Chuyện người viết sử ở Bảo Lộc

03:03, 07/03/2012

Công việc đầu tiên của anh được Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lộc giao cho là chấp bút viết Lịch sử Đảng bộ. Đây là công việc mà anh cho là rất gian khó, nhưng cũng rất vinh dự.

Anh Trần Văn Dũng
Anh Trần Văn Dũng

Cách đây nhiều năm, lúc cổng thông tin điện tử Lâm Đồng chưa hoạt động, việc truy tìm những sự kiện về B’Lao từ 50 hay 100 năm trước không phải dễ dàng. Lúc ấy, tôi thường khai thác từ quyển Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện (nay là thành phố) Bảo Lộc từ 1930 đến 1975 (được xuất bản năm 1993, do anh Trần Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lộc nhiệm kỳ 1991 - 1994, vừa làm chủ biên, vừa sưu tầm tư liệu và chấp bút). Được giao nhiệm vụ và được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, anh Dũng trực tiếp gặp gỡ, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử, để cố gắng biên soạn một cách chính xác. Tôi vừa có dịp gặp tác giả quyển tư liệu quý này. Anh vẫn còn nhớ một thời vác ba lô xuôi ngược trên các nẻo đường.

Anh Trần Văn Dũng sinh năm 1947, tại huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), xuất thân từ một gia tộc cách mạng khoa bảng, là con độc nhất của một liệt sĩ trí thức có tên tuổi thời chống Pháp tại quê nhà. Vào những năm cuối thập kỷ 80, khi có chủ trương viết lịch sử Đảng 3 cấp: tỉnh, huyện và xã, tại Bảo Lộc có lẽ ít người biết anh Trần Văn Dũng, người vừa học xong nghiệp vụ tại Trường Tuyên huấn TW 2 với tấm bằng khá. Trong đó, môn Lịch sử Đảng được xếp hạng giỏi. Công việc đầu tiên của anh được Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Lộc giao cho là chấp bút viết Lịch sử Đảng bộ. Đây là công việc mà anh cho là rất gian khó, nhưng cũng rất vinh dự.

