Sự học của trẻ em nơi vùng lũ thật lắm gian truân ngay từ những ngày đầu tiên đi học..
Ở huyện nghèo Cát Tiên, có đến 4/12 xã không có trường mầm non (MN) cho trẻ. 8 xã còn lại, thì có đến 5 xã dù đã thành lập được trường riêng, nhưng vẫn phải mượn tạm các lớp của trường tiểu học (TH), nhà văn hoá thôn để có “nơi chốn” cho trẻ ăn học.
“Trường của chúng em …” là trường gì?
Trong số 12 xã, thị trấn của huyện Cát Tiên, trừ thị trấn Đồng Nai, hai xã Phù Mỹ và Gia Viễn là có cơ ngơi đàng hoàng, trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến 5 được đến lớp, ăn học theo tiêu chuẩn bán trú. Còn lại, 5 xã có thành lập trường là Phước Cát I, Phước Cát II, Tiên Hoàng, Đức Phổ, Đồng Nai Thượng cùng với 4 xã chưa thành lập trường (mà chỉ có các tổ mẫu giáo nằm trong sự quản lý của các trường TH) là Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Nam Ninh, Mỹ Lâm, đều nằm chung hoàn cảnh “ăn nhờ, ở đậu”.
Trường của các em là các phòng học mượn tạm ở trường TH, là các hội trường thôn, bản, xã tạm bợ và thiếu thốn. Cô giáo Phạm Thị Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiên Hoàng than thở: “Ở đây, tất cả đều phải đi mượn. Lớp học thì mượn nhà văn hoá của các thôn, văn phòng nhà trường thì mượn 2 phòng tập thể của giáo viên TH. Điều kiện dạy và học của thầy trò rất khó khăn và bất tiện. Phòng học của các em là nhà văn hoá thôn nên thiếu thốn đủ thứ, nhiều nơi, vào mùa khô, các cô phải đến từ 6 giờ sáng để xách nước sinh hoạt cho các cháu làm vệ sinh và lau chùi lớp học. Mùa mưa, thì nước lên ngập gần mép sân nên suốt ngày phải đóng cửa, không dám rời mắt khỏi các cháu một bước vì trẻ em ở độ tuổi này rất hiếu động”.
Phải mượn hội trường của UBND xã để làm lớp học |
Ông Võ Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi thì cho biết: “Ở xã, nhiều phụ huynh đều muốn gửi con mình đến trường để có thời gian làm việc nhà. Nhiều thôn đã từng đóng góp tiền để xây lớp học, nhưng vì không đủ số lượng học sinh nên không thể mở được lớp, vì thế Phòng Giáo dục không thể bố trí giáo viên, nên các cháu phải đến học một buổi tại các lớp ở trường TH. Lớp học của các thôn do nhân dân đóng góp bây giờ đành phải đóng cửa bỏ không”.
Những lớp học “3 không”
Ở Cát Tiên, chỉ có trẻ em 5 tuổi mới được đi học cả ngày ở trường, đây là quy định của ngành giáo dục bởi ở độ tuổi này các em cần có sự chuẩn bị tốt nhất để chuẩn bị bước vào lớp một. Tuy nhiên, ngoài 3 trường ở Phù Mỹ, Gia Viễn, thị trấn Đồng Nai các em học sinh được ở bán trú, các trường còn lại đều phải tổ chức học hai buổi. Lần lượt hàng ngày, các bậc phụ huynh đều phải bốn lần đưa đón các cháu đi về. Cá biệt, ở xã Quảng Ngãi, các em học sinh MN 5 tuổi cũng chỉ đi học có một buổi sáng, bởi các bậc phụ huynh nơi đây không thể sắp xếp thời gian đưa đón các cháu theo đúng giờ quy định vì bận việc nông.
Ở các trường phải đi mượn cơ sở vật chất để dạy và học, chỉ có trẻ em từ 4 đến 5 tuổi mới được đi học. Trẻ em ở độ tuổi từ 0-3 đều không có lớp để học, dù rất nhiều phụ huynh mong muốn được đưa các cháu đến trường. Riêng với các lớp dành cho trẻ 4 tuổi, các em chỉ được đến trường nửa buổi, 7h30’ đến lớp 10h30’ đã đến giờ đón về.
Các em học sinh MN ở các trường “không có trường” gần như đến trường theo tiêu chuẩn “3 không”, đó là không có trường riêng, không ăn ở trường và không có đồ chơi hoạt động ngoài trời. Theo thầy Hà Tiến Trình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Ninh (một trong 4 xã không có trường tiểu học) thì: Việc học sinh MN học chung trường với bậc TH cũng là điều thiệt thòi cho các em nhỏ, đồng thời cũng gây ra nhiều bất cập trong việc giảng dạy. Không thể tổ chức ăn uống theo các bữa sáng, trưa, lỡ cho các cháu vì không có các phòng chức năng và điều kiện hoàn cảnh gia đình cũng còn khó khăn (phần lớn đều là người dân làm nông). Đồ chơi ngoài trời mặc dù có, nhưng không dám đặt ngoài sân bởi sẽ có sự tranh giành của các em MN và TH, bởi việc học của học sinh MN cũng tuân theo hiệu lệnh trống và giờ giấc của bậc TH. Bên cạnh đó, phần lớn giờ học của học sinh MN cần đến rất nhiều các hoạt động liên quan đến ca, múa, hô gọi… nên cũng ảnh hưởng đến các em TH, nếu như các lớp học của hai bậc đặt cạnh gần nhau.
Bao giờ trẻ mới có trường?
Ông Dương Hùng Cường - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Cát Tiên cho biết: “Tính đến tháng 1/2012, toàn huyện huy động được 1.636/3.875 (đạt tỷ lệ 42,21%) trẻ trong độ tuổi từ 0-5 ra lớp, trong đó nhà trẻ chỉ có 71/1.643 cháu (tỷ lệ 4,32%); mẫu giáo 1.565/2.232 cháu (tỷ lệ 70,12%)”. Những con số thống kê khiêm tốn và khô khan đến giật mình! Khi biết rằng, ở những nơi phát triển, trẻ em còn được các bậc phụ huynh “chạy trường, chạy lớp” để vào những nơi có điều kiện tốt nhất.
Trước thực trạng thiếu trường, thiếu lớp của bậc MN, huyện Cát Tiên cũng đã xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp MN huyện giai đoạn 2011-2015 với tổng số phòng học cần đầu tư là 64 phòng cho tất cả 12 trường, vốn đầu tư vào khoảng trên 60 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp (kiên cố hoá trường lớp và chương trình mục tiêu quốc gia). Vẫn biết, việc xây trường lớp đàng hoàng cho học sinh MN ăn học là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vì là một huyện nghèo vùng 3, cho nên từ lãnh đạo đến các nhà quản lý chức năng của huyện đều than thở, chẳng biết bao giờ có vốn và tìm nguồn vốn từ đâu?
Phát triển giáo dục MN là tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục cho trẻ. Việc đến lớp một buổi, hoặc một ngày đưa đón bốn lần, không ăn uống đảm bảo, không có điều kiện vui chơi, học tập trong những căn nhà mượn xuống cấp cũ kỹ… Thử đặt câu hỏi, liệu trẻ em nơi vùng sâu phía nam của Lâm Đồng làm sao có được sự phát triển toàn diện đầy đủ nhất?.
60 tỷ là một số tiền lớn, nhưng con số ấy sẽ chẳng thấm tháp gì so với sự khó khăn, thiếu thốn và những ngày đầu chập chững đến trường nhọc nhằn của lũ trẻ vùng rốn lũ Cát Tiên.
TUẤN LINH