Gian nan giữ rừng

03:03, 06/03/2012

Điều cần quan tâm là nạn phá rừng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp với hành vi ngày càng tinh vi như phá rừng vào ban đêm, phát luỗng trồng cây dài ngày dưới tán rừng, ken và đổ hóa chất vào gốc làm cây chết từ từ… rất khó phát hiện.

Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) cho biết, năm 2011 vừa qua toàn tỉnh đã xảy ra 2.185 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Điều cần quan tâm là nạn phá rừng trái phép ngày càng diễn biến phức tạp với hành vi ngày càng tinh vi như phá rừng vào ban đêm, phát luỗng trồng cây dài ngày dưới tán rừng, ken và đổ hóa chất vào gốc làm cây chết từ từ… rất khó phát hiện.

Riêng năm 2011 - theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm- diện tích rừng bị xâm hại trái phép để lấy đất sản xuất nông nghiệp đã lên tới 226 ha (số quy tròn) tập trung tại địa bàn Đạ Tẻh (56,4 ha), Bảo Lâm (52 ha), Lạc Dương (37 ha); riêng việc các doanh nghiệp (dự án) được Nhà nước cho thuê (hoặc giao) rừng và đất rừng sản xuất - kinh doanh để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều địa bàn như Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Tẻh… với diện tích tổng cộng khoảng 68,5 ha. Vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép cũng đang là vấn đề nhức nhối với 991 vụ được phát hiện; và chỉ riêng trong tháng kiểm tra - truy quyét (tháng 6/2011) của các lực lượng chức năng tại Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh đã phát hiện xử lý 67 vụ, tạm giữ trên 134 m3 gỗ; và tại Đà Lạt, qua 2 đợt kiểm tra đã có 21 nhà hàng, quán ăn kinh doanh thịt động vật hoang dã trái phép với khối lượng 319 kg bị phát hiện - xử lý.

Để giữ rừng, cùng với tăng cường công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ - gia đình, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, ngành lâm nghiệp đã cùng với các địa phương có rừng đã triển khai nhiều biện pháp và thực hiện quyết liệt, đồng bộ như tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, củng cố hệ thống kiểm lâm địa bàn và các Ban Lâm nghiệp xã, tổ chức kiểm tra - tuần tra ở các điểm nóng phá rừng - nhất là ở những vùng rừng giáp ranh… Qua số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm, thì chỉ riêng năm 2011 đã có 748 buổi tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được các Hạt Kiểm lâm cấp huyện phối hợp với các chủ rừng và địa phương triển khai với 37.379 lược người tham gia, gần 8.000 tờ rơi cũng được phát tới tận tay các hộ sống trong rừng và gần rừng; qua đó có 6.327 hộ đã ký cam kết bảo vệ rừng. Cũng đã có 124 xã có kiểm lâm địa bàn và 113 xã thành lập được Ban Lâm nghiệp xã; Kiểm lâm địa bàn và Ban Lâm nghiệp xã đã phối hợp được với các đơn vị chủ rừng trong việc tuyên truyền về Lâm luật cho cộng đồng dân cư, xây dựng Quy ước Bảo vệ rừng, tuần tra - kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm Lâm luật xảy ra trên địa bàn. Hoạt động bảo vệ rừng của ngành lâm nghiệp (Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng, các Ban Lâm nghiệp xã…) đã kịp thời phát hiện, xử lý phần lớn những vụ vi phạm Lâm luật xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh; qua đó đã tịch thu 24 xe ô tô,1 xe bò kéo, 348 xe gắn máy, 3.134 m3 gỗ… tang vật vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước gần 15 tỷ đồng, đồng thời giải tỏa thành công 791 ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng.

Và để giữ rừng, máu của người giữ rừng đã đổ. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt đe dọa tính mạng và tài sản của người giữ rừng, gây ảnh hưởng xấu tới kỷ cương pháp luật. Theo Chi cục Kiểm lâm thì từ đầu năm 2011 tới trung tuần tháng 2/2012 đã có 11 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng xảy ra (tăng 4 vụ so với năm 2010) tại Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh; đã xuất hiện nhiều vụ chống đối người thi hành công vụ có tổ chức với nhiều người tham gia như tổ chức canh gác, đập phá phương tiện, đâm xe vào lực lượng kiểm tra, đặt bẫy chông…

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vi phạm Lâm luật trên địa bàn thời gian qua chưa giảm, nhưng nguyên nhân chính theo khẳng định của Chi cục Kiểm lâm là vẫn còn tình trạng dân di cư tự do tới địa phương phá rừng lấy đất sản xuất, nhiều xưởng chế biến gỗ và cơ sở mộc mới được hình thành không theo quy hoạch đã và đang tiêu thụ nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến…

XUÂN ĐỨC