Câu cá ngừ đại dương giữa biển Trường Sa

02:05, 30/05/2012

Trong hành trình đến thăm quần đảo Trường Sa, tàu HQ 936 có một đêm neo đậu giữa biển khơi để đoàn công tác thư giãn bằng việc câu cá ngừ đại dương.

Trong hành trình đến thăm quần đảo Trường Sa, tàu HQ 936 có một đêm neo đậu giữa biển khơi để đoàn công tác thư giãn bằng việc câu cá ngừ đại dương.

Chụp hình cá ngừ vừa câu được
Chụp hình cá ngừ vừa câu được


Tàu neo đậu cạnh đảo Đá Tây, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Thuyền trưởng tàu HQ 936, Ngô Đức Dũng cho biết “Vùng biển này có nhiều loại cá lớn, đặc biệt là cá ngừ. Câu cá ngừ giữa đại dương nhằm giúp mọi người khám phá thêm những tiềm năng của biển đảo Trường Sa”.

Để câu cá ngừ trước hết các chiến sĩ rọi đèn pha xuống biển, đồng thời gắn thêm 2 bóng đèn nê-on bên mạn tàu sát mặt nước để “dụ” cá chuồn tới ăn mồi. Một sĩ quan trên tàu dùng vợt vớt cá chuồn để gắn vào lưỡi câu làm mồi câu cá ngừ. Hàng chục lưỡi câu lần lượt được thả xuống biển với độ sâu từ 30-50 mét. Hầu hết mọi người tập trung trên các boong tàu hồi hộp xem câu cá ngừ và vớt cá chuồn. Thấy ánh đèn sáng, cá chuồn đua nhau bay vút lên mặt biển, xòe đôi cánh bạc lấp lánh dưới ánh sáng của đèn điện. Nhiều thành viên trong đoàn chỉ sau ít phút thực tập đã vớt cá chuồn khá thành thạo; có người mượn lưỡi câu, dây cước của tàu để thử tài nghệ câu cá ngừ. Con cá chuồn nào lớn gần bằng cổ tay trở lên được giữ lại, con nào nhỏ quẳng lại xuống biển. Chỉ trong thời gian ngắn đoàn chúng tôi vớt được vài sô cá chuồn. Một chiến sĩ trên tàu cho biết “Vì có biệt tài vớt cá chuồn nên thuyền trưởng Dũng còn mang biệt danh “Dũng cá chuồn”.

Trong khi tập trung xem vớt cá chuồn, thì thiếu úy Hoàng Gia Bảo (thủy thủ tàu HQ 936) câu được con cá ngừ đầu tiên. Mọi người reo hò mừng rỡ, vì với nhiều người đây là lần đầu được chứng kiến việc câu cá ngừ đại dương. Con cá ngừ dài 90cm, nặng khoảng 9kg, được mọi người chuyền tay nhau để… chụp hình. Buổi câu cá ngừ đã thu hút mọi thành viên của đoàn, mỗi lần thấy cá cắn câu ai cũng hồi hộp, vì cá cắn câu rồi, việc kéo lên tàu cũng là một nghệ thuật không hề dễ dàng… Hoàng Gia Bảo, người có kinh nghiệm hơn 6 năm câu cá trên vùng biển Trường Sa cho biết thêm “Muốn câu cá ngừ phải biết chọn dòng chảy đại dương có cá bơi qua và độ sâu thích hợp. Khi câu phải kiên trì tập trung, luôn quan sát tỉ mỉ xem từng động thái nhỏ của dây cước để biết cá cắn câu hay chưa”. Tôi thầm nghĩ, với những người lính biển, câu cá ngừ không chỉ là thú chơi tiêu khiển, mà còn là dịp để rèn luyện óc quan sát, lòng kiên nhẫn và sự khéo léo trong công tác chiến đấu.

Niềm vui câu được cá ngừ
Niềm vui câu được cá ngừ


Trong lúc “canh thức” xem câu cá ngừ, lực lượng hậu cần của tàu đưa 2 lò than đỏ rực cùng  2 vỉ sắt để nướng cá chuồn. Cá vừa vớt lên bỏ ngay lên bếp còn búng ra khỏi lò phải chạy theo bắt bỏ lên lại thật thú vị. Các ca sĩ, vũ công của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng đêm nay gác chuyện ca hát lại, nhận nhiệm vụ nướng cá chuồn phục vụ đoàn một cách thích thú. Cá chuồn nướng cháy giòn bốc mùi thơm lừng; không cần đĩa, không cần đũa, cá nướng chín mọi người chuyền tay nhau chấm muối tiêu chanh nhâm nhi với rượu volka ngon tuyệt. Tình thân ái trong đoàn được hun đúc hơn bao giờ hết, già trẻ ăn chung một con cá, nam nữ cùng uống chung 1 ly rượu. Đang say sưa bên chén rượu thì đầu mạn thuyền lại vang lên tiếng reo hò. Một con cá ngừ nữa được đưa lên tàu, con này lớn hơn con trước, mọi người xúm nhau bưng bê để chụp hình kỷ niệm. Ước lượng con cá nặng khoảng 12 ký. Một lúc sau lại thêm những con cá ngừ nữa dính câu. Niềm hy vọng câu được cá ngừ nhen nhúm đối với nhiều thành viên của đoàn…

Câu cá ngừ đại dương ban đêm trên vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc là dịp may hiếm có đối với tôi và nhiều người khác trong đoàn. Tôi thầm mong một ngày không xa sẽ có những tour du lịch khám phá quần đảo Trường Sa, chắc chẳn lúc đó du khách sẽ được tham gia đêm câu cá ngừ đại dương giữa biển trời độc đáo và thú vị này.

LÂM VIÊN