Từ năm 2006 tới nay, tuy có giảm so với thời gian trước nhưng tình trạng dân di cư tự do (DCTD) tới các địa phương trong tỉnh mua bán đất đai và lấn chiếm đất rừng để mưu sinh vẫn xảy ra rất phức tạp với 1.965 hộ / 7.837 khẩu. Hầu hết dân DCTD tới địa bàn trong thời gian qua là đồng bào các dân tộc ít người như Mông, Tày, Mường.
Từ năm 2006 tới nay, tuy có giảm so với thời gian trước nhưng tình trạng dân di cư tự do (DCTD) tới các địa phương trong tỉnh mua bán đất đai và lấn chiếm đất rừng để mưu sinh vẫn xảy ra rất phức tạp với 1.965 hộ / 7.837 khẩu. Hầu hết dân DCTD tới địa bàn trong thời gian qua là đồng bào các dân tộc ít người như Mông, Tày, Mường.
Khu tái định cư Đa Dum, xã Đạ Sar (Lạc Dương), tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào DTTS ổn định đời sống, phát triển KT - XH. Ảnh: N.M |
Hiện tại, Sở NN-PTNT và các sở, ngành liên quan của tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã và đang triển khai 4 dự án ổn định dân DCTD trên địa bàn bao gồm Dự án xã Phi Liêng (huyện Đam Rông), Dự án xã Hòa Bắc - Hòa Nam (huyện Di Linh), Dự án xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà) và Dự án sắp xếp dân cư xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên) với tổng vốn đầu tư kế hoạch trên 155 tỷ đồng và hiện đã được bố trí vốn gần 91 tỷ đồng.
Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết, do nguồn vốn có hạn và cũng từ nhu cầu của thực tế, những năm gần đây phần lớn nguồn vốn được bố trí từ ngân sách nhà nước cho các dự án này đều được tập trung đầu tư cho xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học và khai hoang đất sản xuất. Các công trình được đầu tư sau khi hoàn thành đều được đưa ngay vào sử dụng và đã phát huy hiệu quả cao trong việc ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng dự án.
Với định hướng này, tới nay, Dự án xã Hòa Bắc - Hòa Nam đã thi công được gần 29 km đường giao thông nông thôn, 2 hệ thống nước sinh hoạt, 3 hồ chứa nước, khai hoang 85 ha đất sản xuất để thực hiện di dời 132 hộ và ổn định nâng cao đời sống cho 1.000 hộ. Dự án xã Phi Liêng thi công 8,6 km đường, 1 công trình thủy lợi, 1 phân trạm y tế, 10 phòng học, 7,7 km đường điện hạ thế, khai hoang 72 ha đất… ổn định đời sống cho 75 hộ. Dự án xã Tân Thanh tới cuối năm 2011 đã di dời được 20 hộ ra khỏi rừng, sắp xếp ổn định cho 130 hộ bằng việc đầu tư thi công 20 km đường, 1 trường học (348m2), 1 công trình nước sinh hoạt, 1 trạm y tế và 1 nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tại Dự án sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn 3-4 xã Phước Cát 2 cũng đã có 2 hệ thống giếng khoan, 1 phân trạm y tế, 7,8 km đường giao thông và khai hoang 6 ha đất sản xuất được đầu tư thực hiện nhằm ổn định cuộc sống cho 52 hộ đồng bào DTTS sinh sống trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên.
Như vậy, với việc được đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, tới nay các dự án này đã ổn định được sản xuất và đời sống cho 1.818 hộ là dân DCTD mới tới địa phương và đồng bào DTTS diện đặc biệt khó khăn. Hiện tại, còn 3 dự án ổn định dân DCTD trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch nhưng chưa có vốn để triển khai là Dự án xã Đông Thanh (Lâm Hà), Dự án xã Lộc Thành (Bảo Lâm) và Dự án xã Quốc Oai (Đạ Tẻh)
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT thì hiện nay ngoài phải tiếp tục đầu tư nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS gốc tại chỗ, và việc liên tục phải đầu tư ổn định đời sống cho dân DCTD và dân DCTD tiếp tục tới địa bàn đang là khó khăn lớn và lâu dài cho tỉnh cũng như các địa phương trong tỉnh; trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho tỉnh mới chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn của các dự án ổn định dân DCTD.
Để sớm cán đích, hiện tại, cùng với việc khai thác có hiệu quả đồng vốn đầu tư và các công trình đã đầu tư, chủ đầu tư các dự án này cần tập trung hơn cho những công việc có tính bức xúc cao như thu hồi đất để cấp cho dân trong vùng dự án đã quy hoạch (Dự án xã Tân Thanh), hạn chế tình trạng dân quay trở lại nơi ở cũ trước khi di dời vào vùng dự án do nơi ở mới không phù hợp với tập quán và truyền thống sản xuất (Dự án xã Phi Liêng), giải quyết khó khăn về điện nước và chưa có sản phẩm thu hoạch cho dân mới định canh - định cư (Dự án xã Hòa Bắc - Hòa Nam).
Được biết, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ổn định dân DCTD trên địa bàn, nhất là đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu của dự án, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương hỗ trợ thêm vốn đầu tư; trong đó, khoảng gần 56 tỷ đồng đề nghị được bổ sung trong năm 2012 này.
Đức Hưng