Bắt chồng, không mất trâu

03:04, 01/04/2012

Không cần chum chóe, không mất đồng la và không cần phải tốn tiền mua trâu, trai gái ở Đạ M’rông (huyện Đam Rông) bây giờ đã tự biết vượt qua những rào cản ràng buộc từ ngàn đời của cha ông để đến với nhau bằng tình yêu mà không phải chạy vạy ngược xuôi để lo đồ “thách cưới”.

Không cần chum chóe, không mất đồng la và không cần phải tốn tiền mua trâu, trai gái ở Đạ M’rông (huyện Đam Rông) bây giờ đã tự biết vượt qua những rào cản ràng buộc từ ngàn đời của cha ông để đến với nhau bằng tình yêu mà không phải chạy vạy ngược xuôi để lo đồ “thách cưới”.
 

Vợ chồng Kra Jăn Ha Bích và Lơ mu K’Dem hạnh phúc bên đứa con đầu lòng theo phong tục cưới hỏi mới.
Vợ chồng Kra Jăn Ha Bích và Lơ mu K’Dem hạnh phúc bên đứa con đầu lòng theo phong tục cưới hỏi mới.

Chiều muộn, ngồi trong căn nhà gỗ nhỏ xinh xắn, nhưng sạch sẽ và ngăn nắp của cặp vợ chồng mới cưới Kra Jăn Ha Bích, Lơ mu K’Dem, trông hai người thật hạnh phúc. Niềm vui của họ không chỉ vì đứa con đầu lòng, hơn năm tháng tuổi Lơ mu K’Bích Ngọc lớn lên khỏe mạnh mà còn bởi, hiện tại hai người không phải lo lắng chuyện trả nợ để lo đồ thách cưới. K’Dem “bắt” được Ha Bích về làm chồng “không tốn một đồng” dù chỉ là chuỗi hạt cườm.

Nghiệt ngã, tục thách cưới

Từ ngàn đời nay, tục thách cưới đã tồn tại như một “nét văn hóa” trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Và nó cũng trở thành rào cản cách ngăn đôi lứa không đến được với nhau, chỉ bởi nhà cô gái quá nghèo không đáp ứng được những đòi hỏi của gia đình nhà trai.

Kra Jan K’rang, người phụ nữ đã sống gần năm mươi mùa nương rẫy, giờ vẫn lẻ bóng và vẫn phải ăn, ở cùng với cha mẹ. Sự mặc cảm, khiến chị trở nên lặng lẽ, thui thủi giấu mình vào những nhát cuốc, sáng sớm lên rẫy, chiều muộn về nhà. Nhìn chị như bóng núi giữa những ngày mưa buồn. Tám năm về trước, Lơ Mu K’ Phi trao trọn tình yêu của mình cho chàng trai cùng buôn Đạ Tế - Kră Ranh Ha Huy. Thề nguyền, say đắm, ắp đầy kỷ niệm trong thời gian 5 năm, rồi cuối cùng đành phải chia tay. “Mình và Huy rất thương nhau, cứ nghĩ có tình yêu thì sẽ vượt qua được tất cả để đến với nhau. Khi đặt vấn đề cưới hỏi, nhà Huy đòi tiền cưới rất nhiều và không chịu giảm bớt. Trong khi đó, nhà mình lại quá nghèo, nên hai đứa đành phải chia tay” - K’ Phi ngậm ngùi nói. Trong ánh mắt buồn của chị, dường như câu chuyện tình ngày nào lại gợn lên như một vết hằn khó bôi xóa.

“Bắt chồng” về cùng trả nợ

Vì bọn trẻ thương nhau, và cũng vì thương con, nên nhiều gia đình có con gái đã phải cầm cố nhà cửa, bán ruộng vườn, vay nóng lãi cao … để có tiền “bắt chồng” cho con. Những tháng ngày hạnh phúc khi đến được với nhau không kéo dài lâu. Bởi, ngay lập tức họ phải “miệt mài” lao động kiếm tiền trả nợ. Vắt kiệt mồ hôi, nhưng với số nợ không hề nhỏ cùng với cơm áo thường ngày, khiến cho nhiều cuộc sống của nhiều đôi lứa trở nên bế tắc, bi đát.

