Có những tấm lòng cao cả như thế!

03:03, 13/03/2012

Đến thôn 3, xã Tà Nung, Đà Lạt, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về lớp học của cô Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thị Khoe. Khi được đến thăm lớp học này, chúng tôi càng thêm cảm phục tấm lòng bao la bởi tình thương mà hai cô dành cho những con người không may mắn.

Đến thôn 3, xã Tà Nung - Đà Lạt, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về lớp học của cô Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thị Khoe. Khi được đến thăm lớp học này, chúng tôi càng thêm cảm phục tấm lòng bao la bởi tình thương mà hai cô dành cho những con người không may mắn. Đó là lớp học nuôi dưỡng những trẻ em suy dinh dưỡng và những người mồ côi. Điều đặc biệt, đây không phải là trung tâm, lớp học của tổ chức hay đơn vị nào thành lập mà nhiều năm nay những đứa trẻ trong ngôi nhà này được cô Khoe, cô Hiền bằng trái tim nhân hậu rong ruổi khắp nơi đưa về nuôi dưỡng và dạy dỗ.
 

Những trẻ em DTTS suy dinh dưỡng của xã Tà Nung được chăm sóc tại mái ấm của cô Khoe và cô Hiền.
Những trẻ em DTTS suy dinh dưỡng của xã Tà Nung được chăm sóc tại mái ấm của cô Khoe và cô Hiền.

Lớp học hiện nay của hai cô nuôi dưỡng cho 2 đối tượng là những người mồ côi ở nhiều nơi và những trẻ em suy dinh dưỡng người đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Nung. Những trẻ em suy sinh dưỡng buổi sáng đưa đến, buổi chiều lại đón về các gia đình. Hiện nay, lớp học của hai cô đang nuôi dưỡng 20 người mồ côi từ học cao đẳng trở xuống và 25 trẻ em suy dinh dưỡng người DTTS tại xã Tà Nung. Khi tiếp xúc với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hiền - người phụ trách lớp học này nói ngay: “Việc làm của chúng tôi nào có gì to tát đâu, nhiều người còn làm những việc có ý nghĩa hơn nhiều...”. Thế nhưng với chúng tôi, đó là những tấm lòng cao cả bởi lớp học của hai cô đã tồn tại suốt 13 năm nay với bao gian nan và hai cô phải gồng mình để vượt qua. Lo cho hơn 40 người ăn uống và học tập cũng đã vất vả đến nhường nào.

Cô Khoe năm nay 58 tuổi, cô Hiền 35 tuổi. Là hai thế hệ khác nhau nhưng hai cô có chung một trái tim nhân hậu là mong muốn chia sẻ những khó khăn với những người không được may mắn. Tình thương của hai cô dành cho những người không may mắn xuất phát từ cái tâm của những con người bác ái mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé của mình để sưởi ấm thêm cho những mảnh đời bất hạnh. Cô Hiền nói tiếp: “Nhìn những mảnh đời bị bỏ rơi, chúng tôi lại thấy ứa nước mắt và nếu không mang chúng về nuôi dưỡng chăm sóc thì thấy trong lòng day dứt biết bao...”. Giờ đây, hàng ngày ngoài việc lo cơm ăn, áo mặc cho lũ trẻ, hai cô còn phải tập cho các em mạnh dạn trong giao tiếp hàng ngày đối với ngoài xã hội. Trẻ mồ côi khi đi học về thì ăn uống và sinh hoạt tại ngôi nhà này. Còn những trẻ em suy dinh dưỡng, hai cô phải lên kế hoạch về những khẩu phần ăn để đáp ứng đúng nhu cầu cho các em. Ngoài ra, hai cô còn phải học thêm tiếng dân tộc để hiểu được tâm tư của các em.

Điều làm chúng tôi cảm phục thêm là lớp học của hai cô không phải do tổ chức nào đứng ra cưu mang hay tài trợ, mà đó là công sức của hai cô. Suốt 13 năm nay, hai cô đã dùng sức lao động của mình để cho lớp học tồn tại. Cô Hiền chia sẻ thêm: “Trước đây, khi chưa có trường lớp tại địa phương, chúng tôi phải đưa các em lên Đà Lạt học tập, nay thì đỡ vất vả hơn rồi”. Chúng tôi vẫn còn thắc mắc kinh phí đâu ra mà các cô có thể tồn tại lớp học trong thời gian lâu vậy. Tìm hiểu mới biết, hai cô có gần 2 mẫu cà phê. Tất cả các chi phí cho các em đều được hai cô lấy từ 2 mẫu cà phê để trang trải mọi sinh hoạt. Những ngày được nghỉ học, các trẻ mồ côi trưởng thành lại phụ giúp hai cô làm những công việc tại tổ ấm. 13 năm nay, hai cô như những con ong cần mẫn để xây dựng một tổ ấm mà đã có biết bao thế hệ đã được bàn tay của hai cô dìu dắt. Tất cả các em trẻ mồ côi xem đây là một gia đình ấm áp, khi trưởng thành rồi các em cũng không bao giờ quên mái nhà ấm cúng này. Nhiều thế hệ đã sum họp về đây trong những dịp lễ tết để ôn lại những ngày được sống trong vòng tay của hai cô.

Giờ đây, đã có nhiều thế hệ trưởng thành nhưng với cô Hiền và cô Khoe lại phải lo cho những thế hệ khác. Công việc của hai cô luôn bận rộn không ngừng nghỉ. Có một việc mà chúng tôi cảm động đến nghẹn lời là hai cô đã quyết không lập gia đình để suốt đời tận tâm với công việc của mình, hai cô đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của bản thân. Cô Hiền nói: “Nếu lập gia đình rồi thì tình yêu dành cho các em sẽ không được trọn vẹn, chúng tôi muốn dành tất cả tình yêu cho các em, lấy tình thương cho các em làm niềm hạnh phúc. Tuy không có gia đình, nhưng chúng tôi vẫn có những đứa con, có một tổ ấm mà chúng tôi luôn thấy tự hào bởi ở đó mỗi con người đều dành tình thương cho nhau. Dù có vất vả bao nhiêu chúng tôi cũng chịu được, chỉ mong các em sống thật tốt để trở thành người có ích”.

Với chúng tôi, việc làm của cô Nguyễn Thị Khoe và Nguyễn Thị Hiền không phải là việc làm từ thiện đơn thuần, mà ở đó còn có những giá trị nhân văn trong cuộc sống bởi đó là việc xuất phát từ cái tâm của những người có một trái tim biết đồng cảm với những người bất hạnh không may mắn. Tạm biệt mái ấm của hai cô, chúng tôi chúc hai cô sức khỏe để tiếp tục công việc mà hai cô luôn tâm huyết và thấy hạnh phúc khi được nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Lê Khắc Niên