Dù trên giấy tờ, trữ lượng và khối lượng được phép khai thác là "hợp lý", nhưng hãy cứ tưởng tượng, dòng sông ấy sẽ ra sao sau mỗi mùa mưa sạt lở.
Dòng sông Đồng Nai trầm tích, mang trong mình huyền thoại, chứng nhân của lịch sử và cả những giá trị văn hóa to lớn vẫn đang phải oằn mình hứng chịu những chiếc tàu trọng tải cỡ lớn hút cát suốt hai mùa mưa nắng. Chỉ nguyên đoạn sông chảy qua địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước đã có hàng chục đơn vị, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động. Dù trên giấy tờ, trữ lượng và khối lượng được phép khai thác là "hợp lý", nhưng hãy cứ tưởng tượng, dòng sông ấy sẽ ra sao sau mỗi mùa mưa sạt lở.
CÓ NHỮNG DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP 3 GIẤY PHÉP
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) cũng đã có 10 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khai thác cát, sét, cuội sỏi trên dòng sông Đồng Nai. Tổng chiều dài trên sông được cấp phép khai thác là 35,24 km và tổng trữ lượng giấy phép khai thác cấp là trên 3.288 m3. Trong những tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác thì đặc biệt có tới hai doanh nghiệp tư nhân là DNTN Xuân Trường và DNTN Xuân Hà được cấp tới 3 giấy phép hoạt động. Trong đó, có những giấy phép được khai thác từ 2009 tới mãi năm 2027. Thêm vào đó, việc khai thác cát, sét, cuội sỏi trên dòng Đồng Nai ở mỗi địa phương lại có những quy định bắt buộc khác nhau. Giữa Lâm Đồng và Bình Phước thì cấp theo từng khúc sông, còn Đồng Nai và Lâm Đồng lại cấp theo ranh giới giữa lòng sông của hai tỉnh. Chính điều này làm cho những cư dân sống bên hai bờ lở bồi cảm thấy như dòng Đồng Nai đang bị bóc lột một cách quá sức chịu đựng, nhất là vào mùa mưa lũ.
Theo báo cáo của UBND huyện Cát Tiên với Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thì chỉ tính riêng trong thời gian từ 2009 đến 2011 đã có 23 lượt đơn vị, cá nhân vi phạm hoạt động khoáng sản. Đáng nói, trong đó số đơn vị, cá nhân được cấp phép là 20 lượt, số còn lại là của những tổ chức cá nhân không được cấp phép khai thác. Ông Lê Ngọc Sanh - Phó chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cũng đã thừa nhận, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trên dòng sông Đồng Nai là hết sức khó khăn. Và khó khăn đến cả từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Đơn cử, như có giấy phép ghi cách bờ 15m theo mép sông tại thời điểm có mực nước thấp nhất vào mùa khô, có giấy phép lại không ghi cách bờ và theo mực nước vào mùa mưa là bao nhiêu mét. Vì vậy, rất khó trong quá trình quản lý, kiểm tra khai thác. Trong khi đó, việc kiểm tra chỉ được UBND huyện tiến hành thường kỳ 2 lần/năm; hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành quan trắc môi trường tất cả các đơn vị khai thác 1 năm/lần, thêm vào đó còn có những lần kiểm tra đột xuất của Thanh tra Sở TN-MT. Ngoài những lần kiểm tra ấy, thì việc các tổ chức cá nhân có vi phạm như hút tăng trữ lượng, khai thác không đúng vị trí... thì chỉ có mỗi một mình "dòng sông biết".
"MAI NÀY, SÔNG SẼ VỀ ĐÂU"?
Những gì mà dòng sông Đồng Nai đang phải gánh chịu do việc hút cát gây ra, là điều bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Việc tập trung nhiều các thuyền, xuồng khai thác ở khoảng cách ngắn trên một dòng sông đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy, việc sạt lở bờ sông là điều không thể tránh khỏi. Hiện tại, nhiều khúc sông chảy qua địa phận giữa Lâm Đồng và Đồng Nai, Bình Phước, bờ đã sạt lở dựng đứng và ăn sâu vào trong đất trồng hoa màu của người dân. Rất nhiều hộ dân đã phải tổn hao mồ hôi để đắp bờ bãi giữ đất, giữ cây sau mỗi mùa mưa, nhưng thực tình họ cũng chỉ biết kêu trời và gánh chịu.
Mặt "tích cực" nhìn thấy rõ của việc khai thác tài nguyên trên dòng sông Đồng Nai thông qua những số liệu thống kê đó là: Đã thu hút một lượng vốn đầu tư nhất định, tạo việc làm và nguồn thu nhập cho người dân địa phương, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước... Trong năm 2011, con số chính xác mà ngành và địa phương thu được là 1,174 tỷ đồng.
Với con số khiêm tốn ấy, hãy thử làm một phép so sánh đơn giản. Mưa lũ tràn về, bờ sông sạt lở, dòng chảy thay đổi, nước tràn xóm làng... tài sản của người dân hai bên sông, hàng ngàn héc ta lúa thương hiệu Cát Tiên, điều Bù Đăng, mía La Ngà (những sản vật được tạo nên bởi phù sa của dòng sông Đồng Nai)... sẽ trôi về đâu? Câu hỏi hẳn không khó để có lời giải đáp! Bởi hơn một tỷ tiền thu được từ việc "rút ruột" lòng sông từng ngày ấy, chắc chắn không thể kham nổi. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ, lúc còn đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, khi về làm việc với Cát Tiên đã có chỉ đạo và kết luận: Đến năm 2015, ngưng hoàn toàn việc khai thác cát để phát triển du lịch. Huyện Cát Tiên cũng đã có kiến nghị không cấp phép và không bổ sung phương tiện khai thác để có thêm thời gian cho dòng sông Đồng Nai "hồi phục". Tuy nhiên, hiện nay có những giấy phép khai thác còn có giá trị tới mãi năm 2027.
Cát Tiên với một quần thể kiến trúc đền đài cổ xưa huyền bí còn chưa hết sự khám phá; những cánh đồng lúa thương hiệu được xây đắp lên bằng công sức khó nhọc của người dân vùng lũ; dòng sông Đồng Nai chở nặng phù sa mang trong mình nhiều giá trị lịch sử của dân tộc; Vườn Quốc gia Cát Tiên với hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm... Là cơ sở để xây dựng và phát triển Cát Tiên thành "địa chỉ đỏ" không chỉ của du lịch Việt Nam.
Sẽ là những mảnh ghép không hoàn hảo trong khối "rubic du lịch" được lắp sẵn ấy, nếu lòng sông Đồng Nai vẫn hàng ngày quặn thắt vì bị con người đào bới.
TUẤN LINH