Những tu sĩ tình nguyện đến với Trường Sa

03:04, 18/04/2012

Chuyến tàu ra thăm quần đảo Trường Sa (ngày 13/4) là chuyến tàu đặc biệt, khác với những chuyến tàu khác, khi trên tàu có nhiều tu sĩ Phật giáo lần đầu tiên ra Trường Sa nhận chùa để tu trì.

Chuyến tàu ra thăm quần đảo Trường Sa (ngày 13/4) là chuyến tàu đặc biệt, khác với những chuyến tàu khác, khi trên tàu có nhiều tu sĩ Phật giáo lần đầu tiên ra Trường Sa nhận chùa để tu trì.

Sáu tu sĩ lên đường đi Trường Sa
Sáu tu sĩ lên đường đi Trường Sa


TRƯỜNG SA LÀ NƠI TU TẬP TỐT CHO BẢN THÂN

Có thể khẳng định, đây là sự kiện sẽ được ghi vào lịch sử của quần đảo Trường Sa nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên có 6 tu sĩ tình nguyện đến sống và tu trì tại biển đảo đầu sóng ngọn gió. Trước khi tàu xuất phát Đại đức Thích Giác Nghĩa (Trưởng đoàn tu sĩ, 43 tuổi) thổ lộ “Chúng tôi rất vinh dự là những tu sĩ phật giáo đầu tiên đến tu trì tại 3 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa. Theo sự phân công của giáo hội, chúng tôi sẽ ở lại 6 tháng trên các đảo. biết sẽ có những khó khăn chờ đợi phía trước nhưng chúng tôi rất hoan hỷ lên đường”.

Trên hành trình dài từ đất liền ra đảo Song Tử Tây, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các tu sĩ, mỗi người một tính cách, một khả năng nhưng tất cả đều phát tâm để đến với Trường Sa vì đạo pháp và tổ quốc. Một điểm đặc biệt nữa là hầu hết các tu sĩ tình nguyện đều là những trí thức trẻ đang ở độ tuổi 30-40.

Người để lại ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi là Đại đức Thích Đức Hỷ (tên thật Lê Văn Nhàn), năm nay 31 tuổi, chính thức xuất giá đi tu năm 1998 tại chùa Tiên Quang, thôn Phú Lộc Tây, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Nhiều năm qua Đại đức Hỷ vừa trụ trì chùa Hưng Long, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa theo học ĐH Vạn Hạnh. Năm 2011 thầy tốt nghiệp cử nhân Triết học phật giáo, là giảng viên của Trường Phật học Khánh Hòa. Ông thông thạo Anh văn và Hán văn như nhau, đã từng dịch nhiều kinh sách từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Mỗi dịp hè ông đều mở lớp dạy Anh văn miễn phí tại chùa Hưng Long cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, thu hút gần 100 học sinh theo học. Đang trụ trì chùa rất thành công, nhưng khi có lời mời gọi, Đại đức Thích Đức Hỷ đã tình nguyện đến với Trường Sa không chút ngần ngại. “Ở đảo xa lại là cơ hội tu tập tốt cho chính bản thân. Chính bản thân mình phải vượt qua được những khó khăn thì mới đủ năng lực để hướng dẫn người dân trên đảo. Tôi sẽ cố gắng góp phần đem lại nét đẹp văn hóa tâm linh ở đảo Sinh Tồn”. Cùng ở lại đảo Sinh Tồn có Đại đức Thích Đạo Biện (tên thật Huỳnh Xuân Việt, 35 tuổi). Đang trụ trì chùa Long Thọ, xã Ninh Diêm (Ninh Hòa) được bà con Phật tử rất yêu mến, kính phục, nhưng khi Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa có lời mời gọi tu sĩ ra Trường Sa thầy đã tình nguyện lên đường. Trong buổi chia tay các Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni và bà con Phật tử, Đại đức Thích Đại Biện nói “Chúng con phải rời xa người thầy, rời khỏi mái nhà thân yêu và rời khỏi mảnh đất đã nuôi dưỡng chúng con nên người để đến hòn đảo xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió để làm Phật sự. Đây là việc khó khăn và nhiều thử thách nhưng chúng con rất vui, rất hạnh phúc và vinh dự được Nhà nước và Giáo hội giao cho nhiệm vụ này”. Ông xúc động bày tỏ thêm “Nơi nào đạo pháp cần thì con đến, nơi nào chúng sanh cần thì con đi, không kể gian nguy không từ khó nhọc”. Thầy Biện đã tốt nghiệp Cao đẳng Phật học ở Đà Lạt, tốt nghiệp lớp giảng sư và dịch thuật Hán văn tại TPHCM. Thầy Biện tâm sự: “Tôi là người thích mạo hiểm, thích nơi yên tĩnh miền sông núi. Việc tôi tình nguyện đi Trường Sa là một cái duyên, một vinh dự”. Được biết, khi Đại đức Thích Đại Biện ghi danh đi Trường Sa thì gia đình và bà con Phật tử ra sức ngăn cản và nêu ra đủ thứ khó khăn, nhưng ông vẫn quyết tâm như cách đây 16 năm khi đang học ĐH Thủy sản Nha Trang, ông quyết định rời giảng đường để đi tu vậy. Hoan hỷ lên đường.
 

