay nhà xây san sát, không thể phân biệt đâu là nhà người dân bản địa với nhà người kinh. Điện sáng trưng hàng đêm, đến tận hang cùng ngõ hẻm. Đường trải bê tông nhựa dẫn đi khắp nơi, không còn cảnh đi bộ từ buôn này sang buôn khác mất cả ngày đường nữa. Tỉnh lộ ĐT 725 một đầu ở thị trấn Đạ Tẻh qua dốc Kon Oh lên Lộc Bắc, Lộc Bảo, thị trấn Lộc Thắng và từ đó ra đến Thành phố Bảo Lộc, một nhánh khác rẽ lên đến gần Đinh Trang Thượng huyện Di Linh. Con đường mở gần trùng với đường giao liên của căn cứ Bắc Lâm Đồng ngày xưa, nay lại đang giúp Đạ Tẻh phá thế đường vào độc đạo và có thêm cơ hội phát triển nông, lâm nghiệp.
      
Vùng ba bây giờ không còn bao nhiêu dấu tích của những ngày xưa gian khó, có chăng là thỉnh thoảng, bắt gặp trên phố vài người Mạ đi rẫy về, gùi trên vai, xà gạc trong tay, gợi nhớ lại một giai đoạn mà bụi thời gian đã gần phủ kín. Nhưng từ đó, giữa vùng quê trù phú mang dáng dấp của vùng đồng bằng  miền Đông Nam Bộ hơn là rừng núi Nam Trường Sơn, một đô thị mới, non trẻ đang lớn lên từng ngày trên vùng đất vốn giàu truyền thống ấy.
 

Ghi chép NINH THẾ HÙNG