Tiếp tôi tại nhà riêng ở đường Phan Đăng Lưu (phường I) vào đầu năm Nhâm Thìn, anh Trần Văn Dũng, mái tóc đã ngả màu sương gió, trán đã xuất hiện nhiều vết chân chim. Khi nhắc đến những năm tháng trên chiếc xe máy cũ kỹ đi sưu tầm tư liệu, gặp gỡ từng người, đã giúp anh hoạt bát hẳn lên. Anh kể: Khi được giao viết Lịch sử Đảng bộ địa phương, lúc ấy tôi nửa mừng nửa lo. Mừng là có thời gian và cơ hội để biết thêm về đất và người B’Lao. Lo là không biết có hoàn thành nhiệm vụ được không! Vì công việc mới này, sự nhiệt tình vẫn chưa đủ, nếu không có tư liệu thành văn để tham khảo. Bảo Lộc là vùng đất cao nguyên đầy ắp truyện kể về các đồn điền trà từ thời Pháp thuộc đến Hoàng Triều Cương Thổ. Bảo Lộc cũng là cửa ngõ nối liền nền văn minh giữa Nam Bộ với Tây Nguyên. Lúc ấy, tôi đã hình tượng được dải đất bạt ngàn B’Lao xưa, nơi mà hai anh em Kinh - Thượng chung sống, đùm bọc nhau qua nhiều thế hệ, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau vỡ đất để xây dựng quê hương. Về sử chắc anh biết, là ghi chép lại những sự kiện trong một thời kỳ nhất định. Vì vậy, người viết phải nhập vai, phải hình tượng được không gian, thời gian như người trong cuộc. Trong lĩnh vực này, đòi hỏi người chấp bút không những phải có kỹ năng tư duy hệ thống, tầm nhìn rộng mà còn có vốn sống trải nghiệm và kết hợp với hàng chồng tư liệu cũ, mới, kể cả tư liệu phản diện. Rất may, là tôi đã sống tại Bảo Lộc từ năm 1964, được tận mắt thấy hoặc nghe kể những cuộc giao chiến giữa ta với quân đội và các lực lượng gọi là đồng minh của chính quyền Sài Gòn cũ; được tận mắt thấy đời sống của những người dân trước và sau ngày đất nước thống nhất. Những hình ảnh ấy có thể sẽ là tư liệu quý dành cho những người viết sử để minh họa quá khứ. Trong quá trình tác nghiệp, tôi đã đến nhiều nơi trong tỉnh, các vùng miền Khu 6 cũ, thậm chí đến cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xin được gặp các vị lãnh đạo một thời đã sống và công tác ở chiến trường này. Thực tình mà nói, vào lúc đó, gặp được các vị về hưu không dễ như mình tưởng. Đối với số liệu các trận giao tranh vào những năm 40 cũng chỉ tương đối. Ví dụ, như trận đánh đầu đèo B’Lao có sự tham gia của thủ lĩnh K’Hor là K’Kíu với bộ đội Mười Mè chống phát xít Nhật vào năm 1945, có người kể là nổ súng vào đầu tháng 11, cũng có người cho là ngày 10 tháng 11, cũng có người xác định vào lúc 13 giờ ngày 11 tháng 11. Vậy, cơ sở nào để xác định người cung cấp thông tin đúng? Còn vấn đề khác đặt ra, ai là người tổ chức hệ thống báo hiệu bằng cách giật dây lon sữa bò để thông báo quân Nhật đã đến đầu đèo! Đối với tầng lớp tư sản dân tộc vào những năm 60 đã tiếp tế cho quân giải phóng hàng xe lương thực, thuốc tây tại đèo Bảo Lộc… Những người đó tên gì, ở đâu, vẫn không thể tìm được. Ngoài ra, các địa danh mang mật hiệu của Bảo Lộc thời ấy, như K1, K2, K4, T29, còn K3 ở đâu lại phải lặn lội đi tìm… Nói chung, ai đã từng viết sử mà không có tư liệu để tổng hợp, để liệt kê mốc thời gian là công việc không thể tính bằng tháng. Anh biết, nhiều lúc phải thức trắng đêm gõ cộc cạch trên máy đánh chữ cũ. Các đầu ngón tay vừa mỏi vừa đen vì phải liên tục thay giấy than. Lúc hoàn thành, Hội đồng nghiệm thu tổ chức tại Bảo Lộc, được nhiều bậc lão thành cách mạng; trong đó, có Thượng tướng Năm Ngà (Nguyễn Minh Châu ) - Tư lệnh Khu 6 cũ, tham gia góp ý. Đến khi họa sĩ Nguyễn Thành Trung thiết kế trang bìa xong chuyển sang in ấn. Huyện chỉ “rót” kinh phí rất hạn hẹp, nên phải đi vận động tài trợ. Cao nhất là Công ty chè Lâm Đồng ủng hộ 5 triệu…

Bây giờ, anh Dũng đã trở về với đời thường, sống cuộc đời bình dị làm bạn với những chậu kiểng sân nhà. Sở thích của anh là sưu tầm các loại cây kiểng có gốc đan xen vào nhau thành một khối vững chắc. Thông qua hình dáng của cây, anh phân tích cho các con sự vững vàng của phần gốc sẽ làm cho cây tồn tại, cho dù mưa, nắng, gió tác động đến phần ngọn. Anh cho biết, cây cũng như người, đều phải có gốc, có nền móng. “Gia đình tôi được kế thừa truyền thống cách mạng. Bố sinh ra tôi là liệt sỹ. Bố vợ là cán bộ tập kết ra Bắc. Hai người mẹ của tôi, một bà tham gia kháng chiến, một bà nuôi con, chờ chồng trong gian khó dài theo hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Tài sản của chúng tôi hiện nay chỉ có 3 đứa con. Tất cả đều tốt nghiệp đại học đã có công việc ổn định. Cả hai vợ chồng tôi đều là đảng viên. Nếu cộng thêm con dâu, thì trong gia đình tôi đã có 5 đảng viên. Và tại nơi đang sinh sống, gia đình tôi nhiều năm liền được công nhận là “gia đình văn hóa, gia đình hiếu học” - Anh Dũng vui vẻ tâm sự và cảm thấy hài lòng về một thời xuôi ngược tham gia viết sử.

TRẦN ĐẠI