Cuối tháng 12/2011 vừa qua, Đà Lạt đã có quyết định công nhận Tà Nung, một xã ngoại thành vốn là một điểm nóng về học sinh bỏ học của Đà Lạt, đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở trở lại, sau 2 năm “rớt chuẩn”.
Cuối tháng 12/2011 vừa qua, Đà Lạt đã có quyết định công nhận Tà Nung, một xã ngoại thành vốn là một điểm nóng về học sinh bỏ học của Đà Lạt, đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở trở lại, sau 2 năm “rớt chuẩn”.
Điều tra tình trạng học sinh bỏ học |
Là một xã vùng ven của Đà Lạt với đa số là người dân tộc thiểu số bản địa, đời sống còn rất nhiều khó khăn, nên dù cách trung tâm TP. Đà Lạt chỉ bằng lộ trình của con đèo Tà Nung không xa lắm nhưng chuyện học ở đây trong những năm gần đây luôn là một nỗi lo của thành phố Đà Lạt.
Về cơ sở vật chất, dù chỉ là cấp xã nhưng Tà Nung có mặt các ngôi trường cả 3 cấp học: 1 trường mầm non, 1 trường Tiểu học, một trường cho 2 khối lớp THCS và THPT, tất cả đều khá khang trang, nằm ngay trung tâm xã rất thuận tiện cho học sinh. Tổng số học sinh trong năm học 2011 - 2012 này có 852, trong đó bậc Tiểu học có 403 , THCS 290 và THPT có 159.
Trong nỗ lực chung của toàn thành phố, năm 1995 Tà Nung đã hoàn thành xóa mù chữ - phổ cập Giáo dục Tiểu học. Năm 2000, 14/15 phường, xã của Đà Lạt được công nhận đạt chuẩn phổ cập Trung học cơ sở (THCS), thì phải đến năm 2007 Tà Nung - xã cuối cùng của Đà Lạt này mới được công nhận đạt chuẩn khi mở được một số lớp phổ cập. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó kết quả này đã không duy trì được, hay như cách nói của UBND xã Tà Nung: “không bền vững”. 3 lớp phổ cập THCS được mở ra sau đó để duy trì kết quả nhưng 77 học viên chẳng bao giờ đủ mặt. Không vận động được học viên đến lớp, Tà Nung rớt khỏi chuẩn sau đó 2 năm.
Và không chỉ có “vấn đề” với các lớp phổ cập, học sinh ở cấp tiểu học cũng đầy nỗi lo. Tình trạng học sinh đi học không chuyên cần, nghỉ học tùy tiện, lưu ban khá phổ biến nơi đây. Tháng 12/2009, khi kiểm tra ở xã, không chỉ tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS còn thấp so với chuẩn mà tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành tiểu học cũng đạt khá thấp. Học sinh trong độ tuổi 11 đến 14 bỏ tiểu học nhiều. Vẫn còn trình trạng học sinh ở 4 - 5 độ tuổi khác nhau ngồi chung trong 1 lớp.
Với quyết tâm đưa Tà Nung đạt chuẩn trở lại, ngay trong đầu năm 2011, Đà Lạt đã huy động chính quyền các ban, ngành của xã, ngành Giáo dục của thành phố cùng phối hợp. Một cuộc điều tra lại trình độ văn hóa trên địa bàn được tiến hành. Mục tiêu đưa ra với cấp Tiểu học: Phải đưa các học sinh 11 tuổi đang bỏ lớp ở nhà trong năm ra lớp trở lại (5 học sinh), trường học được yêu cầu đảm bảo duy trì sĩ số hàng ngày trên lớp. Riêng với số học sinh 11 tuổi đang học lớp 5 phải được “kèm sát” để hoàn tất chương trình Tiểu học. Cùng đó, với 27 học sinh đã bỏ hẳn tiểu học lâu nay cũng được huy động ra trường trở lại. Nhà trường lên kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu, đảm bảo tất cả các học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 đang học lớp 5 phải hoàn thành bậc tiểu học trong năm.
Ở cấp THCS, xã cần phải đưa số 67 học sinh đã bỏ học THCS trở lại trường trong đó có 13 em bỏ học lớp 9, 17 bỏ học lớp 8, 15 học sinh bỏ học lớp 7 và 13 học sinh bỏ học lớp 6.
Ngành GD Đà Lạt cũng yêu cầu nhiệm vụ hàng đầu của các trường học trên địa bàn là đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học, tăng cường việc dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học đầu cấp, hạn chế tối đa tình trạng lưu ban tại trường, phụ đạo cho học sinh yếu. Chính quyền xã cũng đã huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương cùng vận động cho học sinh đến lớp, đảm bảo duy trì sĩ số; phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong xã trực tiếp đến nhà học sinh bỏ học để tìm hiểu, giúp đỡ.
Trong đầu tháng 6/2011, 3 lớp phổ cập được mở tại xã: Lớp thứ nhất cho 13 học sinh từ 15 - 18 tuổi khối lớp 9 và những đối tượng ngoài độ tuổi đã học xong lớp 8 và bỏ học lớp 9. Lớp thứ 2 dành cho khối lớp 8 với 17 học sinh từ 14 - 18 tuổi đã bỏ học lớp 8. Lớp thứ 3 dành cho khối lớp 5 với 24 học sinh sinh năm 2000 và những em học sinh lớn tuổi hơn nhưng đã học xong chương trình lớp 4. Các học sinh đi học lại giúp đỡ, được Hội Khuyến học Đà Lạt cùng nhiều đơn vị trong thành phố hỗ trợ thêm sách vở, dụng cụ học tập.
Với những nỗ lực không ngừng, tháng 11/2011, lớp phổ cập tiểu học lớp 5 của Tà Nung đã được nghiệm thu với hầu hết học sinh đều đạt. Tháng 12/2011, Đà Lạt đã cho kiểm tra và nghiệm thu 2 lớp phổ cập còn lại tại đây và có quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cho xã.
Theo bà Mai Thị Xuân Nhơn, Phó Phòng Giáo dục Đà Lạt, để duy trì được chuẩn tại Tà Nung, tránh chuyện rớt chuẩn như trước, Đà Lạt đang thực hiện nhiều giải pháp tại đây. Bên cạnh việc tiếp tục mở thêm các lớp phổ cập cho số học sinh còn lại, Phòng yêu cầu trường học trên địa bàn nâng cao chất lượng giáo dục trong trường, tạo một môi trường thân thiện để học sinh an tâm đến lớp. Phòng đề nghị các trường học chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm lớp theo sát tình hình sĩ số trong lớp, những trường hợp bỏ học phối hợp với trường và chính quyền địa phương cử người được đến nhà động viên đi học lại. Trước mắt, trường học cần tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh. Đà Lạt cũng tăng cường hoạt động của Hội Khuyến học tại xã, có giải pháp giúp đỡ cụ thể những trường hợp khó khăn để đưa các em trở lại lớp.
Gia Khánh