Vì không có mặt bằng triển lãm, hàng ngàn cổ vật của “Đà Lạt xưa” đang nằm im ỉm trong kho nhà riêng của anh Nguyễn Văn Tuấn, 51 tuổi, ở đường hẻm Phan Đình Phùng, Đà Lạt.
Vì không có mặt bằng triển lãm, hàng ngàn cổ vật của “Đà Lạt xưa” đang nằm im ỉm trong kho nhà riêng của anh Nguyễn Văn Tuấn, 51 tuổi, ở đường hẻm Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Chủ nhân Nguyễn Văn Tuấn đang băn khoăn, nếu đem bán thì xem như mất hết, còn giữ lại thì cứ xót xa, chờ đợi…
Chủ nhân Nguyễn Văn Tuấn trong nhà kho cổ vật chờ mặt bằng triển lãm |
Những tháng đầu năm 2012, anh Nguyễn Văn Tuấn, Đà Lạt đã sưu tập mới hàng chục chiếc ấm trà của Liên Xô cũ, do cư dân Đà Lạt - Lâm Đồng đưa về sử dụng từ sau những năm đầu giải phóng, đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Đồng thời, anh Tuấn đã bổ sung thêm bộ sưu tập của mình với hàng trăm bộ gốm sứ (có niên đại ở các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lý - Trần - Nguyễn) đang nằm rải rác trong những khu vực dân cư trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, nâng tổng số gia tài của anh Tuấn hiện lên đến gần 7 ngàn món đồ cổ vật. Trước đó - vào tháng 2/2012, anh Tuấn đã được kết nạp vào Hội viên Hội Cổ vật thành phố Hồ Chí Minh.
Bắt đầu sưu tập từ năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng mãi đến 2005, anh Nguyễn Văn Tuấn mới được nhiều người biết đến với một gian phòng triển lãm gần 4 ngàn hiện vật cổ ở khu vực hồ bơi Phù Đổng, Đà Lạt. Một năm sau đó - năm 2006, vì lý do khó khăn về tiền thuê mướn mặt bằng, anh Tuấn phải chuyển toàn bộ 4 ngàn cổ vật từ hồ bơi Phù Đổng lên phục vụ khách tham quan du lịch tại Thung Lũng Tình Yêu. Anh Tuấn nhớ lại: “Tôi đã ký hợp đồng triển lãm 4 ngàn cổ vật với Khu Du lịch Thung Lũng Tình Yêu trong thời gian 5 năm. Nhưng rồi lại đáng tiếc chỉ sau 1 năm mở cửa, gian phòng triển lãm cổ vật của tôi phải trả lại để làm văn phòng làm việc của Khu Du lịch này…” Cũng theo anh Tuấn cho biết, gian phòng triển lãm 4 ngàn cổ vật tại Thung Lũng Tình Yêu có diện tích chừng trăm mét vuông, hầu như ngày nào cũng đón tiếp từ hàng trăm đến hàng ngàn lượt khách đến xem, chụp hình rồi ghi lại những lời trầm trồ, khen ngợi trong sổ lưu niệm...
Anh Tuấn lại lỉnh kỉnh chuyển đưa 4 ngàn cổ vật về chất đầy trong những diện tích nhỏ hẹp ở căn nhà riêng trong hẻm đường hẻm Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Đến năm 2008, chào mừng Đà Lạt 115 năm tuổi, chính quyền phường 2, Đà Lạt mới đăng ký và được Ban Tổ chức lễ hội giành riêng cho anh Tuấn một gian triển lãm cổ vật tại Thao trường Lâm Viên. Tại đây anh Tuấn chọn 115 năm cổ vật tiêu biểu, phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất của cư dân Đà Lạt sau 115 năm hình thành và phát triển. Sau 1 tuần triển lãm đã gây những ấn tượng đẹp cho người Đà Lạt và du khách bốn phương. Khá nhiều cơ quan thông tin truyền thông trong nước đã có nhiều bài viết, hình ảnh giới thiệu khá đậm nét gian triển lãm cổ vật của anh Tuấn.
“Nhưng lần triển lãm cổ vật năm 2008 là lần triển lãm sau cùng của tôi cho đến giờ… ” - anh Tuấn buồn nói. Và thực tế, qua nhiều lễ hội của gần 4 năm qua, đặc biệt là dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2012, không có một món cổ vật nào trong hàng ngàn cổ vật của anh Tuấn được tham gia triển lãm. Mặc dù 6 tháng trước khi khai mạc Festival hoa Đà Lạt năm 2012, anh Tuấn đã được thông qua chính quyền phường 2, Đà Lạt tiến hành đăng ký triển lãm với Ban Tổ chức lễ hội, nhưng đến giờ cuối cùng thì được trả lời “đã hết mặt bằng để bố trí…”.
Và rồi, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Tuấn lại gõ cửa khắp nơi tìm mặt bằng triển lãm từ các điểm du lịch trong thành phố Đà Lạt đến triển lãm trung tâm Khu Hòa Bình, Đà Lạt; Bảo tàng Lâm Đồng… nhưng tất cả đều không thành. Nhiều câu trả lời được đưa ra để không chấp thuận anh Tuấn triển lãm cổ vật như: thiếu diện tích mặt bằng, thiếu kinh phí đầu tư hệ thống tủ kính bảo quản cổ vật… Trong khi anh Tuấn khẳng định chưa một lần đặt nặng về số tiền “thù lao” triển lãm cổ vật hàng ngày, hàng tháng cho mình là mức cao, thấp bao nhiêu...
“Trước đây đã có vợ chồng người Việt kiều từ Pháp về Đà Lạt ra giá mua toàn bộ gia tài cổ vật của tôi với giá 2 triệu đô la Mỹ, tôi cứ lưỡng lự rồi lắc đầu. Thời gian gần đây, liên tục có nhiều người đã gọi điện thoại, gửi thư điện tử rồi trực tiếp đến nhà gạ hỏi mua nhiều món đồ cổ tự chọn, giá mua bằng đô Mỹ cũng khá cao, nhưng rốt cuộc tôi vẫn giữ lại quyết định không bán vì vẫn hy vọng sẽ tìm được một mặt bằng triển lãm ổn định trong thành phố Đà Lạt. Để rồi giờ đây tôi phải bất lực nhìn từng món cổ vật nằm lăn lóc, khắc khoải trong những bức tường xi măng kho nhà khô khốc, nặng nề…” - Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Tuấn chùng giọng.
VĂN VIỆT