Chỉ với một cánh tay, hàng ngày anh vẫn tiện gỗ để mưu sinh. Và, cũng với cánh tay ấy, thỉnh thoảng anh chơi vài bản nhạc bằng cây đàn 24 dây do anh tự sáng chế.
Chỉ với một cánh tay, hàng ngày anh vẫn tiện gỗ để mưu sinh. Và, cũng với cánh tay ấy, thỉnh thoảng anh chơi vài bản nhạc bằng cây đàn 24 dây do anh tự sáng chế.
Nghị lực nơi bàn tay
Đến xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc), không khó để tìm nhà anh. Anh tên đầy đủ là Ngô Hữu Huynh, nhưng mọi người quen gọi anh là Huynh “tiện gỗ”. Chỉ với tấm bảng “tiện gỗ” nhỏ treo trước nhà và căn phòng làm việc chưa tới 10 m2, mỗi ngày anh vẫn miệt mài gia công sản phẩm cho khách. Người dân trong vùng, du khách gần xa, thậm chí có cả người nước ngoài tìm đến đặt anh tiện gỗ, khi thì chiếc bình hoa, khi thì tay vịnh cầu thang, khi thì những chiếc nan ghế salon… Nhưng, thứ họ đặt mua nhiều nhất là những con quay (con gụ) được tiện bằng gỗ. Với những sản phẩm lớn, anh phải có người giúp sức mới làm được. Còn với con quay bằng nắm tay thì anh làm nhanh và rất thuần thục. Chỉ với một cánh tay, thế nhưng cứ 5 - 7 phút anh lại tiện xong một con quay và hàng ngàn sản phẩm đã ra đời trong mười mấy năm anh làm nghề. Anh không thể nhớ mình đã tiện bao nhiêu con quay và cũng không nhớ bao lần anh đã bán cho Việt kiều và người nước ngoài. “Họ mua con quay để làm quà tặng. Đây là món quà quê “đặc sản” đối với nhiều người Việt đang sinh sống ở nước ngoài” - anh Huynh cho biết.
Mổ khối u ở não năm 17 tuổi khiến nửa thân thể bên trái của anh bị liệt vĩnh viễn. Nhưng, bệnh tật đã không thể cướp đi nghị lực và ý chí vươn lên của anh. Sau nhiều năm kiên trì tập luyện, đã đôi lần anh có thể đứng lên và đi lại được. Bàn chân phải của anh ngồi xe lăn lâu năm không vận động nên bị yếu dần. Sau nhiều năm dày công tập luyện, nhưng anh vẫn không thể đi lại được. Duy nhất chỉ với cánh tay phải còn lại đã giúp anh vượt qua số phận. Ban đầu, phải mất cả tuần lễ anh mới tiện được một con quay. Anh làm con quay như một cách để tìm lại thời thơ trẻ với những hoài bão đã đánh mất. “Trở về sau ca mổ, nửa thân người không cử động được, cảm giác đầu tiên của tôi là hụt hẫng. Bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu dự định bỗng dưng bị khép lại!” - anh tâm sự. Và, anh đã tìm lại được niềm vui cho cuộc sống với suy nghĩ: “Đứa trẻ nào mà chẳng từng chơi con quay và tôi cũng vậy. Ban đầu, tôi làm con quay chỉ để tìm niềm vui. Bây giờ thì nó lại giúp tôi kiếm sống khá ổn định”.
Cây đàn độc nhất vô nhị
Đi lại bằng xe lăn, mọi thứ cần thiết đều được anh bố trí ngay trong tầm tay. Chiếc máy tiện gỗ được anh tự thiết kế cho phù hợp với sức khỏe của mình. Bàn tay phải của anh vẫn nhanh nhẹn và chuẩn xác với từng mẩu gỗ và những chiếc dao tiện.
Anh không uống rượu, không hút thuốc lá và không nghiện cà phê. “Tôi giải trí bằng chính công việc tiện gỗ mỗi ngày!”. Và, anh còn một thú vui khác, đó chính là cây đàn 24 dây do tự anh sáng chế. Anh xem nó như là báu vật và đôi lần có người đã hỏi mua nó nhưng anh không bán. “Họ mua nó về chỉ để sưu tập chứ chắc chắn chẳng bao giờ chơi được” - Anh nói. Khi còn là thanh niên khỏe mạnh, anh rất mê đàn ghi ta. Từ niềm đam mê đó, anh đã tự sáng chế cây đàn 24 dây cho riêng mình - cây đàn chỉ sử dụng bằng một tay.
“Đối với đàn ghi ta thông thường thì có 6 dây và 6 khóa chỉnh, người chơi dùng một tay bấm và một tay gảy đàn. Vì tôi chỉ còn có một tay nên mình phải tạo ra cây đàn có 24 dây và 24 khóa chỉnh. Mỗi dây là một nốt nhạc và mỗi khóa chỉnh một nốt” - anh Huynh giải thích. Trên thân đàn, ở mỗi dây, anh ghi các kí tự A, B, C tượng trưng cho các nốt nhạc, vì “nhiều dây quá không thể nhớ chính xác nó là nốt nào”. Cây đàn rất to và nặng, được làm bằng cột nhà cũ và thùng đàn làm bằng ván ép. Mỗi lần muốn đệm đàn, anh phải nhờ người đặt nó nằm ngang trước mặt. Anh kể: “Một lần đi biểu diễn cho anh em trong Hội Người khuyết tật, một anh bạn thấy cây đàn lạ đã vặn các khóa chỉnh. Lần đó, tôi không thể chơi được và mất cả tháng sau tôi mới cân chỉnh lại các phím đàn”.
Cây đàn 24 dây gần giống như người “bạn đời” đã giúp anh say sưa đồng hành với nghề tiện gỗ. Anh tự an ủi mình: “Khi thân thể không còn nguyên vẹn như bao người, thì tôi càng phải nỗ lực vươn lên, tự tìm niềm vui cho mình. Kể ra, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, vì đã tìm được một công việc để mưu sinh”.
HỮU SANG