Về lại căn cứ ở vùng núi Nao Lùng

03:04, 18/04/2012

Vượt qua cung đèo dài gần 10 km mang tên một loại khí tài quân đội - đèo “B40”, thung lũng Lộc Bắc của người Mạ Ngăn (huyện Bảo Lâm) hiện ra dưới mắt lữ khách với nhiều màu xanh, nhiều sắc thái xuân rừng...

Vượt qua cung đèo dài gần 10 km mang tên một loại khí tài quân đội - đèo “B40”, thung lũng Lộc Bắc của người Mạ Ngăn (huyện Bảo Lâm) hiện ra dưới mắt lữ khách với nhiều màu xanh, nhiều sắc thái xuân rừng. Người Mạ anh hùng ở đây không lý giải tại sao con đèo ngăn cách vùng cư trú của họ với vùng đồng bằng bên ngoài lại mang tên một loại vũ khí. Nhưng tất cả họ đều biết rất rõ, trong những cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc, mỗi một cá nhân từ ông bà lão đến trẻ nhỏ nơi vùng đất này đều biết cầm súng, biết sống hết mình bảo vệ quê hương; mỗi một gia đình quần tụ trong những ngôi nhà dài truyền thống người Mạ đều biết nhường cơm, sẻ áo, chắt chiu từng lon gạo nuôi giấu cán bộ kháng chiến.

Người đầu tiên chúng tôi ghé thăm là cựu nữ pháo thủ Ka Hường thuộc biên chế của Đại đội nữ pháo binh 8/3 lực lượng vũ trang Lâm Đồng trong giai đoạn 1969 - 1972. Đôi mắt nữ pháo thủ đã mờ đục, phải dò dẫm mãi bà mới đun được một siêu nước nhỏ trên bếp lửa ngay giữa sàn nhà dài nhưng bà vẫn vô cùng hứng khởi khi nhắc lại quá khứ chiến đấu của mình thời oanh liệt ở Đại đội 8/3 những năm chiến trường nam Tây Nguyên đỏ lửa... Ka Hường cùng các đồng đội Ka Xép, Ka Réo, Ka Hoa, Ka Huệ…, đều là “sơn nữ” Lộc Bắc thuở ấy là những nữ pháo thủ mà chúng tôi đã có lần nhắc đến trong bài viết “Chuyện chưa biết về một đơn vị nữ pháo binh” trước đây. Tất cả họ đều đã già, bước qua thời son trẻ nhưng khí chất anh dũng vẫn vẹn nguyên như tinh thần anh dũng, hào hùng của bao nhiêu người con vùng rừng núi Mạ Ngăn này. Trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng quê hương, riêng xã Lộc Bắc lúc đó chỉ có hơn 400 người dân nhưng có tới 24 liệt sỹ và 65 gia đình thương, bệnh binh, có công với cách mạng. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống, đã mang thương tật suốt đời vì bom đạn quân thù đổ xuống trên rừng núi quê hương mình. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang mà Đảng và Nhà nước phong tặng cho Lộc Bắc là danh hiệu tự hào của những người Mạ kiên trung nơi đây. Đất nước độc lập, yên bình, những người son sắt tiếp tục quần tụ gắn bó với rừng núi để xây dựng cuộc sống mới. Tinh thần chịu thương chịu khó, yêu hòa bình, yêu lao động của những người Mạ được tiếp sức bởi sự đầu tư mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong liên tục nhiều năm đã giúp cho cuộc sống của vùng đất anh hùng không ngừng đổi thay.

