Báo động tình trạng học sinh đi học bằng xe phân khối lớn

03:04, 26/04/2012

(LĐ online) - Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 10 vụ va chạm giao thông, 20% số vụ do học sinh dưới 18 tuổi gây; trong 171 trường hợp bị xử phạt do không có giấy phép lái xe, 23% là học sinh.

(LĐ online) - Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an thành phố Đà Lạt, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, từ 16/3 - 10/4/2012, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 10 vụ va chạm giao thông; trong đó, 20% số vụ do học sinh dưới 18 tuổi gây ra; trong 171 trường hợp bị xử phạt do không có giấy phép lái xe có 23% trường hợp là học sinh. Điều này đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục con em mình chấp hành luật giao thông.

CSGT lập biên bản học sinh không có giấy phép lái xe
CSGT lập biên bản học sinh không có giấy phép lái xe


Không chỉ là lỗi của học sinh

Có mặt tại chốt giao thông ngã tư Phan Chu Trinh, phường 9, Tp. Đà Lạt vào một buổi trưa tan trường, chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh các em học sinh đang bị CSGT xử phạt vì đi học bằng xe gắn máy phân khối lớn mà chưa có giấy phép lái xe. Sở dĩ ngã Tư Phan Chu Trinh trở thành điểm “nóng” vì đây là trục đường có nhiều trường học đóng chân (THPT Chi Lăng, THPT Hermann Gmeiner, THPT Trần Phú, Trường THCS Phan Chu Trinh...).

Không chỉ tự "tố cáo" mình bằng những bộ đồng phục, nhiều học sinh thậm chí còn không đội mũ bảo hiểm, chở 3-4 người, vừa chạy xe vừa đùa giỡn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông. Khi bị lực lượng CSGT thổi phạt, hầu như việc đầu tiên các em làm là gọi điện về cho gia đình thay vì xuất trình giấy tờ. Điều đáng nói ở đây chính là trách nhiệm của gia đình trong việc để con em tự do điều khiển xe máy đến trường. “Nhà ở xa, các em phải di chuyển nhiều địa điểm học, lại sắp thi học kỳ, sợ không kịp thời gian và ảnh hưởng sức khỏe nên nhà cho con đi xe máy” - Chị Hiền nhà ở phường 2 có con học ở Trường Hermann Gmeiner, cho biết.

Thực tế, các hình thức xử lý học sinh chưa đủ tuổi đi học bằng xe phân khối lớn đang được các trường áp dụng hiện nay như phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước toàn trường, nặng nhất là hạ một bậc xếp loại hạnh kiểm dường như chưa đủ sức răn đe. Về phía gia đình, nhiều người vẫn còn thờ ơ, thậm chí còn tạo điều kiện để các em vi phạm, học sinh ở tuổi này có thể chưa tự ý thức đầy đủ về hậu quả của việc sử dụng xe gắn máy phân khối lớn, nhưng nhiều phụ huynh lại nuông chiều, giao xe máy cho con đi học. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ gia đình “giao xe” mà nhiều hộ dân xung quanh các trường cũng “tiếp tay” bằng cách “giữ xe” cho học sinh. Để đối phó với việc nhà trường cấm đi học và đem xe máy vào trường, nhiều học sinh đã gửi xe ở các quán cà phê hay nhà dân xung quanh trường (giá 5.000 đồng 1 chiếc/1 buổi) rồi đi bộ vào trường. Hiện tại cũng chưa có luật nào cấm các hộ gia đình giữ xe, lợi dụng sơ hở này mà nhiều nhà cạnh trường trở thành bãi giữ xe cho học sinh.

Học sinh vi phạm luật giao thông. Ảnh Văn Báu
Học sinh vi phạm luật giao thông. Ảnh Văn Báu


Cần sự chung tay tiếp sức của gia đình và nhà trường

Trong thời gian vừa qua, các nội dung liên quan đến an toàn giao thông đã được các trường học đưa vào chương trình ngoại khóa trong tuần. Tuy nhiên, tình trạng học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn làm phương tiện đi học vẫn tiếp diễn.

Về phía Đội CSGT Tp. Đà Lạt, để ngăn chặn tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, cũng đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh như: Yêu cầu nhà trường cấm và xử phạt thật nặng những học sinh đi xe máy đến trường, để xe máy trong khuôn viên nhà trường; thành lập các tổ kiểm tra với việc cho phép CSGT mặc thường phục tuần tra trên đường nhằm phát hiện, xử lý học sinh đi xe máy; bố trí chốt trực ở các ngã ba, ngã tư gần trường học để phát hiện, xử lý vi phạm; mở nhiều chuyên đề tuyên truyền về Luật giao thông… Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông vẫn diễn ra phổ biến.

Nói về giải pháp để ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông, trung tá Nguyễn Văn Châu - Đội trưởng Đội CSGT Tp. Đà Lạt, nhấn mạnh: “Dù có rất nhiều yếu tố tác động nhưng tôi phải nói, gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Nếu nhà không cho đi xe máy thì có “đằng trời” các em dám đi xe đến trường. Ba mẹ, anh chị trong nhà nghiêm cấm, giải thích cho con em hiểu, để con em của mình đi xe đạp hay xe đưa rước học sinh đến trường thì dần dà các em sẽ nghe theo”. Nói như vậy bởi lẽ, dù CSGT có tiến hành nhiều biện pháp xử phạt nghiêm tới đâu thì cũng chỉ dừng lại ở hình thức phạt chế tài khi sự việc đã xảy ra. Muốn chấm dứt hẳn tình trạng này, cần có sự giáo dục ăn vào trong nhận thức của học sinh. Đó là việc của nhà trường và của gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc, nhắc nhở các hộ gia đình xung quanh các trường học không giữ xe máy của học sinh thì vấn nạn này mới được giải quyết triệt để.

Hiện nay, hầu hết các trường đều có hệ thống xe đưa rước học sinh tận nơi từ nhà đến trường. Để học sinh tích cực đi học bằng xe đưa rước thay xe máy, nên chăng gia đình và nhà trường cần có nhiều hoạt động thú vị trên xe và liên tục nâng cấp hệ thống xe đưa rước để tạo sự thích thú cho con em khi đi học bằng phương tiện này.

Diễm Thương