Bảo Lộc chú trọng đầu tư vùng đồng bào DTTS

02:04, 24/04/2012

Thành phố Bảo Lộc trong những năm qua đã chú trọng đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS có nhiều chuyển biến tích cực.

Thành phố Bảo Lộc có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên chiếm 3,3%, chủ yếu là dân tộc K’Ho và Châu Mạ. Trong những năm qua, thành phố đã chú trọng đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện.

Bà con DTTS giao lưu văn hóa, thể thao tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tổ chức ở xã Lộc Nga
Bà con DTTS giao lưu văn hóa, thể thao tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tổ chức ở xã Lộc Nga


Hiện tại, bà con DTTS trên địa bàn thành phố Bảo Lộc chủ yếu tập trung ở 6 thôn, buôn gồm Nau Sri, Nga Sơn (xã Lộc Nga), B’Lao Srê, Sôven (phường B’Lao), tổ 9 (phường Lộc Sơn) và thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu). Trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư cho vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Theo đó, nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư đã được triển khai có hiệu quả, như xây dựng điểm dân cư mới cho 20 hộ; xây dựng nhà ở theo Chương trình 134, 167 nhằm từng bước “xóa” nhà tạm cho hộ nghèo; cấp hơn 9 ha đất sản xuất cho những hộ thiếu đất... Đặc biệt, nhiều bà con DTTS cũng được hỗ trợ giống chè, cà phê, phân bón, giao khoán quản lý bảo vệ rừng để từng bước cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài ra, thành phố Bảo Lộc còn đầu tư nhiều công trình nước sạch đến tận các thôn, buôn. Từ đó, 98% số hộ đồng bào DTTS đã được cung cấp nước sạch sinh hoạt. Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của bà con dân tộc, nhất là việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, cũng được thành phố quan tâm. Các lễ hội, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng. Thành phố Bảo Lộc còn quan tâm đến chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS. Qua đó, nhiều trường học tại các thôn, buôn đã được hình thành. Học sinh đến trường đều được hỗ trợ vở, sách giáo khoa, miễn giảm tiền xây dựng trường, lớp. Nhiều học sinh DTTS đã được ưu tiên theo học tại các trường dạy nghề của thành phố.

Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai khá đồng bộ. Nhiều địa phương có bà con DTTS sinh sống đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xã Lộc Nga là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong công tác chăm lo, phát triển vùng đồng bào DTTS. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Nga, cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 240 hộ đồng bào DTTS. Thời gian qua, xã đã triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư vùng DTTS. Đến nay, trong xã đã xây dựng được 49 căn nhà theo Nghị định 167 của Chính phủ cho bà con DTTS. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, xã đã và đang đầu tư các công trình phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con, như làm tuyến đường Lộc Nga - Tân Lạc; xây dựng công trình cấp nước sạch cho bà con DTTS thôn Nga Sơn và thôn Nau Sri”. Còn theo ông K’Tân (người dân thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu), trong những năm gần đây, Nhà nước đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện, bà con không còn ỷ lại và trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa, mà đã có ý thức hơn trong lao động sản xuất và tự lực vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, số hộ nghèo trong thôn giảm, hộ khá giàu ngày càng tăng. Ngoài ra, Đạ Nghịch còn được thành lập làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc.

Theo UBND thành phố, cái khó trong việc đầu tư vùng đồng bào DTTS, là việc cấp đất sản xuất chưa đạt yêu cầu, chất lượng các dự án đầu tư vẫn còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, bà con chưa đa dạng hóa được giống cây trồng, vật nuôi, chậm tiếp cận với khoa học kỹ thuật… nên sản xuất đạt hiệu quả chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư phát triển trong vùng DTTS, đẩy mạnh công tác khuyến nông… Đối với chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, thành phố Bảo Lộc sẽ ưu tiên hỗ trợ sản xuất để bà con từng bước cải thiện chất lượng canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế.

THU HÒA