Ưu thế cho học sinh vùng sâu

03:03, 28/03/2012

Rất nhiều học sinh vùng sâu đã tỏ rõ sự vui mừng và tự tin khi biết các môn thi tốt nghiệp PTTH năm nay.

Rất nhiều học sinh vùng sâu đã tỏ rõ sự vui mừng và tự tin khi biết các môn thi tốt nghiệp PTTH năm nay.
 

Ôn tập tại lớp ở Trường Dân tộc Nội trú liên huyện phía Nam.
Ôn tập tại lớp ở Trường Dân tộc Nội trú liên huyện phía Nam.

Nằm ở góc khuất trong vùng sâu Cát Tiên, THPT Gia Viễn năm học 2011-2012 này có 308 học sinh ở 3 khối lớp, trong đó có 4 lớp 12 với 126 học sinh. Tất cả học sinh 12 cuối cấp những ngày này đang tích cực chạy đua với thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp PTTH và thi vào đại học, cao đẳng năm nay. “Học sinh vùng sâu khó khăn lắm, không có nhiều điều kiện thuận lợi như bạn đồng lớp ở phố đâu. Gia đình nông dân, kinh tế eo hẹp, đi học thì trường ở xa, đường khó đi, phụ huynh đâu thể đưa đón như ở phố. Chuyện học thêm cho thi cử các em tự lo, học phụ đạo ở trường là chính. Cho nên khi nghe bên cạnh 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, thì 3 môn còn lại là Hóa, Sử, Địa các em rất mừng. Có thể học ở trường rồi cùng học bài ở nhà, bớt lo chuyện đi học thêm” - cô giáo Đỗ Thị Hoài - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Viễn cho biết.

Theo cô Hoài, khi biết các môn thi tốt nghiệp, lập tức trường đã lên lịch tăng cường thời lượng ôn tập cho các em 3 môn còn lại này. Nhất là với 2 môn Sử, Địa, nhà trường có chủ trương tăng cường dò bài hằng ngày. Tuy nhiên, nỗi lo của Ban Giám hiệu, không phải là từ 2 môn Sử, Địa học bài này, mà chính là môn Anh ngữ. “Học trò vùng sâu yếu nhất là môn Anh, chúng tôi đã tổ chức phụ đạo ngay từ lớp 10, nhưng đến 12, đi thi vẫn không nhiều học sinh đạt điểm cao được”.

Với thầy giáo Huỳnh Văn Phụ - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Dân tộc Nội trú liên huyện phía Nam tại Đạ Tẻh, các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay là “rất thuận lợi” với học sinh của trường. Đây là năm thứ hai trường có học sinh thi tốt nghiệp THPT và 76 học sinh cuối cấp năm nay của trường vẫn hầu hết là học sinh người dân tộc thiểu số. “Học sinh dân tộc thiểu số rất chuyên cần, chịu khó, nhất là các môn học bài” - thầy Phụ cho biết. Năm ngoái, với lượng học sinh như năm nay, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trường là 85%. Rút kinh nghiệm từ việc chuẩn bị thi cử năm trước, năm nay nhà trường cũng thực hiện rất nghiêm việc dò bài tại lớp, duy trì không khí học tập chuyên cần, nghiêm túc hằng ngày tại lớp.

Với Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, việc chuẩn bị cho học sinh thi tốt nghiệp đã được nhà trường chuẩn bị từ đầu năm. Theo thầy Võ Tấn Huệ - Hiệu trưởng, trong 6 môn thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, nếu tính cả Anh văn thì đã có đến 4 môn xã hội (Văn, Sử, Địa, Anh văn) và đây là một điều thuận lợi lớn cho học sinh của trường vốn lâu nay trội các môn xã hội hơn các môn tự nhiên (Toán, Lý, Hóa…). Những năm vừa qua đã có không ít học sinh của trường đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia các môn Sử, Địa. Điển hình nhất là Ma Hiêng, học sinh của trường, người dân tộc Chu Ru ở Đức Trọng, năm vừa qua là á khoa khối C (Văn, Sử, Địa) trong thi đầu vào của Đại học Đà Lạt. “Lâu nay chúng tôi vẫn duy trì rất tốt nề nếp chuyên cần cho các em. Khi có thông báo môn thi, trường đã triển khai ngay cho các tổ chuyên môn và từng giáo viên phụ trách môn học. Với các môn học bài chúng tôi yêu cầu cho học sinh học theo đề cương, nhà trường tổ chức lực lượng để dò bài cho các em tại lớp hằng ngày”. Theo thầy Huệ, trong làm bài Sử, Địa, ngại nhất là những câu hỏi kiểu phân tích, rất khó lấy điểm, giáo viên cần có cách dạy để học sinh biết cách làm bài. Chú ý đến việc yêu cầu học sinh nhớ trọng tâm, nhớ ý chính, đừng quá sa vào chi tiết”. Tỷ lệ tốt nghiệp của trường năm học 2010-2011 là 91,6%, năm nay với gần 130 học sinh của 4 lớp 12, thầy Huệ hy vọng tỷ lệ này sẽ cao hơn năm trước.

Trong khi đó, với THPT Đức Trọng, một trường hàng đầu của tỉnh về tỷ lệ tốt nghiệp cao lẫn trúng tuyển vào đại học hằng năm với phần lớn học sinh chọn thi đại học khối tự nhiên thì việc thi tốt nghiệp với các môn học bài sẽ “tạo thêm áp lực cho học sinh”. Theo thầy Lê Phú Súy, Hiệu trưởng nhà trường, “Sợ nhất là môn Sử, học bài nhiều, phải nhớ chi tiết ngày tháng…”. Tuy nhiên, nhà trường ngay từ đầu năm học đã chuẩn bị kỹ cho kỳ thi bằng cách phân loại học sinh, có kế hoạch bồi dưỡng kèm cặp học sinh yếu từ đầu. Gần đây, khi Bộ công bố môn thi, nhà trường đã tiến hành họp phụ huynh, đề nghị phối hợp cùng nhà trường trong việc bố trí đưa đón, ôn bài, phụ đạo tại trường, kiểm tra giờ giấc học tập ở nhà.  

Theo ông Huỳnh Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, Sở đã có hướng dẫn cụ thể yêu cầu các trường chuẩn bị tốt nhất cho học sinh, có kế hoạch dạy học, ôn tập bồi dưỡng cụ thể cho học sinh trong các môn thi. Năm nay theo ông, Sở không có chủ trương, nhưng nếu các trường có điều kiện có thể tổ chức cho học sinh thi thử để đánh giá và kịp thời bồi dưỡng những chỗ các em còn khiếm khuyết trước kỳ thi chính.

GIA KHÁNH