Hiến đất làm đường nông thôn mới

02:03, 20/03/2012

Làn gió “Nông thôn mới” đã đem nguồn sinh khí về không ít miền quê còn lắm khó khăn với những giá trị rất cụ thể như đường xá, chợ hay cây trồng, vật nuôi. Nhưng bên cạnh đó, nó còn mang tới một giá trị vô hình mà không kém quý giá, đó là thay đổi nhận thức của người nông dân, giúp họ có lối sống tốt hơn, biết hy sinh vì tương lai chung của toàn cộng đồng. Hiến đất, một trong những đóng góp thiết thực nhất đã được bà con thực hiện ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà.

Làn gió “Nông thôn mới” đã đem nguồn sinh khí về không ít miền quê còn lắm khó khăn với những giá trị rất cụ thể như đường xá, chợ hay cây trồng, vật nuôi. Nhưng bên cạnh đó, nó còn mang tới một giá trị vô hình mà không kém quý giá, đó là thay đổi nhận thức của người nông dân, giúp họ có lối sống tốt hơn, biết hy sinh vì tương lai chung của toàn cộng đồng. Hiến đất, một trong những đóng góp thiết thực nhất đã được bà con thực hiện ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà.

Thăm gia đình anh Nguyễn văn Huy ở thôn 5, gia đình đã định cư tại đây từ năm 1983 để nghe anh tâm sự chuyện hiến đất: “Gia đình tôi hiến gần 200 m2 đất, ngay cả bức tường mới xây quanh nhà tôi cũng đập để giao mặt bằng. Tính tổng tiền là xấp xỉ 40 triệu nhưng tôi không đòi hỏi gì hết, chỉ nghĩ hiến đất mở đường cho bà con làm ăn đi lại dễ dàng, trẻ em tới trường sạch sẽ”. Không chỉ hiến đất, nhiều nhà còn chặt cà phê, nguồn sống chính của gia đình để mở đường. Cụ bà Đậu Thị Tuyết, ở tuổi 75 cũng sẵn sàng chặt nguyên hàng cà phê để đường mở được nhanh chóng cho dù mỗi năm hàng cà phê ấy cũng cho thu mấy triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thì - Phó trưởng thôn 5, người trực tiếp đứng ra vận động bà con hiến đất làm đường cho biết, toàn thôn có 30 hộ nằm trong diện phải giải tỏa để làm đường thì cả 30 hộ đều tình nguyện hiến đất không đòi hỏi bất cứ một chi phí nào. Hộ nhiều hiến vài trăm mét, hộ ít vài chục mét, có hộ phải chặt cả cà phê đang cho thu hoạch, tổng diện tích toàn thôn hiến là xấp xỉ 1.500 m2 đất, một số lượng lớn với vùng quê còn khó khăn như Gia Lâm. Bà Thì nói mong muốn chung của bà con: “Hiến đất làm đường bà con sẵn sàng, chỉ mong đường được làm nhanh chóng và tốt, nhân dân sử dụng lâu dài chứ đừng làm bà con mất lòng tin”.       

Ông Tạ Đình Hương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm cho biết, việc giải tỏa đất này thuộc dự án mở đường liên thôn nằm trong chương trình nông thôn mới, do Nhà nước đầu tư cho xã dài 1,9 km qua 3 thôn Quang Trung 1, Quang Trung 2 và thôn 3, được làm bằng bê tông, rộng 7 m thay cho con đường cũ vốn là đường đất có phủ lớp đá lổn nhổn, mùa khô bụi mù còn mùa mưa bùn lầy khó đi. Không chỉ thôn 5, hai thôn còn lại bà con cũng hiến đất làm đường không đòi bồi thường với tổng số là 120 hộ hiến trên 6.000 m2 đất, quy thành tiền là trên 1 tỷ đồng. Để có kết quả ấy, ông Hương cho biết công tác vận động bà con là rất quan trọng: “Nhận được chủ trương làm đường, các thôn họp bà con, phân tích rõ cái lợi, cái hại khi hiến đất để làm đường cho nhanh, bà con đi lại, làm ăn thuận tiện. Sau khi tất cả các hộ ký cam kết hiến đất, thôn tổ chức đội thanh niên đi giải phóng mặt bằng, chặt cây, phá tường, có chỗ còn dỡ cả quán bán hàng. Cũng có một số hộ chưa thông, chúng tôi phải tới nhà nói chuyện, động viên gia đình. Bởi vậy việc bàn giao đất làm đường rất nhanh và đúng quy định”.
 
Đất là tài sản quý nhất với người nông dân. Song khi chủ trương của Nhà nước hợp lòng dân, việc vận động của chính quyền địa phương minh bạch, rõ ràng, bà con sẵn sàng chung tay cùng xây dựng. Đây là bài học quý từ việc dân hiến đất xây đường ở Gia Lâm, vùng quê còn nhiều khó khăn của Lâm Hà.

DIỆP QUỲNH