Như một cách tri ân với đời

02:04, 18/04/2012

Ngày 10/11/2011, Trường Trung học cơ sở bán công Hùng Vương nhận Bằng công nhận Trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, gần như đồng thời, từ tháng 1/2012 trường cũng chính thức thay đổi loại hình, là Trường Trung học cơ sở bán công cuối cùng của thành phố Bảo Lộc chuyển thành trường công lập.

Ngày 10/11/2011, Trường Trung học cơ sở bán công Hùng Vương nhận Bằng công nhận Trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, gần như đồng thời, từ tháng 1/2012 trường cũng chính thức thay đổi loại hình, là Trường Trung học cơ sở bán công cuối cùng của thành phố Bảo Lộc chuyển thành trường công lập.

Nhà giáo Nguyễn Văn Lập
Nhà giáo Nguyễn Văn Lập

  
Trường Trung học cơ sở bán công Hùng Vương vốn có tên là Trường cấp I - II B B’Lao thành lập năm 1978 với nhiều phân hiệu. Từ năm học 1991-1992, Trường B B’Lao chỉ còn các lớp cấp II và đổi tên là Trung học cơ sở Hùng Vương. Năm học sau, trường chuyển thành trường bán công và duy trì loại hình này đến hết năm 2011.
   
Ban đầu Trường B B’Lao chỉ có 8 lớp cấp II, khi chuyển thành Trường bán công Hùng Vương cũng mới có 12 lớp. Năm học 2011-2012 trường có đến 31 lớp với 1.292 học sinh, là trường trung học cơ sở có số lượng học sinh nhiều thứ hai ở Bảo Lộc.
    
Cơ sở ban đầu của Trường Trung học cơ sở bán công Hùng Vương có 8 phòng học, diện tích khuôn viên nhỏ hẹp. Từ năm học 2005-2006, trường chuyển đến cơ sở xây ở khu đô thị mới thuộc phường I, thành phố Bảo Lộc, với diện tích hơn một héc ta, có đủ phòng học và các công trình phục vụ cho dạy và học.
    
Có lẽ, suốt 20 năm bán công của Trường Trung học cơ sở Hùng Vương; mà giai đoạn cuối  tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy và học để  xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; gắn liền với quá trình công tác của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lập.

Tiếp tôi trong căn phòng làm việc yên tĩnh trên lầu khu hiệu bộ của Trường Trung học cơ sở Hùng Vương, bên khung cửa kính nhìn bao quát hết khu lớp học phía sau, thầy Nguyễn Văn Lập kể về cái duyên với đất Bảo Lộc của mình:
   
- Ngày mới ra trường sư phạm, nhân về Bảo Lộc thăm một người bạn, học chung lớp thời phổ thông ở Phan Thiết, mình thấy Bảo Lộc đẹp quá:        
   
Sương mù lãng đãng buổi sáng, hoa dã quỳ nở vàng ven lối đi, cỏ hồng mùa khô phủ khắp sườn đồi, cỏ tranh ra hoa bạc trắng núi mùa xuân. Thế là rủ thêm vài người bạn, cả nhóm tình nguyện về dạy học ở phố núi nho nhỏ, hiền hòa này. Nguyên do mình lên Bảo Lộc có hơi lãng mạn một chút, nhưng tuổi trẻ là vậy. Thế mà thấm thoát gần 40 năm rồi đấy, bấy nhiêu thời gian quá đủ để nơi này trở thành quê hương thứ hai của mình.
    
Gần 40 năm ở Bảo Lộc cũng là thời gian thầy Lập gắn bó với hoạt động giáo dục, từ Trường Trung học tỉnh hạt Tân Bùi, rồi Trường cấp I-II Lộc Tiến, Trường A B’Lao…; và lâu nhất, thầy làm hiệu trưởng trường Trung học cơ sở bán công Hùng Vương, từ năm học 1992-1993 đến nay.
    
Có lẽ, thầy Lập là hiệu trưởng công tác tại một trường lâu năm nhất tại thành phố Bảo Lộc; 20 năm, một nửa đời đi dạy học của thầy.
    
Học sinh cũ, bây giờ là đồng nghiệp, đang dạy tại Trường Trung học cơ sở Hùng Vương cũng nhiều, một học trò cũ, cô giáo NT kể:
 
- Thầy hiệu trưởng là một tấm gương về tâm huyết với nghề dạy học, chỉ việc trụ được qua thời ban đầu khó khăn, của giáo dục Bảo Lộc cũng là đáng biểu dương rồi.
Thầy Nguyễn Quang Minh, Phó Hiệu trưởng của trường cho biết:
   
- Thầy Lập đã hai nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Bảo Lộc. Thầy bỏ nhiều công sức dìu dắt các giáo viên trẻ dần vững vàng trong nghiệp vụ sư phạm, thành giáo viên giỏi. Thầy cũng dành nhiều nỗ lực giáo dục đạo đức học sinh. Nhiều thế hệ học sinh cũ của trường, giờ thành đạt, khi trở về trường luôn nhắc tới thầy hiệu trưởng sôi nổi, nhiệt tình với sự quý mến, tri ân.
   