Kỷ niệm 37 năm ngày đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất  nước, đường về Lộc Bắc với bà con người Mạ đã nhanh hơn, gần hơn. Cung đèo B40 xuyên qua vùng rừng hẻo lánh, kéo dài đã thảm nhựa phẳng phiu vào tận trung tâm xã. Tuyến lộ trình nối quê hương Lộc Bắc với ba huyện phía tây nam của tỉnh Lâm Đồng được đầu tư hơn 80 tỷ đồng cũng đã thông xe từ năm 2011. Trước đây, để có thể học lên bậc THPT, con em người dân bản địa phải vượt rừng hàng chục km đi nội trú tận thị trấn Lộc Thắng hay thành phố Bảo Lộc… Nhưng quá khứ gian truân đó đã qua từ lâu. Năm học 2011 - 2012 này, xã anh hùng chỉ có khoảng 1.500 nhân khẩu cư trú nơi đây đã được xây dựng đầy đủ trường học cho tất cả các bậc phổ thông. Nhiều học sinh, sinh viên là con, em người Mạ đã tự tin bước vào các trường đại học danh tiếng. Ông K’Tư - Chủ tịch UBND xã tự hào cho biết: “Trước đây, chúng tôi không dám nghĩ có ngày con cháu mình có thể đi ra biển lớn tri thức. Nhưng hiện nay, trong xã đã có 20 gia đình đang nuôi con học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều nơi khác nữa”. Tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà dài truyền thống tại buôn Bờ Lạch, chàng sinh viên Đại học An Ninh K’Kèng tự tin: “Em tin rằng, thế hệ chúng em sẽ còn có nhiều người theo học lên cao nữa. Học sinh các buôn làng Lộc Bắc đã qua cái thời nhịn cơm đi học rồi”. Niềm tin của K’Kèng đã được cụ thể hóa bằng rất nhiều thông tin vui về tình hình kinh tế, xã hội của xã Anh hùng. Không xâm hại rừng tự nhiên hay đốt rừng làm rẫy nhưng nông dân Lộc Bắc đã được đầu tư trồng gần 600 ha cà phê giống mới; hơn 470 ha chè; phần lớn hộ dân đã trồng lúa nước, tự túc được lương thực phục vụ đời sống, chăn nuôi… Hầu hết các gia đình đã có phương tiện cơ giới phục vụ canh tác, mua sắm được xe gắn máy và các phương tiện nghe, nhìn giải trí… Tính đến hết quý I/2012, tổng thu ngân sách đầu năm của xã đã đạt gần 700 triệu đồng. Cùng thời gian này, thông tin từ UBND xã cho biết đã có 160 hộ dân đăng ký thoát nghèo sau hơn hai năm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách cho vay hỗ trợ thoát nghèo. Từ chuyện chật vật với miếng cơm manh áo sau ngày đất nước đổi mới, hiện đã có hơn 10% trong tổng số 852 hộ dân tộc thiểu số ở Lộc Bắc có tổng thu nhập hàng năm từ 70 - 100 triệu đồng từ các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng. K’Kèng, Ka Thu rồi nhiều chàng trai, cô gái trẻ người Mạ ở Lộc Bắc rồi sẽ trở về buôn làng trong vị trí là những sĩ quan quân đội, thầy, cô giáo hay bác sỹ… Ước mơ của những người Mạ từng ngã xuống hy sinh cho độc lập, tự do của quê hương đang từng ngày trở thành hiện thực trong đời sống ấm no.

Vượt đèo B40 trở ra, quay nhìn thung lũng Lộc Bắc nằm gọn trong vòng cung dãy núi Nao Lùng, dù hoàng hôn đã trùm lên màu xanh, những nóc nhà dài truyền thống của người Mạ chỉ còn hiện lên thấp thoáng trong sương rừng nhưng cảm nhận về sự ấm áp, vững chãi của núi rừng, của những con người anh hùng vẫn hiện rõ. Họ còn tràn ngập tình yêu quê hương đất nước và giữ mãi lòng son sắt thủy chung với cách mạng thì rừng núi nơi đây mãi là thành trì. Ngày mới nơi vùng quê cách mạng sẽ nhiều xuân sắc hơn từ nay bởi chính những người dân nơi đây đang quyết tâm nâng tầm cuộc sống và đằng sau đó là sự đầu tư, tiếp sức mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta.

SƠN TÙNG