Sức bật của hệ thống chính trị từ phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã điểm Tân Hội

03:03, 07/03/2012

Là 1 trong 11 xã điểm của cả nước về Chương trình nông thôn mới, qua hơn 2 năm triển khai, nông thôn Tân Hội (huyện Đức Trọng) đã có những bước nhảy vọt “bằng mười năm trước”.

Là 1 trong 11 xã điểm của cả nước về Chương trình nông thôn mới, qua hơn 2 năm triển khai, nông thôn Tân Hội (huyện Đức Trọng) đã có những bước nhảy vọt “bằng mười năm trước”. Đó không chỉ là hạ tầng nông thôn phát triển, là sự ra đời các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao... mà còn là thành công trong việc xây dựng hệ thống chính trị. Gắn phong trào xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống Đảng, chính quyền, đoàn thể... đã giúp cho hệ thống chính trị của xã Tân Hội có sức bật mới.

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ - NỖ LỰC HOÀN THIỆN ĐỂ ĐI TIÊN PHONG

Có thể nói, vai trò tiên phong của hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Hội được “hiện thực hóa” bằng những cách làm, việc làm  thiết thực chứ không dừng lại trên văn bản hay trong hội nghị. Và nhờ thế mà đã kết thành một “đầu tàu” đủ sức đưa con tàu nông thôn mới về đích ngoạn mục với việc đạt 18/19 tiêu chí.

Với việc hình thành Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình nông thôn mới và gắn chương trình với nhiệm vụ lãnh - chỉ đạo, Đảng ủy xã Tân Hội đã nâng cao vai trò bằng việc ra những nghị quyết thiết thực, có tính khả thi cao như: Nghị quyết về Chương trình hành động nông thôn mới, Nghị quyết về chuyển đổi giống cây trồng, Nghị quyết về phát triển hạ tầng nông thôn gắn với phát triển kinh tế, Nghị quyết về an ninh trật tự... Đặc biệt Đảng ủy xã sửa đổi  quy chế làm việc của Ban chấp hành để đáp ứng tốt nhất cho việc lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Quán triệt và tuyên truyền  để nâng cao nhận thức cho mọi công dân đang sinh sống trên địa bàn xã, đặt ra những nhiệm vụ rất cụ thể cho từng tổ chức Đảng, từng đảng viên... được xem là những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh. Để có thể làm và làm tốt những nội dung đó, Đảng bộ xã Tân Hội đã tạo một “sức ép trách nhiệm” gắn với ý thức thực hiện nghiêm nghĩa vụ, phát huy vai trò của đảng viên, tổ chức Đảng để mọi đảng viên, mọi tổ chức Đảng đều phải vào cuộc, tăng cường rèn luyện mình nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Nhờ vậy chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng những năm qua điều tăng,  lần đầu tiên Đảng bộ xã có một chi bộ Quỹ tín dụng hỗ trợ vốn cho nông dân rất hiệu quả, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân có sự chuyển biến rất tốt từ sự lắng nghe nhau và đồng thuận...

Cùng với  cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân cũng “vào cuộc” với một tinh thần trách nhiệm cao bằng việc ban hành các nghị quyết quan trọng về huy động mức đóng góp của người dân vào chương trình, nghị quyết về kế hoạch xây dựng nông thôn mới... và đặc biệt là tăng cường việc giám sát Chương trình nông thôn mới. Song song đó thì chính quyền xã, thôn... đã tập trung mọi nguồn nhân lực cho việc hình thành đội ngũ “chuyên trách” để thực hiện chương trình như: Ban quản lý dự án, Ban giám sát,  Ban vận động, Tổ thẩm định, Tổ thu các nguồn đóng góp của dân... Với những công việc hết sức cụ thể, tiến độ hết sức khẩn trương buộc chính quyền phải nhanh chóng “củng cố và hoàn thiện mình” để đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, cách làm việc của UBND xã cũng chuyển mạnh theo hướng lấy thực tế làm cơ sở cho mọi việc, hạn chế tối đa kiểu quản lý "bàn giấy"...