Khi được hỏi về cái khó khi làm hiệu trưởng một trường học, thầy Nguyễn Văn Lập cười bảo:

- Người hiệu trưởng mà lại là hiệu trưởng trường bán công nữa, thì việc quan trọng nhất là biết tổ chức các hoạt động của trường học, giải quyết các tình huống sư phạm thấu tình đạt lý và trên tinh thần của người làm công tác giáo dục, phải đặt quyền được học của học trò lên cao nhất. Khó nhất là giải quyết các tình huống sư phạm giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh… và làm sao cho học sinh học tập, rèn luyện có kết quả cao là ưu tiên hàng đầu. Mà… học sinh trường bán công thì khỏi nói, phải rèn cho các em từ phương pháp học đến bổ sung các kiến thức bị thiếu, bị hổng ở các lớp dưới và phải làm sao cho các em thích học, yêu trường, yêu lớp. Các việc ấy đòi hỏi sự kiên trì, tính khoa học của người lãnh đạo.
 
Trong những năm gần đây, sau khi đủ chuẩn về cơ sở vật chất trường học, Trường Trung học cơ sở bán công Hùng Vương phấn đấu thành trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và đã được công nhận ở giữa năm học 2011 - 2012 , là Trường Trung học cơ sở thứ ba tại TP Bảo Lộc đạt chuẩn quốc gia, nhưng đáng nói là trường bán công mà phấn đấu đạt chuẩn được quả là một cố gắng lớn.

Thầy Lập kể về kinh nghiệm phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia:
     
- Quan trọng nhất là phải xây dựng được lộ trình phấn đấu dài hạn để kế hoạch hóa các hoạt động, từ đó thấy rõ các điểm yếu của trường và có biện pháp để điều chỉnh, sửa đổi.
   
Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cũng luôn phải quan tâm hàng đầu, làm sao động viên cán bộ giáo viên nhà trường tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn, mỗi cán bộ, giáo viên phải tổ chức được qui trình giải quyết các việc thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công và qua đó dần dần có kinh nghiệm làm việc hiệu quả hơn. Như hiện nay, các giáo viên chủ nhiệm có thể giải quyết được các tình huống sư phạm phức tạp liên quan đến kỷ luật học sinh. Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quang Minh tổ chức hiệu quả việc nâng cao chất lượng dạy và học, hiện nay thầy đang điều hành nhà trường hoạt động ổn định, là nhờ có kinh nghiệm trong việc tổ chức xây dựng trường đạt  chuẩn quốc gia. Hoặc các tổ trưởng tổ chuyên môn, đã tự tổ chức cải tiến sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính sáng tạo của học sinh trong học tập.
   
Việc duy trì chất lượng giáo dục của trường ổn định cũng là một thách thức. Học sinh của trường có đầu vào chất lượng không cao, nên khâu đột phá là việc thực hiện có hiệu quả đổi mới phương pháp dạy và học để hạn chế tình trạng học sinh học yếu, chán học, bỏ học, dần dần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của trường.
   
Cuối năm học 2011 - 2012, thầy Lập sẽ nghỉ hưu, bước vào tuổi được nghỉ ngơi nhưng thầy vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, vẫn tràn đầy sinh lực. Khi hỏi về những dự định sau khi được nghỉ, thầy tâm sự:
      
- Ngày trước, chọn Bảo Lộc làm quê hương, vì khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, quyến rũ. Giờ mình sẽ chụp ảnh, ghi lại những gì mà trời đất đã ban tặng cho vùng đất này, để mong mọi người cùng chung tay giữ gìn, cho mình và cho cả thế hệ mai sau nữa. Mình dạy học hay chụp ảnh cũng là một cách tri ân với đời, đó là những việc nhỏ với xã hội nhưng lại là việc lớn với mình.
 
Chia tay với thầy Lập, trên khoảng sân trường mát rượi bóng cây, rộn rã tiếng học trò, tôi nhận ra: Có những người luôn lạc quan, hơi lãng mạn một chút và sống, làm việc bằng nhiệt huyết, dù trẻ trung hay đã xế chiều, họ như những con ong, luôn làm một việc gì đó có ích cho mình và cho cộng đồng; có lẽ, thầy hiệu trưởng sắp về hưu Nguyễn Văn Lập là một người như thế.

Ký sự: NINH THẾ HÙNG