Sau khi rời vườn cà phê, hay cho tằm, cho heo gà ăn xong, lo bữa cơm chiều tươm tất, các chị lại í ới nhắn tin, gọi điện hẹn giờ là lên xe máy ra sân chơi. Mỗi người một sắc áo vào cuộc chơi, tiếng nói, tiếng cười, cùng niềm đam mê theo quả bóng khiến các chị như trẻ lại.
Chiều nào chị em cũng tập trung ở UBND xã chơi bóng chuyền. Sau khi rời vườn cà phê, hay cho tằm, cho heo gà ăn xong, lo bữa cơm chiều tươm tất, các chị lại í ới nhắn tin, gọi điện hẹn giờ là lên xe máy ra sân chơi. Mỗi người một sắc áo vào cuộc chơi, tiếng nói, tiếng cười, cùng niềm đam mê theo quả bóng khiến các chị như trẻ lại.
Mải mê bên khung dệt len |
Chúng tôi đến xã Đông Thanh - huyện Lâm Hà lúc hoàng hôn xuống dần trên vùng cà phê trù phú. Xe vừa đỗ ngay trụ sở UBND xã, vừa đặt chân xuống xe mọi người đã nghe tiếng cười nói rộn rã của không chỉ cánh đàn ông mà các chị cũng tranh tài quyết liệt trên sân bóng. Anh quay phim của đài truyền hình vội vàng xách máy quay những thước phim mà hiếm khi bắt gặp tình cờ như thế. Hai sân bóng chuyền chia đều cho các anh, các chị cùng vui chơi cứ tưởng như đang có một buổi giao lưu phong trào thể thao của xã. Trước sự ngạc nhiên thích thú của chúng tôi, chị Phạm Thị Tuyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thanh nói ngay rằng: Chiều nào chị em cũng tụ tập ở đây chơi bóng chuyền. Thú vui này có được từ khi chị em hưởng ứng phong trào phụ nữ rèn luyện sức khỏe theo chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2010, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức thành lập các đội bóng chuyền nữ thuộc các chi hội. Đến nay, toàn xã Đông Thanh đã có 7 đội bóng chuyền nữ của 7 thôn thường xuyên tập luyện và tổ chức giao lưu bóng chuyền vào các dịp chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), mừng Sinh nhật Bác Hồ (19/5), kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).
Dù là môn chơi thuộc “địa hạt” của các anh nhưng các chị ở Đông Thanh rất hào hứng với môn bóng chuyền. Mỗi người một sắc áo vào cuộc chơi, tiếng nói, tiếng cười, cùng niềm đam mê theo quả bóng khiến các chị như trẻ lại. Chị Đỗ Thị Hoàng ngừng chơi lên xe máy đưa chúng tôi về thăm nhà. Ô tô vòng theo con đường bao bọc bởi cà phê xanh ngút ngàn, phải gần 5 cây số mới đến nhà chị Hoàng - một điển hình phụ nữ lao động giỏi của xã. Chúng tôi tò mò sao nhà xa mà chiều nào chị cũng ra xã chơi bóng chuyền, chị Hoàng vui vẻ kể: “Chiều nào mình cũng đi chơi bóng vì đã là thói quen thì khó bỏ lắm. Lo cho tằm ăn xong, lo cơm nước xong là mình tranh thủ chơi. Bây giờ chị em đều đã có điện thoại, cứ í ới nhắn tin, gọi điện hẹn giờ là lên xe máy ra sân chơi cho đến khi mặt trời lặn”. Mới gặp lần đầu, ai cũng bất ngờ khi biết chị Hoàng 44 tuổi nhưng trông còn rất trẻ trung và nhanh nhẹn hơn nhiều so với tuổi tác. Chị cho biết đã có 2 con, đã có cháu nội và rất tự hào về cô con gái đang làm nha sĩ ở Tp.HCM.
Chị Hoàng đưa chúng tôi thăm nhà nuôi tằm giống, có 4 lao động thường xuyên được trả công 100 ngàn đồng/người/ngày để chuyên nuôi tằm. Gia đình chị bắt đầu nuôi tằm giống từ năm 1996 đến nay, nguồn tằm giống của chị Hoàng đã có uy tín và cung cấp cho nhiều hộ nuôi tằm không chỉ vùng Lâm Hà mà sang cả Đức Trọng, Đơn Dương. Quy mô nuôi 80 -100 hộp/tháng, cứ 13 ngày xuất 1 lần và 1 tháng nuôi gối 4 lần, thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm của gia đình chị Hoàng cho lãi ròng 30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nguồn thu từ 6 ha cà phê mỗi năm trung bình 500 triệu đồng. Vừa cho tằm ăn, chị Hoàng nói vui về hoàn cảnh của mình: “Nuôi tằm ăn cơm đứng mà! vất vả lắm, nhất là lúc không có thêm nhân công phụ giúp. Cứ 4 giờ cho tằm ăn một lần, nhưng biết sắp xếp công việc hợp lý thì mình cũng có thời gian để vui chơi giải trí như đều đặn chơi bóng chuyền mỗi buổi chiều”.
Đi trong vùng cà phê, chúng tôi đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Anh đang làm nghề dệt len để tăng thêm thu nhập hơn 10 năm nay. Ba mẹ con chị đều biết kéo máy. Dù trời đã tối nhưng mẹ con chị vẫn miệt mài bên máy dệt. Chị Anh cho biết: Hai chiếc máy dệt len này đều nhờ vào nguồn vốn của Hội Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn mỗi hộ 10 triệu đồng. Tại xã Đông Thanh đã thành lập 3 tổ phụ nữ đan len với 60 chị tham gia. Mỗi tổ có các tổ trưởng vừa làm nghề vừa có nhiệm vụ dạy nghề cho các chị em hội viên trong tổ. Đây là mô hình có hiệu quả thiết thực ở các chi hội, phù hợp với nhiều hộ gia đình phụ nữ nghèo, thiếu đất sản xuất. Từ dệt len, nhiều hội viên phụ nữ đã cải thiện cuộc sống gia đình, tăng thêm thu nhập 1,2 -1,5 triệu đồng/tháng, nhiều chị có cuộc sống thoát nghèo lên khá giả như: Chị Nguyễn Thị Anh, chị Vũ Thị Côi, Nguyễn Thị Kim Thoa…
Và còn nhiều mô hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo, sản xuất giỏi ở Đông Thanh mà chúng tôi chưa kịp đến thăm vì trời đã tối. Chỉ biết rằng Đông Thanh là điển hình làm tốt hoạt động nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo. Nguồn vốn này đến nay giải quyết cho 374 hộ vay hơn 5,4 tỷ đồng đã giúp cho 73 hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 25 phụ nữ làm chủ hộ, 43 chị thoát nghèo bền vững trong 5 năm qua.
AN NHIÊN