Theo sự phân công của Giáo hội phật giáo tỉnh Khánh Hòa, dịp này có 6 tu sĩ gồm các Đại đức Thích Giác Nghĩa, Thích Ngộ Thành tu trì tại đảo Trường Sa Lớn; Thích Đạo Biện và Thích Đức Hỷ nhận chùa ở đảo Sinh Tồn; Thích Tâm Hiện và Thích Thánh Thành sẽ tu tại chùa trên đảo Song Tử Tây.

Đại Đức Thích Tâm Hiện (Nguyễn Ngọc Dũng, 50 tuổi) và Thích Thánh Thành (Hoàng Trọng Huyên, 33 tuổi) được giao nhiệm vụ trụ trì và coi sóc ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây. Trước khi rời cảng Cam Ranh, 2 thầy nói trong xúc động: “Tôi đang tu ở chùa Tân Long, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) nay được giao nhiệm vụ trụ trì chùa Song Tử Tây trong 6 tháng, trước khi lên đường thầy không biết nhiều về quần đảo Trường Sa, nhưng khi đã phát tâm thầy hoan hỷ lên đường”. Đại đức Thích Tâm Hiện cho biết thêm, ông tình nguyện ở Trường Sa 1 năm, nhưng Giáo hội chỉ phân công 6 tháng. Biết ở vùng đất mới sẽ có nhiều khó khăn thử thách, nhưng thầy tôi quyết tâm bám trụ để tu trì. Còn thầy Thích Thánh Thành, vào chùa Hội Phước (Nha Trang) từ năm 13 tuổi), đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học, cử nhân Anh văn (ĐH Ngoại ngữ TPHCM). Đại đức Thích Thánh Thành đang dạy về văn hóa và Anh văn cho các chư tăng ở chùa Hội Phước. Khi chúng tôi đề cập đến những khó khăn ở vùng đảo xa, Đại đức nói, tôi đã từng thiền đơn độc ở rừng Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh), từng tu luyện khổ hạnh bên Myanmar, nên tôi cảm thấy những khó khăn ở Trường Sa là rất bình thường. Tôi nghĩ Phật giáo và Dân tộc luôn đồng hành với nhau, đạo phải gắn với dân tộc, với đất nước thì mới bền chặt.

Còn Đại đức Thích Ngộ Thành (Dương Phước Nhật Phong, mới 29 tuổi), là đệ tử của Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết, đã 3 lần tháp tùng sư phụ Nghĩa đến quần đảo Trường Sa, nên hiểu được sự khao khát của quân và dân Trường Sa muốn được nghe tiếng kinh kệ ở ngôi chùa đã tồn tại lâu năm. Nhiều lần người dân Trường Sa đã viết thư mời Đại đức Thích Giác Nghĩa ra ở với họ. “Khi thấy thầy Nghĩa tình nguyện ra Trường Sa, tôi cũng xin theo để phục vụ, dù biết có nhiều khó khăn phải vượt qua thầy”. Trước khi tàu xuất bến, Đại đức Thích Giác Nghĩa đã đến động viên các tu sĩ và cho biết sẽ đến chùa Trường Sa Lớn sau ít ngày, vì tham gia cùng phái đoàn các tôn giáo do Trung ương tổ chức đến Trường Sa trong tuần tới.

LỄ PHẬT ĐẢN ĐẦU TIÊN TRÊN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết, chỉ còn vài tuần nữa là Đại lễ Phật Đản, chúng tôi đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các vật dụng, lương thực, thực phẩm chay, nhang… để mừng Đại lễ Phật Đản đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Đại lễ chính tổ chức tại đảo Trường Sa. Đây là năm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa thân yêu của tổ quốc có 3 ngôi chùa tổ chức mừng lễ Phật Đản.

Khi tàu HQ 936 hụ còi xuất phát, Đại đức Thích Đạo Biện bồi hồi xúc động thổ lộ bằng những vần thơ “Tô bồi đạo pháp dựng xây đạo tràng, cúng dường Tam bảo nghiêm trang, Làm cho đời - đạo ngày càng đẹp thêm”.

Còn Đại đức Thích Giác Nghĩa bày tỏ quyết tâm. “Là một công dân Việt Nam, là một tu sĩ Phật giáo chúng tôi nghĩ mình phải có nhiệm vụ đồng hành cùng đất nước và dân tộc để gìn giữ biên cương đất nước. Chúng tôi nguyện sẽ sát cánh, đồng cam cộng khổ với quân và dân Trường Sa trong thời gian tới”. Hy vọng rằng từ nay khi có 6 nhà sư hiện diện để hành đạo thì đời sống tâm linh của người dân sống trên đảo sẽ khởi sắc. Tiếng chuông chùa mỗi ngày sẽ mang lại sự bình yên cho tâm hồn mỗi người để an tâm gìn giữ biển đảo thân yêu.
 

LÂM VIÊN