Đó là thực tế mà lãnh đạo ngành Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) tỉnh Lâm Đồng đang phải trông chờ ở 2.255 cộng tác viên (CTV) dân số tại hơn 1.200 thôn, buôn, khu phố trong toàn tỉnh.
Đó là thực tế mà lãnh đạo ngành Dân số Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) tỉnh Lâm Đồng đang phải trông chờ ở 2.255 cộng tác viên (CTV) dân số tại hơn 1.200 thôn, buôn, khu phố trong toàn tỉnh. Dễ hiểu, bởi không nhiệt tình, không say mê thì đội ngũ CTV này không thể nào tận tâm với công việc khi chế độ phụ cấp mỗi tháng từ nguồn Trung ương chỉ là… 50.000 đồng/người. Và họ không hoạt động nhiệt tình thì hệ lụy là hàng loạt tiện ích của chương trình quốc gia nâng cao chất lượng dân số khó lắm mới tới tận tay người thụ hưởng là những người dân.
Theo lãnh đạo Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Lâm Đồng, danh xưng của họ là CTV dân số nhưng công việc mà hàng tuần, mỗi tháng những người thuộc đội ngũ này phải đảm nhận là cả một danh sách liệt kê dài. Cùng với công tác tuyên truyền hạn chế tỷ suất sinh đến tận từng gia đình có nam, nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ, các CTV còn phải tư vấn các biện pháp tránh thai; cấp phát phương tiện tránh thai phi lâm sàng; quản lý nhân khẩu; tư vấn hôn nhân; nắm bắt kịp thời thông tin di biến động về số lượng dân cư trong địa bàn thôn, buôn…Tất cả những thông tin công tác này, theo quy định đều phải báo cáo cho cán bộ chuyên trách dân số cấp xã, phường đều đặn mỗi tháng. Trong khi đó, tại những địa phương khó khăn như Lâm Đồng, có khi CTV dân số phải tranh thủ buổi tối đến nhà người dân để tuyên truyền với quãng đường xa xôi, rừng núi… Quyền lợi được hưởng không tương xứng với trách nhiệm được giao như đã nói khó mà giúp cho họ năng nổ, nhiệt tình với công việc. Hệ lụy nhỡn tiền của bất cập này là bao nhiêu tiện ích của các gói dịch vụ nâng cao chất lượng dân số khó lòng mà đến tận cùng các khu dân cư. Điều này góp phần lý giải là tại sao ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng vẫn còn có hiện tượng những thôn buôn nhức nhối với nạn tảo hôn và tình trạng “sinh voi nhiều hơn sinh cỏ”.
Trao lời về hoạt động của đội ngũ CTV dân số trên địa bàn, một lãnh đạo của Chi cục DSKHHGĐ Lâm Đồng cho biết: “Với mức trợ cấp quá ít trong khi khối lượng công việc được giao của họ lại quá nhiều nên không thể nào đôn đốc họ làm việc tận tụy được. Chỉ hy vọng vào lòng nhiệt tình của toàn đội ngũ mà thôi”. Xét đến thời điểm này, CTV dân số có lẽ là đối tượng hưởng phụ cấp thấp nhất trong số những người được hưởng chế độ phụ cấp tại địa phương. Ngành Y tế, DSKHHGĐ đang tiến hành đề xuất Trung ương và địa phương nâng mức phụ cấp tối thiểu cho đội ngũ CTV dân số ngang bằng mức phụ cấp của những người làm công tác y tế thôn bản (30% mức lương tối thiểu theo quy định của nhà nước - PV). Thực hiện đề xuất này là việc cần thiết và sớm phải làm bởi “không có thực thì khó mà vực được đạo” khi mức trợ cấp hàng tháng dành cho 2.255 con người chỉ lớn hơn 112 triệu đồng chút đỉnh.
SƠN TÙNG