Cùng với nhiều địa phương khác trong huyện Bảo Lâm, thời gian qua, Hội phụ nữ xã Lộc Đức đã chú trọng phát triển nghề thêu ren nhằm giúp chị em hội viên giải quyết công ăn việc làm lúc nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập để ổn định đời sống.
Cùng với nhiều địa phương khác trong huyện Bảo Lâm, thời gian qua, Hội phụ nữ xã Lộc Đức đã chú trọng phát triển nghề thêu ren nhằm giúp chị em hội viên giải quyết công ăn việc làm lúc nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập để ổn định đời sống. Hiện nay, xã Lộc Đức đã thành lập được 5 tổ thêu ren với hơn 400 hội viên tham gia.
Tổ thêu ren đầu tiên của xã Lộc Đức được thành lập từ năm 2008 tại thôn Thanh Bình - nơi có đa số chị em hội viên Hội Phụ nữ từ các tỉnh phía Bắc vào đây sinh sống, lập nghiệp. Người có công thành lập tổ thêu ren này là chị Nguyễn Thị Sáng. Với tay nghề sẵn có cộng với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, chị đã lặn lội tìm đến các địa phương có nghề thêu ren phát triển mạnh ở huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc để học tập kinh nghiệm, cách thức làm việc. Rồi, chị Sáng cũng bỏ công đi tìm thị trường tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Sáng trao đổi: Lúc đầu, làm nghề thêu ren xuất phát từ sở thích, nhưng khi có nhiều người tìm đến đặt hàng mua sản phẩm, chị mạnh dạn đầu tư mua khung thêu, nguyên vật liệu để làm vào những lúc nông nhàn, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Sản phẩm làm ra tới đâu bán chạy hết đến đó, nên chị đã động viên nhiều chị em trong thôn cùng tham gia và nhận hàng về làm tại nhà. Học nghề thêu ren không khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Người đi trước có thể chỉ dạy cho người đi sau. Vì vậy, không riêng gì hội viên phụ nữ mà mọi lứa tuổi đều có thể tranh thủ thời gian làm để kiếm thêm thu nhập, Và từ đó, nghề thêu ren phát triển mạnh tại xã Lộc Đức như hiện nay. Cộng thêm sự khuyến khích của Hội Phụ nữ xã Lộc Đức, nên các tổ thêu ren nhanh chóng được duy trì và thu hút hội viên ngày càng nhiều. Điều đáng nói là quy mô việc làm từ các tổ thêu ren không ngừng được mở rộng và phát triển dần.
“Từ chỗ chỉ một người làm rồi dần dần phát triển lên thành một tổ. Đến nay, toàn xã Lộc Đức đã có 5 tổ thêu ren. Trong đó, 4 tổ ở thôn Thanh Bình và 1 tổ tại thôn Đức Thanh, thu hút hơn 400 lao động là chị em phụ nữ. Chưa dừng lại ở đó, hiện nay, đa số các thôn trong xã đều có người tham gia ở các tổ thêu ren và đó cũng là đều kiện thuận lợi để thành lập tổ thêu ren tại tất cả các thôn trong thời gian tới” - Chị Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Đức, cho biết.
Thu nhập của các thành viên trong tổ thêu ren hiện nay tương đối cao. Riêng chị Sáng, người có công sáng lập các tổ, nhờ có tay nghề cao nên thu nhập hàng tháng của chị cũng trên dưới 4 triệu đồng. Những thợ có tay nghề bình thường thì thu nhập dao động từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/mỗi tháng. Những người vừa làm, vừa học nghề thì thu nhập cũng gần 1 triệu đồng. Chị Lưu Thị Linh - thợ thêu ren, cho biết: Trước đây, chị làm vườn, công việc chăm sóc cà phê quá đổi cực nhọc, vất vả. Từ khi chuyển sang làm nghề thêu ren, công việc nhẹ nhàng hơn, phù hợp với điều kiện của bản thân, trong khi đó thu nhập lại tương đối ổn định.
Hiện nay, ngoài việc thêu, chị Sáng cũng là người lo chạy vật tư cho các tổ thêu và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Thị trường giao hàng chủ yếu là tại thành phố Hồ Chí Minh. Hàng tháng, trung bình 1 tổ thêu ren thu về từ 75 đến 80 triệu đồng. Để đảm bảo tay nghề cho chị em, thời gian qua, Hội Phụ nữ xã Lộc Đức đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Bảo Lâm tổ chức dạy nghề và cấp 133 chứng chỉ nghề thêu ren cho chị em. Bà Lê Thị Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Đức, cho biết: Hiện nay, nhu cầu cần việc làm của hội viên phụ nữ rất lớn, nhất là phụ nữ vùng nông thôn. Do đó, trong thời gian tới, Hội sẽ phát triển thêm các tổ thêu ren tại tất cả số thôn trong xã, nhằm giúp cho chị em có nguồn thu nhập, ổn định đời sống. Thế nhưng, nổi trăn trở và khó khăn lớn nhất hiện nay của chị em hội viên Hội Phụ nữ là nguồn vốn vay và thị trường đầu ra ổn định, lâu dài.
Thực tế cho thấy, triển vọng từ các tổ thêu ren đã phần nào giải quyết được bài toán về việc làm và xóa đói, giảm nghèo cho chị em phụ nữ vùng nông thôn hiện nay. Thiết nghĩ, nếu có sự quan tâm hỗ trợ đúng mức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nghề thêu ren sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong những năm tới.
QUỐC TUẤN