Kiểm soát giết mổ và buôn bán sản phẩm chăn nuôi: Còn bỏ ngỏ!

03:04, 10/04/2012

Trong 12 huyện và thành phố, chỉ có hai huyện là Đạ Huoai và Đức Trọng là duy trì được việc cán bộ thú y thuộc Trung tâm Nông nghiệp huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ và kiểm soát vệ sinh thú y tại các lò mổ…

Theo số liệu từ Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT) thì hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh gồm có 18.041 con trâu, 73.573 con bò, 324.222 con heo, 8.179 con dê và trên 2,112 triệu con gia cầm. Trong vài năm gần đây, do không tái phát dịch bệnh lớn và giá cả vật phẩm chăn nuôi tương đối ổn định nên nhiều hộ nông dân, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại. Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh nhờ đó đã có mức tăng trưởng khá nhanh cả về tổng đàn lẫn chất lượng. Tuy nhiên, do nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực sự chú trọng - nếu không muốn nói là bỏ ngỏ - công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển và buôn bán gia súc - gia cầm và các loại sản phẩm chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh bùng phát đang thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc - gia cầm ở nhiều địa phương không được chú trọng sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia súc - gia cầm ở nhiều địa phương không được chú trọng sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh


Thống kê từ các địa phương của Chi cục Thú y, ở thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 này, trong khi cả nước đang phải vật lộn với dịch cúm gia cầm cùng với dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh trên đàn heo; và một trong những biện pháp đang được triển khai để các loại dịch này không lan rộng là tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và buôn bán gia súc gia cầm… thì trên địa bàn tỉnh ta ngành thú y mới kiểm soát và kiểm tra được 3/6 lò mổ tập trung, 61/179 điểm giết mổ, 41/61 chợ bán thịt, 571/ 874 quầy bán thịt… đang hoạt động.

Thực tế cho thấy, trong 12 huyện và thành phố của tỉnh duy nhất chỉ có hai huyện là Đạ Huoai và Đức Trọng duy trì được việc cán bộ thú y thuộc Trung tâm Nông nghiệp huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ và kiểm soát vệ sinh thú y tại các lò mổ, điểm giết mổ gia súc - gia cầm và thực hiện kiểm tra sản phẩm chăn nuôi tại các chợ và quầy bán thịt trên địa bàn huyện; trong khi đó, một số địa phương có nghề chăn nuôi khá phát triển, lượng gia súc - gia cầm được giết thịt hàng ngày khá cao như Bảo Lộc (chỉ kiểm soát được 39/88 điểm giết mổ, 126/193 quầy bán thịt), Di Linh (chỉ kiểm soát được 25/57 điểm giết mổ), Cát Tiên (chỉ kiểm soát được 14/38 điểm giết mổ, 1/8 chợ bán thịt và 19/51 quầy bán thịt) số điểm giết mổ, chợ và quầy bán thịt… được kiểm tra bởi lực lượng thú y rất thấp.

Do “bỏ ngỏ” việc kiểm tra thú y tại các lò và điểm giết mổ, năm 2011 và quý 1 năm nay - theo Chi cục Thú y - các huyện Lạc Dương, Đam Rông đã không có con gia súc, gia cầm nào được kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; và số lượng vật nuôi được cán bộ thú y kiểm soát giết mổ ở các huyện Lâm Hà, Bảo Lâm là không đáng kể so với lượng gia súc và gia cầm thực tế được giết mổ và tiêu thụ tại địa bàn. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, hiện chỉ có 69% cơ sở giết mổ gia súc và  gia cầm, 43,75% cơ sở chăn nuôi heo… đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo kết quả kiểm tra vừa qua của đơn vị.

Đội ngũ cán bộ thú y tại địa phương quá mỏng và nhiều hộ chăn nuôi tiến hành giết mổ gia súc, gia cầm ngay tại nhà vào ban đêm đang là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Kể từ khi các Trạm Thú y huyện trực thuộc Chi cục Thú y tỉnh được chuyển giao và sát nhập vào Trung tâm Nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện thì mỗi huyện, thành phố chỉ còn từ 2-3 cán bộ thú y (Từ bức xúc của địa phương, hiện nay mỗi xã đã có một thú y viên được hưởng phụ cấp mỗi tháng bằng một định mức lương tối thiểu (hiện là 830.000 đồng/người/tháng) nhưng chỉ có thể làm nhiệm vụ theo dõi và phát hiện dịch bệnh, tham gia công tác phòng chống dịch…) trong khi địa bàn lại có quá nhiều lò, điểm giết mổ và chợ, quầy bán thịt… (đơn cử, thành phố Bảo lộc hiện có tới 290 lò mổ, điểm giết mổ và chợ… nhưng Trung tâm Nông nghiệp thành phố cũng chỉ có 2-3 cán bộ thú y thuộc biên chế).

Để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi ngày càng tốt hơn, rõ ràng ngành thú y từ tỉnh tới cơ sở cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Điều này chỉ có thể thực hiện có kết quả khi đội ngũ cán bộ thú y cấp huyện được tăng cường và xóa bỏ được tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm ngay tại gia đình của những hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống.

Xuân Đức