Đến năm 2020, về cơ bản, việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng...
Thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 -2020 và tầm nhìn 2030, Lâm Đồng xác định mục tiêu: Đến năm 2015, các quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm trong tỉnh.
Một số nông trại Đà Lạt trồng rau sạch kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ khâu canh tác |
Đến năm 2020, về cơ bản, việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2030, công tác an toàn thực phẩm được quản lý chủ động, có hiệu quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện an toàn thực phẩm; ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm được kiểm soát chủ động; tỉ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính ở mức thấp nhất.
Kết quả giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm của ngành y tế cho thấy: Tỉ lệ các mẫu đạt chất lượng ATVSTP tương đối thấp (59%), nhóm thực phẩm chả cá chín ăn ngay và thịt heo quay có tỉ lệ đạt rất thấp (30%), tỉ lệ chỉ tiêu kiểm nghiệm đạt 77% (các nhóm thực phẩm được kiểm nghiệm chỉ đạt 1, 2 hoặc 3 chỉ tiêu hoặc không đạt chỉ tiêu kiểm nghiệm nào).
Qua các đợt thanh tra liên ngành vẫn phát hiện tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, việc quản lý thực phẩm tại các chợ, đường phố, khu du lịch, lễ hội còn nhiều hạn chế. Số trang trại, hộ kinh doanh, trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt chưa cao. Toàn tỉnh có hơn 30 cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000). Tỉ lệ thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nông nghiệp chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn. Toàn tỉnh có 53 trong tổng số 338 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 50/107 doanh nghiệp sản xuất chè được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể được kiểm soát an toàn thực phẩm chiếm 66,5% dựa trên con số được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, với 5.886/8.854 cơ sở. Trong đó có 236/333 bếp ăn tập thể được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2011 tại địa phương xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 490 người mắc, 3 người chết. Trong đó, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật, do hóa chất và một vụ không xác định được nguyên nhân; đầu năm 2012 xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm 97 người mắc, 16 người nhập viện. Nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm không lường trước được, có thể là nhà hàng (như xảy ra ở Nhà hàng Tâm Châu - Lộc An), có thể là trường học (như ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Đam Rông, 24 học sinh bị ngộ độc, không lưu mẫu thực phẩm, không tìm ra nguyên nhân), có thể là ở các buôn làng, khu dân cư (như xảy ra ở thôn Suối Thông A 2, xã Đạ Ròn - Đơn Dương do ngộ độc rượu Gia Huy và thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim - Lạc Dương do cỗ cưới thức ăn nhiễm vi khuẩn Salmonella tiphi).
Không ít các cơ sở được thanh tra, kiểm tra thực phẩm hàng năm, nhiều lần, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều cơ sở thực phẩm chưa được kiểm soát. Trong năm 2011 có 13.864 cơ sở được thanh kiểm tra, trong đó tỉ lệ đạt đối với cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm 90,8%; cơ sở kinh doanh thực phẩm đạt 86% và dịch vụ ăn uống đạt gần 80%.
Theo báo cáo đánh giá thực trạng việc quản lý, sử dụng phụ gia thực phẩm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (tháng 4/2012) cho thấy: Tại khu vực Tây Nguyên 105/355 (29,6%) mẫu thực phẩm có sử dụng phụ gia không được phép sử dụng (Saccharin, Aspartam, Acesulfam kali, Cyclamat) hoặc sử dụng phụ gia cho phép nhưng vượt quy định (Acid benzoic, Natri benzoate). Tập trung vào một số loại sản phẩm như: bánh, mứt, kẹo (số mẫu không đạt chiếm 22,7%), sữa các loại (19,5%), nước trái cây (38,8%), thịt và các sản phẩm từ thịt (30,6%) và thực phẩm khác (36,6%).
AN NHIÊN