Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, hoạt động ngoại giao nói chung và hoạt động ngoại giao nhân dân nói riêng của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực và đáng kể vào các thành tựu đối ngoại chung của cả nước. Riêng trong năm 2011, tỉnh tiếp nhận 244 đoàn khách với 1.251 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hoạt động báo chí và tham gia các hoạt động khác. Tỉnh cũng cử 99 lượt đoàn với 269 lượt người đi khảo sát học tập, trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.
Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, hoạt động ngoại giao nói chung và hoạt động ngoại giao nhân dân nói riêng của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã ngày càng phát triển, đóng góp thiết thực và đáng kể vào các thành tựu đối ngoại chung của cả nước. Riêng trong năm 2011, tỉnh tiếp nhận 244 đoàn khách với 1.251 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư, hoạt động báo chí và tham gia các hoạt động khác. Tỉnh cũng cử 99 lượt đoàn với 269 lượt người đi khảo sát học tập, trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.
Trong công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh, cộng đồng người Lâm Đồng ở nước ngoài hiện đang là cầu nối quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác, phát triển kinh tế giữa tỉnh với nước ngoài; là lực lượng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của đất nước và tỉnh nhà tại các nước nơi bà con cư trú. Đã có nhiều kiều bào tham gia trực tiếp hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh; thúc đẩy hoạt động khoa học, nghiên cứu, giáo dục đào tạo. Hiện nay đã có 27 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư hoạt động với tổng số vốn đăng ký 427,7 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư là NVNONN đang tiếp tục nộp hồ sơ đầu tư vào các khu du lịch và một số dự án trọng điểm của tỉnh.
Trong 2 năm trở lại đây, đã có 864 lượt kiều bào Lâm Đồng về thăm, viếng, đón Tết cùng thân nhân tại Lâm Đồng. Chủ yếu về từ các nước: Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong đó kiều bào ở Mỹ chiếm gần 60%. Tỉnh đã thành lập Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài; là thành viên của Hội Hữu nghị Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia. Tỉnh đã có một số chương trình hợp tác với tỉnh Champasak - Lào. Giới thiệu một số các doanh nghiệp của tỉnh sang làm ăn và chính thức xuất khẩu rau, hoa, rượu vang sang thị trường Campuchia.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức quốc tế đã đến thăm và làm việc với các đoàn thể của tỉnh như Hội Nhà báo Thái Lan, Hàn Quốc, Lào... thăm và làm việc với Hội Nhà báo tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo Đảng của Lào, Đảng cầm quyền của Campuchia đã đến thăm và làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng; Hiệp hội các đô thị của thế giới cũng đã đến làm việc với thành phố Đà Lạt, từng bước góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết giữa Lâm Đồng và bạn bè quốc tế. Nhiều tổ chức thầy thuốc và từ thiện quốc tế đã đến giúp đỡ nhân dân tỉnh nhà trong việc khám chữa bệnh, cứu trợ khẩn cấp và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân của những vùng bị thiệt hại do thiên tai hoặc còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh, đây cũng là một trong nhiều hoạt động góp một phần không nhỏ vào công tác an sinh - xã hội của tỉnh nhà.
Việc vận động viện trợ phi Chính phủ đã có những bước tiến mới, viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Lâm Đồng đang có xu thế gia tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững; các chương trình nước sạch, y tế cộng đồng... Tính đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã có 13 tổ chức NGO đang hoạt động với 15 dự án tài trợ có tổng số vốn cam kết 10,376 tỷ đồng (không kể vốn đối ứng), số vốn giải ngân trong năm 2011 là 2,39 tỷ đồng. Trong đó có 7 dự án do Ban điều phối viện trợ nhân dân làm đầu mối, có 2 dự án do các cơ quan của tỉnh vận động và làm đầu mối. Tỉnh đã tổ chức quản lý từ khâu chấp thuận cho đến việc tiếp nhận hồ sơ, triển khai và giao cho các đơn vị thụ hưởng dự án, sử dụng theo đúng các quy định quản lý Nhà nước về tài chính và đúng với cam kết của các nhà tài trợ. Chưa tính đến các chương trình viện trợ phi dự án đối với các hoạt động từ thiện nhân đạo, như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí...
Tuy vậy, nhìn nhận chung là công tác vận động viện trợ của Lâm Đồng còn nhiều bất cập. Đến nay, tỉnh vẫn chưa ban hành được danh mục kêu gọi viện trợ phi Chính phủ. Cũng chưa có một cơ quan chính thức làm chủ đầu mối vận động, xúc tiến các hoạt động viện trợ và các hoạt động khác nhằm mời gọi các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành cùng với địa phương trên một số lĩnh vực và một số địa bàn mà tỉnh nhà còn gặp khó khăn. Công tác khen thưởng đối với một số nhân tố tích cực trong lĩnh vực này cũng chưa được các cấp chính quyền và sở, ban, ngành quan tâm đúng mức. Ở các địa phương khác như Đồng Nai, Đà Nẵng, Đắk Lắk... sau khi được cấp ủy chính quyền địa phương giao cho Sở Ngoại vụ làm đầu mối vận động và xúc tiến, thì nguồn viện trợ đã tăng lên đáng kể (200-500 tỷ đồng/năm). Đây là một kinh nghiệm mà Lâm Đồng cần học tập trong thời gian tới.
Trần Thanh Hoài