Người phụ nữ vượt qua nghịch cảnh

10:03, 08/03/2012

(LĐ online) - Bằng ý chí và nghị lực phi thường của người phụ nữ, cô đã vượt qua nghịch cảnh của gia đình để nuôi dưỡng bố mẹ già yếu, người chồng bại liệt và 5 người con thơ.

(LĐ online) - Bằng ý chí và nghị lực phi thường của người phụ nữ, cô đã vượt qua nghịch cảnh của gia đình để nuôi dưỡng bố mẹ già yếu, người chồng bại liệt và 5 người con thơ. Người phụ nữ ấy chính là Nguyễn Thị Xuân (54 tuổi, thôn Xuân Thành, Phường 11, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng).

Cô Xuân bên vườn hoa của gia đình
Cô Xuân bên vườn hoa của gia đình


Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm gia đình cô Xuân trong căn nhà cấp 4 nằm giữa thôn Xuân Thành. Trong ánh mắt xa xăm, cô kể về cuộc đời mình với bao chông gai, khốn khó như cái câu mà dân gian đã từng ví von cho thân phận người phụ nữ - “bảy nổi ba chìm”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng ở xã Xuân Trường (TP. Đà Lạt). Sau một tình yêu đẹp, năm 29 tuổi cô kết hôn với một chàng trai người Đà Lạt tên Nguyễn Văn Ấn. Sau một thời gian, cô cùng gia đình chồng chuyển đến nơi ở mới ở thôn Xuân Thành, Phường 11. Hoàn cảnh gia đình vốn không khá giả lại đông con (5 người con) cùng cha mẹ chồng già yếu khiến cuộc sống kinh tế của gia đình càng khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ cần cù, siêng năng làm việc nên hai vợ chồng cô cũng cố gắng cho con cái được học hành tử tế. Thế nhưng, vào một ngày cuối tháng chạp năm 1992, tai họa đã ấp đến gia đình bé nhỏ của cô. Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng cướp đi đôi chân của chồng cô – chú Nguyễn Văn Ấn. Sau vụ tai nạn, người trụ cột của gia đình sức khỏe rất yếu, không thể đi lại nên mọi công việc đều trông vào cô Xuân. Trước cú sốc quá lớn, trong đầu cô Xuân chỉ toàn các câu hỏi chưa có lời giải: “Giờ đây ai sẽ nuôi các con ăn học ? tương lai các con sẽ đi về đâu ? rồi cuộc sống gia đình mình sau này sẽ ra sao ?...”

Nhưng được sự động viên quan tâm của bà con, lối xóm, anh em, bạn bè và nhất là khi nhìn thấy các con thơ, cô càng có thêm nghị lực và quyết tâm vượt qua số phận. Với một nghị lực phi thường, bản lĩnh của người phụ nữ, cô đã vươn lên làm trụ cột vững chắc cho cả gia đình có 9 miệng ăn này. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm tinh mơ cô đã vác cuốc ra đồng, dọn cỏ sú, trồng rau… tối mịt mới về nhà.

Cô Lương Thị Bàng, hàng xóm của cô Xuân nhận xét: “Hoàn cảnh gia đình chị Xuân rất tội nghiệp, một mình nuôi bố mẹ chồng già yếu, chồng lại bị đau nặng, 5 người con còn nhỏ đang tuổi ăn học. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng chị luôn là người con dâu ngoan, người vợ hiền hậu, đảm đang. Tôi ở nhà sát bên nhưng chư bao giờ thấy lời qua tiếng lại với ai trong nhà. Tuy vất vả nhưng cô vẫn tích cực tham gia các hoạt động của đoàn thể tại địa phương”.

Cuộc sống tuy khó khăn nhưng niềm vui lại đến khi cô Xuân thấy con mình ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ. Điều đó như một động lực vô hình làm cho cô quyết tâm nuôi các con ăn học nên người. Cô Xuân tâm sự: “Dù đi làm về mệt mỏi nhưng khi nghe các con khoe hôm nay được điểm 10, được cô giáo khen thì mọi mệt nhọc đều tan biến. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn”.

Không phụ lòng mong đợi của mẹ, 5 người con của cô lần lượt thi đậu vào các trường Đại học và Cao đẳng. Giờ đây, họ đã là những cử nhân và có công ăn việc làm ổn định với thu nhập cao. Cậu con trai út học xong cũng  về nhà thay mẹ chăm sóc hơn 3 sào nhà kính trồng hoa cúc, mỗi năm thu nhập được hơn 200 triệu đồng. Giờ đây, sau bao khó khăn tưởng như không vượt qua nổi, gia đình cô đang vui vầy sum họp trong niềm hạnh phúc. Đời sống kinh tế không còn khó khăn nhưng hàng ngày, cô Xuân vẫn chăm chỉ làm vườn, mở rộng sản xuất. Cô bảo: “Mấy chục năm nay tôi lao động quen rồi giờ nghỉ thì không chịu được. Ngày nào còn khỏe thì tôi vẫn còn làm để lo cho con cho cái, lấy tiền tiếp tục đưa mẹ chồng đi chữa bệnh”.

Hữu Tình