Lơ Mu K’Miên, thôn Đạ Tế “bắt chồng” cách đây 6 năm và đã có với anh Ha Lát ba đứa con, nhưng đến giờ vẫn chưa trả hết nợ dù đã sớm hôm lam lũ, “đánh vật” với rẫy vườn. Ngày ấy, nhà trai đòi gia đình chị 20 triệu đồng tiền mặt, 2 con heo “5 tay”, 2 chiếc chóe và 200 chuỗi hạt cườm. Sau khi thương lượng, nhà trai giảm cho 10 triệu tiền mặt, còn đồ lễ giữ nguyên, ước tính số tiền cũng vài chục triệu đồng, cha mẹ chị phải vay mượn “toát mồ hôi” để lo đồ cưới kèm thêm lời dặn “cưới xong vợ chồng mày phải lo làm để trả nợ”. Sáu năm sau ngày cưới, số nợ vẫn lơ lửng trên đầu, vì 2 sào lúa nước và 2 sào bắp thu được mỗi mùa, có tằn tiện lắm cũng chỉ đủ cơm áo hai bữa cho gia đình.

Những người xóa bỏ hủ tục

Ở Đạ M’rông bây giờ, trai gái đến với nhau không còn phải lo chuyện “thách cưới”. Từ lớp trẻ cho đến người già đều đã sẵn lòng vượt qua rào cản hủ tục có từ bao đời nay của cha ông.

“Câu lạc bộ thách cưới” do Chi hội Phụ nữ thôn Đạ Tế thành lập năm 2010, như luồng gió mát lành thổi từ đầu nguồn sông Krông Nô xua tan đi cái “bức bối” của tục “thách cưới” đem lại niềm vui, hạnh phúc, sự bình yên cho trai gái ở Đạ M’rông khi tìm đến với nhau. Sau mỗi ngày lên nương rẫy, mỗi tối, bước chân của 30 người phụ nữ trong CLB thường tìm đến những ngôi nhà trong xã có con cái trưởng thành để thuyết phục, vận động cho người già hiểu được cái lẽ đúng khi không đòi tiền cưới quá cao, để lớp trẻ khi về ở với nhau không phải gồng mình trả nợ. Cứ nhiều hơn mỗi lần đến, trai gái khi cưới nhau đã không còn phải chịu áp lực và ràng buộc của tục “thách cưới”.

Chị Kră Jan K’Be - Chủ nhiệm của CLB chia sẻ trong niềm vui: “ Nhà mình trước đây có 5 chị em gái nên cha mẹ cả đời phải vất vả để lo đồ thách cưới. Ông bà, suốt ngày quần quật trên nương, lo tích góp, nhiều khi chỉ ăn cơm, bắp với rau rừng, không có nổi lấy hạt muối lẫn con cá khô. Sau mỗi vụ mùa, bán lúa, bắp, mỳ để mua hạt cườm, chum chóe, đồng la để lo cho các con “bắt chồng”. Cả đời, ông bà không có lấy một ngày sung sướng, nên mình nghĩ phải làm điều gì đó, thuyết phục người già trong buôn “cởi trói” cho hủ tục để lớp trẻ thương nhau về sống với nhau không còn bị khổ”.  

Năm rồi, Kra Jăn K’Bé, con gái của chị K’Ber “bắt chồng” nhà trai có đòi 15 triệu tiền cưới và 3 con heo “4 tay” cùng rất nhiều hạt cườm. Nhưng chị đã cương quyết không “đáp lễ”, đồng thời lựa lời khuyên giải nhà con rể những cái được mất. Một đám cưới không cần đồ “thách cưới” đơn giản đầm ấm đã diễn ra. Hai đứa con chị giờ đã có nhà riêng, chăm lo làm rẫy cà phê, sắm sửa được ti vi, xe máy tốt đi lại. “Không bắt chúng phải gánh nợ vì hủ tục của cha ông, cho chúng để chúng làm ăn, không phải khổ sở đó mới là điều hay, điều nên làm”.

Nơi đầu nguồn K’rông Nô, đã không còn những ngôi nhà dột nát, xập xệ bị ám ảnh, hằn in cái nặng nề, u ám do hủ tục “thách cưới” phủ xuống. Không gian, bình yên đến nhẹ lòng.

Tục thách cưới của dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có từ ngàn đời. Khi người con gái đi cưới chồng, đưa chồng về nhà làm rể “bắt chồng” (Theo chế độ mẫu hệ) thì phải chịu những lễ vật cưới hỏi do nhà trai yêu cầu. Nhiều nhà có con gái đông và có hoàn cảnh khó khăn thì lo đồ thách cưới rất khổ sở, có nhiều trường hợp phải đành để con gái ế, hoặc nếu có lấy được chồng thì cũng khó có khả năng trả nợ, bởi số tiền và đồ lễ như chum chóe, đồng la, trâu bò, heo… nhà trai đưa ra là rất cao.

Phóng sự: ĐẶNG TUẤN LINH