Bảo tàng Lâm Đồng góp phần giáo dục truyền thống cho học sinh

02:05, 01/05/2012

Từ 2 năm trở lại đây, cùng với nỗ lực đổi mới công tác trưng bày, phục vụ tham quan, Bảo tàng Lâm Đồng như một địa chỉ “về nguồn” lý thú của học sinh các trường học trong toàn tỉnh.

Từ 2 năm trở lại đây, cùng với nỗ lực đổi mới công tác trưng bày, phục vụ tham quan, Bảo tàng Lâm Đồng như một địa chỉ “về nguồn” lý thú của học sinh các trường học trong toàn tỉnh. Bảo tàng đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đưa các em đến đây tham quan Bảo tàng vào những ngày nghỉ, như một chuyến dã ngoại ngoài trời.

Các nghệ nhân chế tác tượng dân gian Tây Nguyên tạc tượng tại Bảo tàng Lâm Đồng
Các nghệ nhân chế tác tượng dân gian Tây Nguyên tạc tượng tại Bảo tàng Lâm Đồng


Trong năm 2011, có hơn 8.000 học sinh, sinh viên từ hơn 30 trường học trong tỉnh đã đến tham quan Bảo tàng. Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2012, Bảo tàng Lâm Đồng đã đón trên 4.000 học sinh đến từ các trường học từ bậc học mầm non đến THPT trong toàn tỉnh. Có thể kể những đoàn học sinh đến từ những ngôi trường vùng sâu vùng xa như: Trường Tiểu học Ka Đơn, Trường Tiểu học Lạc Viên (Đơn Dương), Tiểu học Kim Đồng (Đức Trọng), Trường Tiểu học Phú Sơn (Lâm Hà)…; nhất là, trong dịp thành lập Đoàn TNCS HCM 26/3 và Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 vừa qua.

Hình ảnh những chiếc xe khách đỗ trước Bảo tàng, hàng trăm học sinh ùa xuống với ánh mắt háo hức, hồi hộp chờ đợi được khám phá đã trở nên quen thuộc. Trong đó, đa số các em lần đầu tiên được đến Bảo tàng, một không gian không giống bất cứ ở đâu. Nhà trưng bày mở ra với mô hình, hiện vật, hình ảnh, tư liệu được sắp đặt sinh động qua các phần thiên nhiên đất và người Lâm Đồng, Đà Lạt xưa và nay, những phát hiện khảo cổ ở Lâm Đồng và đặc trưng văn hóa của các dân tộc bản địa, nhân dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với những những mẩu chuyện gắn liền với sự kiện lịch sử và lời thuyết minh cặn kẽ của cô thuyết minh viên đã làm sinh động hơn buổi học, giúp các em tiếp cận với lịch sử, văn hóa truyền thống dễ dàng và không khô khan, đồng thời hiểu thêm các giá trị văn hóa, bản sắc các dân tộc ở địa phương. Thích thú với hình thức học mà chơi tại bảo tàng, từ đó, các em thêm hiểu, tự hào và thêm yêu quê hương mình.

Xem xong nhà trưng bày, các em được đưa đi tham quan Cung Nam Phương hoàng hậu - vị hoàng hậu duy nhất của nhà Nguyễn và cũng là hoàng hậu cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Dưới rừng thông, hai nhà sàn của người Mạ và K’Ho là hai dân tộc bản địa của Lâm Đồng hiện ra với những cây nêu và tua rua đầy màu sắc tượng trưng cho văn hóa tộc người, đã thu hút được sự chú ý của các em. Nhiều em chưa một lần được đi về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được bước lên ngôi nhà sàn của đồng bào, thì tại đây qua cách bài trí, sắp xếp với những vật dụng trong nhà như rượu cần, bếp lửa, công cụ lao động sản xuất… sẽ cho các em hiểu thêm về đời sống sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào qua không gian này.

Trong nhiều điều thú vị, thì việc tổ chức cho các em in tranh Đông Hồ trong khu vực tầng ngầm nhà trưng bày là một hoạt động mới mẻ và công phu của Bảo tàng. Để các em tìm hiểu về nét đẹp văn hóa trong dòng tranh này và tìm hiểu về nghề in tranh truyền thống, các cô chú CBCC Bảo tàng đã phải nấu mực, pha mực, đặt mua giấy dó theo đúng loại giấy sản xuất tranh truyền thống ở tận làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh). Chúng tôi có dịp được cùng các em học sinh đến từ Trường THCS Phú Sơn (Lâm Hà) tham gia một buổi in tranh tại Bảo tàng Lâm Đồng mới thấy hết niềm vui, sự háo hức của các em khi cầm chiếc chổi, nhúng vào mực đen, quệt lên khung vải, rồi dùng khuôn gỗ có khắc tranh ngược ấn vào khung vải, rồi in lên giấy.

Với giá vé 4.000 đồng/vé, Bảo tàng Lâm Đồng đã thực hiện giảm 30% giá vé với học sinh trung học, giảm 50% giá vé với học sinh tiểu học và mầm non. Những ưu đãi, tuy không nhiều nhưng thể hiện tình cảm trách nhiệm của Bảo tàng trong công tác phối hợp cùng các trường học giáo dục thế hệ trẻ.

QUỲNH UYỂN
Ảnh: Các nghệ nhân chế tác tượng dân gian Tây Nguyên tạc tượng tại Bảo tàng Lâm Đồng.