Nhớ lần trước, cách nay hơn một năm, chúng tôi đã đến đây để “tranh luận” với chủ nhân ngôi làng này về vấn đề văn hoá dân tộc Mạ...
Giữa tháng 5 vừa rồi, chúng tôi có dịp quay lại làng văn hoá Mạ nằm trong khu du lịch Đam Bri của TP Bảo Lộc. Nhớ lần trước, cách nay hơn một năm, chúng tôi đã đến đây để “tranh luận” với chủ nhân ngôi làng này về vấn đề văn hoá dân tộc Mạ. Lần ấy, vui là vì giữa chúng tôi với người tranh luận - ông Ngô Đình Hiếu, chủ nhân ngôi làng - có mối đồng cảm ngay lập tức. Còn lần này, vẫn gặp được ông Hiếu nhưng chúng tôi không có ý định tranh luận mà chỉ lặng lẽ quan sát.
Hỏi chuyện ông Ngô Đình Hiếu về làng văn hóa Mạ Đam Bri |
Buổi trưa, sau khi đi tham quan một vòng, chúng tôi được mời vào nhà hàng sang trọng nằm ngay trong khuôn viên của khu du lịch Đam Bri. Vừa nhón đũa gắp mấy món thức ăn sang trọng, trong đầu chúng tôi lại “nảy nòi” một ý nghĩ… kỳ cục: Tại sao không đưa bữa ăn bên bếp nhà sàn của người dân tộc thiểu số vào trong làng văn hoá Mạ để phục vụ du khách?
Bữa ăn của người Mạ (và của nhiều dân tộc thiểu số khác) bên bếp lửa nhà sàn thật đạm bạc, thậm chí là vô cùng kham khổ, nhưng không kém hấp dẫn: Chỉ có cơm lúa rẫy cùng với muối hột giã với ớt, thêm món canh lá bép và cộng với món cá ủ chua trong ống lồ ô hoặc nếu thêm thì dăm con cá khô treo giàn bếp. Bữa ăn chỉ đơn giản vậy thôi nhưng từ xưa đến nay, người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên này hết đời này sang đời khác đã cật lực phấn đấu để có đủ những thứ ấy trong ngôi nhà sàn bên bếp lửa. Trước hết, phải nói đến cơm: Cơm của người thiểu số phải được nấu từ gạo lúa rẫy sáu tháng vừa dẻo vừa thơm. Thứ lúa đó phải được tuốt bằng tay và đưa vào những chiếc cối độc mộc (được làm bằng một thân gỗ, không có cối ghép từ hai thân gỗ trở lên) để giã rồi sảy, sàn… trên những chiếc nia “đầu cong đầu nhọn”. Tiếp đến, cá suối trộn muối ngâm chua trong ống lồ ô phải được ba tháng treo giàn bếp mới lấy ra ăn. Còn lá bép thì “xứ sở Mạ” có đầy; và đặc biệt, đây là thứ lá chỉ nấu canh “nó với nó” chứ không được nêm nếm bất kỳ thứ gia vị nào khác. Còn ớt thì phải là “ớt dân tộc” chỉ thiên, trái nhỏ, tròn, không đỏ cũng chẳng xanh nhưng cay đến xé lưỡi (có tác dụng chữa sốt rét). Tiếp đến, cá khô phải là thứ cá bắt từ suối xẻ ra ướp với muối thật mặn rồi phơi “nửa nắng” và treo lên giàn bếp. Bữa ăn của người dân tộc thiểu số đạm bạc là thế, nhưng không kém phần… sang trọng! Nếu có một lời đề nghị từ phía du khách rằng trong khu văn hoá Mạ của Đam Bri cần có một loại hình du lịch ẩm thực kiểu như trên thì tác giả của làng này có đảm bảo? Chúng tôi tin chắc câu trả lời từ phía ông Ngô Đình Hiếu là “Không có gì khó!”. Lại nghĩ: Một đoàn du lịch nào đó từ một trường học gồm nhiều học sinh (các cấp, kể cả sinh viên đại học) đến với làng văn hoá Mạ Đam Bri, nếu được “sống cùng” (tức là cùng ăn, cùng ở, cùng làm) như giã gạo, thổi cơm, hái lá bép nấu canh… thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy vô cùng thú vị. Còn nếu đó là đoàn du khách người lớn thì thêm một ché rượu cần hẳn càng thêm phần thú vị vậy! Với hơn nữa, thông qua mô hình du lịch ẩm thực dân tộc thiểu số, du khách (nhất là đối với học sinh) sẽ ý thức hơn được các giá trị văn hoá cội nguồn.
Hôm trở lại làng văn hoá Mạ Đam Bri, chúng tôi lại lần nữa được ông Hiếu giới thiệu về quá trình sưu tập hơn 2.000 vật dụng (trong đó có cả những cổ vật) của người Mạ đang được trưng bày tại đây. Nhìn các vật dụng đang được trưng bày, chúng tôi để ý thấy có không ít các cối giã, chày giã, nồi đất… Hẳn những hiện vật này không phải là hiếm tại các làng du lịch văn hoá dân tộc thiểu số trên khắp các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhưng một mô hình ẩm thực “bữa ăn bên bếp lửa nhà sàn trong làng văn hoá người dân tộc thiểu số” hiện lúc này xem ra là rất hiếm, nếu không muốn nói rằng chưa được hình thành.
Khắc Dũng