Bao giờ có hướng dẫn viên người dân tộc thiểu số

03:05, 02/05/2012

Tại Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ VI được tổ chức tại Đơn Dương mới đây, các nhà tổ chức đã thiết kế được khá nhiều nội dung và chương trình hoạt động khá thiết thực, rất phong phú; và đặc biệt là những nội dung đó có một sức hút rất lớn đối với du khách, nhất là du khách là người nước ngoài.

Tại Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần thứ VI được tổ chức tại Đơn Dương mới đây, các nhà tổ chức đã thiết kế được khá nhiều nội dung và chương trình hoạt động khá thiết thực, rất phong phú; và đặc biệt là những nội dung đó có một sức hút rất lớn đối với du khách, nhất là du khách là người nước ngoài. “Bà con nghệ nhân có thể sẽ là những hướng dẫn viên du lịch để giải thích, phân tích… những giá trị văn hóa của các sắc dân để không những giúp du khách hiểu thêm những giá trị đó mà còn góp phần giáo dục cho con cháu của chính dân tộc mình ý thức hơn những giá trị văn hóa đó” - ông Nguyễn Vũ Hoàng đặt kỳ vọng.

Tuy nhiên, sau hội thi tìm hiểu giá trị văn hóa cồng chiêng, nhà folklore Ngọc Lý Hiển (Sở VH-TT-DL Lâm Đồng) lại bộc lộ khá rõ tâm trạng buồn vui xen lẫn: “Đó là cái vốn văn hóa vô cùng quý giá của chính bà con, của cộng đồng, của buôn làng được truyền từ đời này sang đời khác nên bà con - những thí sinh - rất hiểu về nó, nhưng nếu bảo họ giảng nghĩa, phân tích… một cách có “lý luận” thì quả thực là bà con mình chịu thôi!”. Trong khi đó, ở những dịp đưa du khách hoặc bạn bè về các làng du lịch có tổ chức các hoạt động văn hóa liên quan đến văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số Lâm Đồng do các “hướng dẫn viên du lịch” người thiểu số đảm trách, chúng tôi nhận ra điều này và thực sự buồn: Những “MC” ấy diễn đạt khá lưu loát, “kỹ xảo” để thu hút du khách cũng được sử dụng khá thành công… nhưng thực sự thì kiến thức về mạch nguồn văn hóa của chính họ, họ không thực sự am tường. Hơn thế, đôi khi vì quá lạm dụng “kiến thức” nên tác dụng của “bài MC” trở nên không tích cực. Như vậy, một trong những vấn đề đang đặt ra cho ngành du lịch Lâm Đồng hiện nay là làm sao hình thành một cơ sở lý thuyết để đào tạo một cách bài bản nhằm cho ra một đội ngũ “hướng dẫn viên du lịch” là người dân tộc thiểu số ngay tại các buôn làng để có thể đón đầu một loại hình du lịch văn hóa bản địa cộng đồng rất có thể sẽ “nở rộ” trong tương lai xa ở Lâm Đồng.

Nói cách khác, theo đánh giá của chuyên gia về văn hóa và du lịch thì nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số phục vụ cho loại hình du lịch cộng đồng hiện nay ở Lâm Đồng là rất thiếu và yếu. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có ít nhất 6 cơ sở đào tạo có chức năng đào tạo ngành du lịch và trung bình mỗi năm cung cấp cho ngành du lịch không dưới 2.000 sinh viên (và học viên) ở các trình độ từ đại học xuống sơ cấp. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, các ngành nghề đào tạo của những cơ sở đào tạo du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên quan đến văn hóa bản địa Tây Nguyên không nhiều; càng không có nhiều sinh viên (học viên) theo học chuyên ngành để sau này phục vụ cho loại hình du lịch cộng đồng tại những buôn làng. Nhìn vào các “đại dự án” du lịch được tỉnh xác định là dự án du lịch “chất lượng cao” trong tương lai thì hầu hết đều có liên quan đến lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số bản địa, như các dự án khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Đan Kia - Suối Vàng, Đại Ninh, Cam Ly - Măng Ling, Langbian, Đam Bri, Cát Tiên, Bi Doup - Núi Bà… Theo một chuyên viên của Sở VH-TT-DL, ở các dự án du lịch chất lượng cao này, các loại hình sinh hoạt văn hóa bản địa thường xuyên hiện hữu và được đề cao. “Xu thế chung là các nhà thiết kế du lịch rất đề cao các loại hình sinh hoạt văn hóa bản địa” - chuyên viên này nói.

KHẮC DŨNG