Còn thiếu trường mầm non cho vùng sâu

02:03, 22/03/2012

Sau hai năm thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, (theo Quyết định 239 QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ), vẫn còn 6 xã trong tỉnh Lâm Đồng  đến nay vẫn chưa có trường mầm non.

[links()]Sau hai năm thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, (theo Quyết định 239 QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ), vẫn còn 6 xã trong tỉnh Lâm Đồng  đến nay vẫn chưa có trường mầm non.

Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh (theo số liệu của Sở GD - ĐT Lâm Đồng), có 200 trường học mầm non. So với năm học 2010 - 2011, con số này hiện đã tăng thêm 10, trong đó có 2 trường tư thục và 8 trường công lập. Hầu hết các trường công lập này đều được thành lập tại các xã khó khăn của tỉnh trong đó có những xã trước đây chưa có trường mầm non. Mạng lưới trường mầm non đến nay cơ bản phủ đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ em địa phương.
 

Giờ ăn trưa tại Trường Mầm non Anh Đào, Đà Lạt.
Giờ ăn trưa tại Trường Mầm non Anh Đào, Đà Lạt.

Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Lâm Đồng đến nay đã huy động được 21.873 trẻ 5 tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 99,2 % so với tổng dân số trong độ tuổi 5 tuổi, trong đó đã tổ chức bán trú cho trên 17.500 trẻ, (đạt tỷ lệ 80%) và có trên 5.600 trẻ mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi.

Trong 2 năm vừa qua, Lâm Đồng đã đầu tư xây mới 47 phòng học cho khối mầm non trong tỉnh, 2 văn phòng, 2 nhà vệ sinh với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Cùng đó bằng nguồn kinh phí sự nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư trên 27,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách hỗ trợ 19,3 tỷ đồng, chương trình mục tiêu 8 tỷ) để mua sắm 152 bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường công lập; mua 60 bộ đồ dùng học sinh cho 160 lớp học mẫu giáo 5 tuổi ở các huyện Đạ Huoai, Đơn Dương, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lộc và Đà Lạt; mua cấp 374 bộ học liệu cho các lớp học theo danh mục Bộ ban hành.

Các trường mầm non hiện nay, theo Sở GD - ĐT Lâm Đồng, hầu hết đã có quyền sử dụng đất. Việc xã hội hóa được các trường đẩy mạnh thông qua Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh, phối hợp với chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội để đầu tư, tu sửa thêm cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học. Tỉnh cũng chủ trương khuyến khích giao quỹ đất tại các khu đô thị mới hoặc cho thuê đất để mở thêm các trường mầm non tư thục. Tuy nhiên cho đến nay, việc xã hội hóa trong khối trường mầm non vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn so với nhu cầu.

Trong năm 2011, thực hiện việc chuyển đổi toàn bộ 59 trường mầm non bán công trong tỉnh đã chuyển sang trường mầm non công lập. Để đảm bảo đủ giáo viên dạy lớp mầm non 5 tuổi theo định mức, Sở GD - ĐT Lâm Đồng đã đưa ra kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2010 - 2015, tổ chức các lớp chuẩn hóa cho giáo viên, khuyến khích tạo điều cho số giáo viên đã học qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiếp tục nâng cao trình độ. Toàn tỉnh hiện nay vẫn còn trên 100 trong khoảng gần 1.200 giáo viên mầm non 5 tuổi chưa đạt chuẩn cần đào tạo. Tỉnh cũng đưa ra đề án bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, hằng năm cán bộ - giáo viên mầm non dạy vùng dân tộc thiểu số đều phải tham gia bồi dưỡng tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện và tỉnh. Đối với các trường bán công chuyển sang công lập trong 2 năm học vừa qua, các ngành chức năng tỉnh đã xét 165 biên chế để bố trí dạy tại các lớp mầm non 5 tuổi hai buổi ngày; giao bổ sung cho cho các huyện, thành phố 1.110 biên chế để bố trí đủ giáo viên cho các trường mầm non.

Khó khăn lớn nhất cho khối trường mầm non trong tỉnh hiện nay vẫn là thiếu thốn cơ sở vật chất. Trừ một số trường điểm ở vùng đô thị, thành phố, các trung tâm huyện được đầu tư tương đối bài bản, các trường vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu nhiều nơi vẫn chưa xây dựng được điểm mẫu giáo trung tâm. Không ít nơi các lớp mẫu giáo phải học nhờ ở hội trường thôn, thuê mượn nhà dân, mượn các lớp ở trường tiểu học. Một số trường học có các dãy phòng học xây dựng rất lâu trước đây nay đã oằn mình với thời gian nhưng vẫn phải sử dụng. Nhiều điểm mẫu giáo độc lập chẳng có công trình vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo. Hiện nay vẫn còn 6 xã trong tỉnh chưa có nhà mẫu giáo trong đó Cát Tiên có 4 xã là Tư Nghĩa, Mỹ Lâm, Nam Ninh và Tiên Hoàng; Đạ Huoai có 1 xã là Đạm Mri, Đạ Tẻh có 1 xã là Hương Lâm. Các lớp mẫu giáo nơi đây phải học ké tại trường tiểu học.

Theo Sở GD - ĐT Lâm Đồng, hàng năm tỉnh nên dành một nguồn kinh phí thích đáng cho việc xây dựng cơ sở vật chất cho khối trường mầm non trong tỉnh, chú ý đến trường vùng sâu, vùng khó khăn; xây dựng các trường tại các xã chưa có; phát triển hệ thống trường chuẩn quốc gia; triển khai các lớp bán trú và học 2 buổi ngày cho trẻ, đặc biệt là việc xây dựng Mầm non Đạ Tông thành trường chuẩn quốc gia để làm khuôn mẫu cho huyện nghèo Đam Rông.

Gia Khánh