Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Cát Tiên.
Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện Cát Tiên. Đường sá đi lại khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội địa phương phát triển chậm. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là những bệnh nặng cần phải chuyển lên tuyến trên. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh và huyện đã tập trung đầu tư trang thiết bị và đào đạo đội ngũ cán bộ y tế tại chỗ cho Đồng Nai Thượng.
Siêu âm thai tại Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng. |
Cách đây hơn 10 năm, hoạt động y tế ở xã Đồng Nai Thượng còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất mới chỉ là nhà y tế thôn bản với phòng khám bệnh chật hẹp, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó nhất lúc này chính là trình độ nhận thức của bà con DTTS. Bà Nguyễn Thị Tâm, Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng, kể lại: “Khi đó, hầu hết chị em phụ nữ khi sinh con đều ra suối làm chòi để sinh, chẳng ai chịu đến cơ sở y tế. Còn việc tiêm chủng cho trẻ, dù có đến tận nhà để tiêm, nhưng họ còn không chịu vì những phong tục, tập quán cũ. Dần dần nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hiện nay hầu hết phụ nữ khi sinh con đã đến trạm và được quản lý, chăm sóc trong suốt thai kỳ. Do đường sá đi lại khó khăn, có chị phải sinh tại nhà, nhưng họ gọi cán bộ y tế đến đỡ đẻ. Việc tiêm chủng cho trẻ cũng được bà con chú trọng hơn bằng cách mang con đến trạm tiêm đúng ngày, giờ”.
Ngoài việc tuyên truyền để bà con thay đổi nhận thức, công tác đầu tư trang thiết bị y tế cho Trạm Y tế xã cũng được chú trọng. Từ năm 2000, Trạm đã được xây mới và đầu tư nhiều thiết bị, như máy siêu âm, máy đo đường huyết và máy tạo ôxy… Nhờ vậy, hoạt động chuyên môn của Trạm ngày càng được nâng cao. Bình quân mỗi năm, Trạm đỡ đẻ cho 30 - 40 sản phụ. Ngoài ra, hàng tháng, Trạm còn có kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vận động bà con trong xã ăn chín, uống sôi. Trước đây, các dịch bệnh thường xuyên xuất hiện như số rét, giờ đã không còn nữa. 5 năm trở lại đây, toàn xã không có ca sốt rét nào. Làm được điều này là nhờ Trạm đã biết phối hợp với đội ngũ y tế thôn bản, giám sát đến từng thôn, điều trị dự phòng cho những đối tượng có nguy cơ cao và tuyên truyền để bà con diệt lăng quăng và ngủ mùng. Đặc biệt, công tác chăm sóc và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ được Trạm thực hiện tốt. Hàng tháng, 100% trẻ dưới 2 tuổi đều được theo dõi trọng lượng. Mỗi năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ giảm khoảng 2%.
Hiện, Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng có 5 cán bộ y tế, 1 chuyên trách dân số và 6 cán bộ y tế thôn bản. Theo bà Tâm, với đội ngũ như thế và những trang thiết bị được cấp, Trạm thực hiện khá tốt chức năng của mình, đặc biệt là chưa để xảy ra bất cứ một tai biến sản khoa nào. Đối với nhiều ca sinh khó, lẽ ra phải chuyển viện, nhưng do đường đi lại khó khăn, Trạm đã chủ động đỡ đẻ với sự hỗ trợ chuyên môn của Trung tâm Y tế huyện qua điện thoại. Mỗi tuần một lần, Trạm còn được tăng cường bác sỹ tuyến trên về theo Đề án 1816. Đây chính là điều kiện và cơ hội để anh em trong Trạm được học hỏi, nâng cao tay nghề.
Hiện tại, tuyến đường nối xã Đồng Nai Thượng với trung tâm huyện Cát Tiên đang được thi công. Sắp tới, việc đi lại của bà con trong xã sẽ bớt khó khăn hơn. Tuy nhiên, với một xã vùng sâu như Đồng Nai Thượng, việc tiếp tục đầu tư trang thiết bị và cán bộ tại chỗ là hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đông Anh