Không chỉ tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên trong Hội, Đoàn của mình tham gia  xây dựng nông thôn mới, với mô hình: 1-2 (mỗi đoàn thể phụ trách 2 thôn), các Hội, Đoàn như: Thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân... đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trở thành những nhân tố tích cực, không thể thiếu trong quá trình triển khai chương trình.

Hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc không chỉ là yếu tố tiên quyết cho sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới mà hơn thế nữa việc xây dựng nông thôn mới đang thực sự là điều kiện, là động lực, là cơ hội... để hệ thống chính trị hoàn thiện mình, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Hiện 100% cán bộ xã có trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông (70% số này đã tốt  nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp...), Đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh, tất cả các đoàn thể đều đạt tiên tiến, xuất sắc; việc lãnh đạo và điều hành công tác quản lý nhà nước năng động hơn, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với trước khi triển khai Chương trình nông thôn mới...

VỮNG VÀNG “THẾ” VÀ “LỰC” MỚI

Kết quả vượt bậc của việc nâng cao chất lượng hoạt động từ việc gắn liền với xây dựng nông thôn mới đã thực sự tạo nên một “thế” và “lực” mới cho hệ thống chính trị ở cơ sở của Tân Hội. Và có thể nói đây là “mô hình”  hay từ thực tiễn để có thể nhân rộng trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở cho nhiều địa phương khác.

Cái “thế” mới ở đây chính là sự “nâng tầm” của hệ thống chính trị trên cơ sở sự sâu sát của hệ thống chính trị trong dân,  sự đồng thuận và ủng hộ cao của nhân dân đối với hệ thống chính trị. Nếu như trước đây, khoảng cách giữa các tổ chức Đảng, chính quyền... cũng như những cá nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở địa phương còn khá lớn thì giờ đây khoảng cách đó đã hẹp đi rất nhiều do sự sâu sát của hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Từ việc xác định rõ “nông dân là chủ thể” của xây dựng nông thôn mới nên Đảng, chính quyền không còn nặng “mệnh lệnh hành chính” mà chuyển sang lắng nghe dân nhiều hơn. Và nhờ đó, cái chất “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” tăng lên và theo đó thế đứng của hệ thống chính trị ở Tân Hội cũng vững vàng hơn.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã ngày càng tham gia được nhiều hơn vào công việc của hệ thống chính trị. Rất nhiều việc, tiếng nói của người dân “đồng âm” với tiếng nói của hệ thống chính trị tại địa phương nên tiếng nói của hệ thống chính trị này đã có một tư thế lớn hơn, trọng lượng hơn và được lắng nghe nhiều hơn, hiệu lực cao hơn. Cụm từ “dân yêu cầu làm...” đã trở nên bình thường, quen thuộc và phổ biến không chỉ trong dân mà còn cả trong hệ thống chính trị ở Tân Hội; việc  bức xúc, xung đột giữa dân với hệ thống chính trị, với lãnh đạo xã về việc chung không xảy ra.

Với “thế” hình thành từ việc phát huy dân chủ, việc mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân... của chương trình xây dựng nông thôn mới đó, hệ thống chính trị ở Tân Hội đang có một sức bật mới, một lực mạnh. Đó không chỉ là nguồn lực “quyền” được giao  mà hiện nay còn là “lực” của cả cộng đồng.  Nguồn lực đó chính là niềm tin và sự đồng thuận của hầu hết người dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã, là sự hưởng ứng và tích cực đóng góp tài lực cho xây dựng nông thôn mới, là sự “hậu thuẫn” vững chắc cho mọi kế hoạch và quyết định của Đảng bộ, chính quyền địa phương...

Thực tiễn ở Tân Hội cho thấy chương trình nông thôn mới tác động lớn đến hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn; có mối quan hệ biện chứng, khắng khít với nhau. Muốn xây dựng nông thôn mới thành công thì cần phải nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở và ngược lại – khi việc xây dựng nông thôn mới thành công thì cũng sẽ hoàn thiện hệ thống chính trị cơ sở trong một “thế” và “lực” mới vững chắc hơn. Hy vọng thành công  của Tân Hội sẽ là bước khởi động để có thêm nhiều xã nông thôn mới có một hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

PHAN VĂN ĐÔNG