Hội Già làng xóa hủ tục ở Tu tra

02:04, 17/04/2012

(LĐ online) - Văn hóa tộc thiểu số Tây Nguyên bên cạnh những nét đặc trưng truyền thống cần đuợc lưu giữ thì vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục cần phải xóa bỏ.

(LĐ online) - Tu Tra vốn là một xã vùng xa của huyện Đơn Dương với 65% là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên (Cơ ho và Chu ru). Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, đặc biệt là người Cơ ho vẫn còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa riêng, trong đó có cả những hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của Nhà nước, văn hóa của bà con cũng có nhiều nét thay đổi đặc biệt là nhiều hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ.

Các già làng cùng với đại diện Mặt trận xã Tu Tra trong một buổi tổ chức thăm và vận động bà con thực hiện nếp sống mới
Các già làng cùng với đại diện Mặt trận xã Tu Tra trong một buổi tổ chức thăm và vận động bà con thực hiện nếp sống mới


Có thể nói, văn hóa tộc người Cơ ho là một nét tiêu biểu trong dòng chảy văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Bên cạnh những nét đặc trưng truyền thống cần đuợc lưu giữ thì vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, luật  tục lạc hậu cần phải xóa bỏ. Vấn đề mà chính quyền huyện cũng như xã đặt ra là làm sao có thể kết hợp hài hòa, bổ sung lẫn nhau giữa pháp luật hiện hành của Nhà nước và luật tục, kiên quyết bài trừ hủ tục. Hội Già làng gồm 15 già làng ở xã Tu Tra chính là những người tiên phong và vận động có hiệu quả việc bài trừ những hủ tục lạc hậu của thôn, của xã mình.

Anh K’Uông - ở thôn Kam Butte, xã Tu Tra chia sẻ: “Trước đây người Cơ ho mình có nhiều phong tục, tập quán lạc hậu lắm, dần dần có các già làng và các ban ngành động viên nhắc nhở, nhận thức của bà con đã tiến bộ nhiều. Bà con nay đã không mê tín dị đoan nữa và hầu hết các gia đình người Cơ ho đã xóa bỏ hẳn những tập tục gây tốn kém, lãng phí tiền của.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Tu Tra trước đây có nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại trong nhiều lĩnh vực như: Quan hệ xã hội, hôn nhân, gia đình, phong tục lễ nghi… Ví dụ trong hôn nhân của người Cơ ho có tục nối dây. Với tập tục này, một khi người mẹ mất đi thì người cha hoặc ở vậy nuôi con hoặc muốn đi bước nữa phải lấy chị hay em vợ mới tiếp tục ở lại gia đình, nuôi con. Nếu muốn đi bước nữa với người ngoài họ vợ thì người cha phải bỏ lại toàn bộ gia sản cùng con cái cho phía họ vợ nuôi rồi trở về với gia đình cha mẹ đẻ… hủ tục này đã gây ra nhiều bi kịch gia đình.

Ngày xưa, người Cơ ho có câu tục ngữ “sống nhờ bà đỡ, chết nhờ thầy cúng”, phản ánh đời sống và linh hồn đều phó mặc cho thầy cúng, bà mụ.

Tuy nhiên, những hủ tục, thói quen nay cũng đã chìm vào dĩ vãng, đồng bào đã hiểu và xóa bỏ hẳn hủ tục này. Hôm nay, đau ốm hay sinh nở bà con đã biết đến trạm xá, các cơ sở y tế để được giúp đỡ. Trong hôn nhân các tục nối dây, bắt chồng ở rể nay đã thay đổi bằng hôn nhân tự nguyện. Trai gái trong làng tự do yêu đương và kết hôn theo quy định của pháp luật...

Còn rất nhiều hủ tục mê tín dị đoan khác nữa cũng đã được đồng bào Cơ ho thay bằng nếp sống văn minh, tiến bộ theo xu hướng phát triển chung của đất nước. Việc đẩy lùi những hủ tục từng một thời là vấn đề gây nhức nhối trong các buôn làng ở đây có công rất lớn của đội ngũ già làng của xã Tu Tra.

Hiện xã Tu Tra có 15 già làng sinh hoạt ở 7 thôn, tất cả đều được sự tín nhiệm và tin yêu của đồng bào, các già làng luôn là tấm gương để bà con noi theo. Các già làng ở xã Tu Tra không hoạt động độc lập mà phối hợp chặt chẽ, cùng nhau tìm hiểu về văn hóa, tập tục, tổ chức đến từng gia đình để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó thuyết phục, động viên bà con sống lành mạnh, văn hóa, bài trừ những hủ tục lạc hậu.

Cứ chiều chiều sau giờ đồng áng hay lo việc gia đình xong, các già làng Tu Tra lại chia nhau đi đến từng thôn, từng nhà vận động bà con. Hay mỗi khi nhà nào có người đau ốm, ma chay, cưới hỏi là các già làng có mặt đầu tiên để động viên và chỉ vẽ cho bà con làm thế nào là đúng, từ đó khuyên gia đình không làm theo hủ tục mà thực hiện theo nếp sống mới.

Cụ Jin Lơ, Già làng uy tín nhất trong hội, cho biết: “Già làng chúng tôi thường họp mặt, bàn bạc các vấn đề hủ tục lạc hậu, thống nhất rồi cùng nhau đi giải thích, vận động cho bà con hiểu. Sau khi phân tích thiệt hơn thì hầu như các hộ đều đã nghe, hiểu ra và dần xóa bỏ các hủ tục”.

Chính sự đổi thay của bà con dân tộc thiểu số xã Tu Tra trong sinh hoạt văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đã góp phần rất lớn vào sự phát triển về kinh tế của xã Tu Tra hiện nay. Và Hội Già làng xã Tu Tra với những hoạt động tích cực và hiệu quả thật đáng được biểu dương, nhất là trong quá trình cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang tiến hành xây dựng nông thôn mới.

Diễm Thương - Văn Báu