Trong những năm gần đây, do cà phê - loại cây trồng chủ lực của huyện - có giá, nhiều hộ dân có nhu cầu thêm đất sản xuất đã làm gia tăng tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn.
Lâm Hà hiện còn 36.523 ha rừng và đất rừng, trong đó 27.825 ha có rừng được phân bổ tại địa bàn 13/16 xã, thị trấn của toàn huyện. Trong những năm gần đây, do cà phê - loại cây trồng chủ lực của huyện - có giá, nhiều hộ dân có nhu cầu thêm đất sản xuất đã làm gia tăng tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn.
Những cánh rừng đang bị thu hẹp dần bởi nương rẫy cà phê. Ảnh: Ngọc Minh |
Để giữ được những cánh rừng còn lại, hạn chế những hành vi xâm hại rừng và tài nguyên rừng trái phép, từ đầu năm 2012 tới nay, Huyện uỷ, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị của địa phương tăng cường các hoạt động phối hợp với các chủ rừng… triển khai quyết liệt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, tuần tra - kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có vi phạm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, trồng rừng.
Kết quả, gần 5 tháng đầu năm nay, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đã cùng các chủ rừng và Ban Lâm nghiệp các xã Tân Thanh, Phúc Thọ, Phi Tô và thị trấn Nam Ban tổ chức thành công 8 buổi họp dân với 516 hộ tham gia. Những nội dung quan trọng như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, công tác phòng chống cháy rừng và thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng… đã được chuyển tải tới người dân qua những buổi họp này; từ đó đã có thêm 61 hộ ký cam kết bảo vệ và phòng chống cháy rừng, địa phương đã củng cố được hoạt động của các tổ tự quản bảo vệ rừng ở các thôn Preteng 2 (xã Phú Sơn), Lâm Bô (xã Phúc Thọ), Tầm Xá, Đông Anh (xã Đông Thanh) và thành lập thêm tổ tự quản quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 249 (xã Đạ Đờn); vận động 12 hộ/37 khẩu dân thôn Hang Hớt (xã Mê Linh) di cư tự do tới xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương) trở về quê cũ sinh sống.
5 tháng đầu năm, công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cũng được tiếp tục đẩy mạnh tại Lâm Hà. Ông Đinh Tấn Bái - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Hiện tại, huyện đã giao 36.523 ha rừng và đất rừng trên địa bàn cho 3 ban quản lý rừng và 1 doanh nghiệp quản lý bảo vệ; các chủ rừng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền cơ sở giao khoán quản lý bảo vệ 17.890 ha rừng cho 891 hộ, 6 tập thể và 1 doanh nghiệp, hiện tại UBND huyện Lâm Hà đang đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm 1.188 ha rừng có nguy cơ bị xâm hại cao vào diện tích giao khoán quản lý bảo vệ… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm lâm luật ở Lâm Hà chỉ mới giảm chưa chưa phải đã thật sự chấm dứt.
Hạt Kiểm lâm Lâm Hà đã thống kê có tới 40 vụ vi phạm lâm luật xảy ra trên địa bàn huyện từ đầu năm 2012 tới nay được phát hiện và xử lý. Trong đó có những vụ vi phạm có tính điển hình như vụ phá rừng trái phép tại các TK 290, 286B (Tân Thanh), 286A, 251,252 (xã Phúc Thọ), các vụ khai thác lâm sản trái phép ở các TK 231, 239 (xã Phú Sơn), 250, 252 (xã Phúc Thọ), 249 (xã Đạ Đờn), vụ dân di cư từ huyện Di Linh phá rừng và buôn bán đất rừng trái phép với diện tích trên 30 ha (đất đã giao khoán cho các hộ nhận khoán rừng) ở địa bàn xã Tân Thanh, hay vụ đồng bào DTTS một số thôn ở xã Đạ Đờn và xã N’Thôl Hạ (huyện Đức Trọng) phá rừng và lấn chiếm đất rừng ở các TK 248, 25… Hầu hết các vụ vi phạm này đều đã được Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng và UBND các xã, thị trấn trong huyện phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Đã có 4 vụ những người phá rừng và khai thác lâm sản trái phép thuộc địa bàn các xã Phúc Thọ, Tân Thanh, Phi Tô chống đối người thi hành công vụ; Trạm Quản lý bảo vệ rừng Păng Pá và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Kon On (Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh) đã bị đập phá, đốt cháy và một số cán bộ quản lý bảo vệ rừng bị thương tích.
Tân Thanh, Phúc Thọ, Phú Sơn, Đạ Đờn và Phi Tô đã và đang là các xã “điểm nóng” ở Lâm Hà về phá rừng và khai thác lâm sản trái phép mà đối tượng vi phạm chủ yếu là dân nghèo, dân di cư tự do… không có khả năng thi hành các quyết định xử phạt khi bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hành vi họ vi phạm. Do vậy, để bảo vệ và phát triển rừng cùng với việc đầu tư nâng cao đời sống cho người dân bằng việc mở rộng sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Lâm Hà đang chỉ đạo ngành nông - lâm nghiệp tập trung hơn nữa việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, về vai trò quan trọng của rừng đối với môi trường và với sự phát triển KT-XH bền vững của địa phương.
Đức Hưng