Khó đạt chuẩn cho giáo viên tiếng Anh tiểu học

02:04, 17/04/2012

Cần có một cách tiếp cận khác để các giáo viên tiếng Anh trong chương trình thí điểm dạy ngoại ngữ bậc tiểu học có thể đạt được chuẩn theo qui định…

Cần có một cách tiếp cận khác để các giáo viên tiếng Anh trong chương trình thí điểm dạy ngoại ngữ bậc tiểu học có thể đạt được chuẩn theo qui định…

Học sinh Tiểu học Nguyễn Trãi trong giờ học tiếng Anh
Học sinh Tiểu học Nguyễn Trãi trong giờ học tiếng Anh


Đưa ngoại ngữ, cụ thể là môn tiếng Anh, vào bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục Lâm Đồng thực hiện từ những năm 2000. Đến năm học này, theo Sở GD - ĐT Lâm Đồng, đã có 1.550 lớp của 131 trường trong tổng số 259 trường tiểu học trong tỉnh, trên 46 nghìn học sinh trong tổng số 112 nghìn học sinh tiểu học đang theo học chương trình tự chọn này.  

Tuy nhiên, trong việc mở rộng việc thí điểm cấp tiểu học, khó nhất hiện nay theo ông Nguyễn Kim Long - Trưởng phòng Tiểu học Sở GD Lâm Đồng chính là thiếu giáo viên đủ chuẩn. Theo qui định, giáo viên đứng lớp phải đạt chuẩn ít nhất là B1 hay B2 theo Khung trình độ năng lực ngoại ngữ do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Trong thực tế rất ít giáo viên hiện nay của tỉnh đạt được chuẩn này và đây cũng là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành khác trong nước.
    
Theo bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Đà Lạt, nhiều bậc phụ huynh ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chuyện học ngoại ngữ cho con em mình nên khi chương trình triển khai đã được phụ huynh học sinh hưởng ứng nhiệt liệt. Việc dạy tiếng Anh cho các em tại đây khá thuận lợi vì nhiều gia đình có điều kiện đã cho các em đi học ở các trung tâm tiếng Anh trong các dịp hè. Nhà trường lâu nay cũng mua sắm được các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Anh cho giáo viên và học sinh như tranh ảnh, máy chiếu, máy nghe đĩa… Cô giáo Nguyễn Bảo Trân đang dạy tiếng Anh tại đây cho biết, việc đạt chuẩn như qui định với giáo viên tại thành phố sẽ không khó lắm nếu được bồi dưỡng đúng mức cùng sự nỗ lực của từng thầy cô.

Tuy nhiên, với giáo viên vùng sâu, chuyện đạt chuẩn lại cực kỳ khó. “Chuyện học tiếng nước ngoài cho học sinh vẫn chưa được phụ huynh quan tâm, nhiều học trò vùng sâu học chỉ học lấy có” - cô Chu Thị Bích Liên, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Lăng Tô, xã Đạ K’Nàng - Đam Rông cho biết. Giáo viên vùng sâu ngày ngày bên cạnh điểm trường chính còn phải xuống dạy tại các điểm trường, đi lại rất vất vả, nhất là mùa mưa. Dạy học nơi đây phải nhiệt tình, phải chăm học sinh mới giúp các em tiến bộ được. Theo cô Liên, vùng sâu ít có điều kiện học tập chuẩn hóa nên trước các kỳ kiểm tra của tỉnh cho giáo viên thời gian thích hợp để chuẩn bị; nên tổ chức lớp ôn thi trong dịp hè cho giáo viên vùng xa có thể dự được. Còn theo ý kiến cô giáo Nông Thị Hương, Trường Tiểu học Phù Mỹ - Cát Tiên, ngành cũng nên tạo điều kiện cho giáo viên vùng sâu đạt chuẩn bằng cách cấp tài liệu để họ tự học vì ở huyện không tìm được.

Theo ông Phạm Quốc Dũng, chuyên viên Phòng Trung học Sở GD Lâm Đồng, tiếng Anh cho tiểu học rất quan trọng vì những gì được dạy nơi đây sẽ là nền tảng cơ bản cho việc dạy và học tiếng Anh ở bậc THCS và THPT sau này, nhất là cách phát âm cho học sinh. Nếu phát âm không đúng sau sẽ rất khó để sửa chữa. Chính vì vậy, yêu cầu chuẩn hóa như trong  Đề án Chính phủ dù có cao nhưng theo ông lại là một điều cần thiết để mọi giáo viên phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Để chuẩn hóa được đội ngũ này theo ông khi tuyển chọn giáo viên các trường học, các Phòng GD huyện thành nên có tiêu chí hẳn hoi. Việc chuẩn hóa giáo viên theo ông nên được triển khai ngay từ trên ghế các trường đại học, cao đẳng làm sao để sinh viên khi ra trường phải đạt chuẩn cho việc đứng lớp chứ không thể để về nhận nhiệm vụ rồi mới tiến hành chuẩn hóa như hiện nay.

Gia Khánh