Năm 2012 được xác định là năm thứ hai tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, việc hoàn thành kế hoạch 2012 có ý nghĩa quan trọng tiếp tục tạo đà tăng trưởng kinh tế cho những năm sau.
Năm 2012 được xác định là năm thứ hai tiếp tục thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, việc hoàn thành kế hoạch 2012 có ý nghĩa quan trọng tiếp tục tạo đà tăng trưởng kinh tế cho những năm sau. Do đó, ngành LĐ - TB & XH cũng đặt ra chỉ tiêu trọng tâm trong năm 2012, đó là giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, dạy nghề cho 45.000 người, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4% theo tiêu chí mới; song song đó nhiệm vụ đào tạo nghề tiếp tục được tập trung, gắn với chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Học nghề giúp nâng cao năng suất lao động |
Số liệu thống kê cho thấy hiện toàn tỉnh có 50 cơ sở, đơn vị dạy nghề, trong đó có 21 đơn vị công lập và 29 đơn vị tư thục, số đơn vị dạy nghề có tăng lên so với trước đây nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng cao của lao động hiện nay. Riêng năm 2011 có khoảng 40.677 người được học nghề bằng các hình thức như: Tự đi học nghề tại các trường, trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh, học nghề tại các cơ sở sản xuất - dịch vụ, hộ ngành nghề hoặc được các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng đào tạo nghề theo các Chương trình 30a, Chương trình nhân đạo… đạt tỷ lệ khoảng 86,49% so kế hoạch. Riêng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có 7.500 học viên tốt nghiệp với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình triển khai đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng (theo Đề án 1956) đã nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc cần từng bước tháo gỡ, khắc phục. Về vấn đề này, ông Ngô Hữu Hay - Phó Giám đốc sở LĐ - TB & XH Lâm Đồng cho biết: Nhu cầu học nghề hiện nay rất đông nhưng ngành nghề đào tạo lại chưa đáp ứng với nguyện vọng của bà con, ngành nghề chưa đa dạng, về năng lực, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả cơ sở vật chất, giáo viên dạy nghề trình độ còn rất hạn chế. Số lượng đăng ký học các nghề nông nghiệp, chăm sóc cây trồng, vật nuôi lại thu hút rất đông người đăng ký bởi nó gắn chặt với nhu cầu thực tế của nông dân, của các vùng nông thôn.Trong thời gian đến cần thiết phải được rà soát kỹ nhu cầu học nghề của lao động, khảo sát nếu ai có nhu cầu thực sự mới hỗ trợ học nghề theo chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Thực tế tại các địa phương, cơ sở xã, thôn, buôn hiện nay cho thấy mặc dù được hỗ trợ đào tạo nghề nhưng hàng trăm lao động nông thôn sau khi học nghề vẫn chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, việc đầu tư cho các cơ sở dạy nghề hiện nay còn phân tán, thiếu đồng bộ cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị, giáo viên.Chính vì vậy, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề hiện nay không chỉ dừng lại ở một ngành, ban nào mà cần sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội địa phương, của cả hệ thống chính trị, cần sự đồng thuận của toàn xã hội và của ngay chính bản thân người lao động.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải gắn với các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành nghề nông thôn… Bên cạnh đó, theo ý kiến của ngành chức năng, cần thực hiện phân cấp cho cấp huyện kinh phí dạy nghề, tăng cường kiểm tra, giám sát các lớp học nghề, rà soát nội dung chương trình đào tạo sát với nhu cầu của người học. Các cơ quan chuyên môn, các cán bộ chuyên trách, người thân của học viên cần tư vấn kỹ về khâu lựa chọn nghề cần học đảm bảo tránh đào tạo dàn trải, không chất lượng, học viên học miễn cưỡng, lãng phí tiền của Nhà nước. Hoạt động đào tạo nghề cần chú trọng ưu tiên đối tượng người nghèo, vùng nghèo, cùng đồng bào DTTS.
Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Đề án giảm nghèo 30a, Đề án xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao… của Chính phủ đều là những chính sách ưu đãi rất lớn, rất kịp thời, dành điều kiện tốt nhất cho người lao động, người nông dân, người nghèo được thụ hưởng. Từ đó nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế lâu nay ở hầu hết các địa phương như: Lao động thiếu tay nghề, nông dân chưa được đào tạo chuyên nghiệp, người nghèo chưa có giải pháp thoát nghèo bền vững. Giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về XKLĐ, dạy nghề, giảm nghèo của Lâm Đồng trong năm 2012 vẫn là việc lồng ghép một cách đồng bộ các chương trình, dự án nói trên, đúng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh: Phải tập trung lồng ghép, đẩy mạnh, phối kết hợp giữa các ngành, các địa phương để triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới… góp phần tạo nên một diện mạo về nông thôn mới ngày càng khởi sắc hơn, đời sống của người dân từng bước được nâng cao; thúc đẩy mạnh mẽ kinhh tế - xã hội phát triển ngày càng bền vững.
Nguyệt Thu