K’Sá nổi tiếng ở vùng dân tộc thiểu số bản địa không chỉ bởi là một già làng, một bí thư chi bộ người K’Ho nổi tiếng, có uy tín, làm kinh tế giỏi…
Chúng tôi tìm về vùng cà phê nổi tiếng ở “xã tỉ phú” Tân Châu (huyện Di Linh, Lâm Đồng) hỏi đường đến thăm già làng K’Sá dễ dàng. Ông nổi tiếng ở vùng dân tộc thiểu số bản địa không chỉ bởi là một già làng, một bí thư chi bộ người K’Ho nổi tiếng, có uy tín, làm kinh tế giỏi…, mà còn bởi ông là già làng duy nhất của cả xã từng nhiều lần vinh dự được về Hà Nội dự Hội nghị Người cao tuổi; Hội nghị Đại đoàn kết dân tộc toàn quốc… Trong câu chuyện với phóng viên, cùng với kiến thức khá uyên thâm về văn hóa truyền thống của người K’Ho, về cồng chiêng Tây Nguyên…, ông còn rành rẽ nói sâu về Nghị quyết Trung ương 4, về “Quyết tâm thư” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã được các già làng ký cam kết thực hiện. Một ngày cùng ông rong ruổi trong các buôn K’Ho bản địa, chúng tôi hiểu ra rằng, chủ trương, nghị quyết sẽ về với dân nhanh hơn khi có những đảng viên tâm huyết như ông.
Già làng K’Sá và vợ |
Tân Châu là một trong những xã có điều kiện kinh tế phát triển bậc nhất tại Lâm Đồng hiện nay. Đến nay, xã này đã có một số thôn người Kinh, Tày, Nùng di cư từ phía bắc vào vùng kinh tế mới. Nhưng về nguồn gốc, vùng Tân Châu vẫn là vùng quần cư của người K’Ho bản địa. Hơn nửa số biệt thự nguy nga trong số hơn 800 biệt thự xinh đẹp nằm giữa màu xanh cà phê mênh mông của “xã tỉ phú” là thuộc sở hữu của người K’Ho Nộp. Già làng K’Sá liên tục giải thích khi dẫn chúng tôi đi tham quan 5 buôn K’Ho ở đây. Ông bảo: “Bà con mình đã biết cách thâm canh cà phê kết hợp nhiều dịch vụ làm giàu. Mình chỉ nói, tuyên truyền mà làm không được, không bằng họ thì nói có ai nghe?”. Đi gần hai giờ trong các buôn làng chỉ để nói về những người đồng tộc và giới thiệu hàng chục biệt thự, có những căn xây dựng tới nhiều tỷ đồng, mãi tới xế chiều ông K’Sá mới dẫn chúng tôi về nhà. Trong căn biệt thự xinh xắn ẩn mình giữa màu xanh cây trái ở buôn Măng Biêng, ông giải thích: “Mình làm nhà này chỉ khoảng 800 triệu đồng thôi. Mỗi năm tiền thu từ cà phê cũng dao động từ 250 - 300 triệu nhưng muốn dành đầu tư cho các con lập nghiệp, học tập”. Tự hào chỉ vào tấm hình của mình chụp chung với ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong dịp đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Người cao tuổi Việt Nam từ năm 2006, ông K’Sá cho biết, việc vườn rẫy chỉ một tay vợ ông là bà Ka Brểu cùng các con lo toan, ông chỉ là người phụ giúp vì bản thân quá bận rộn với việc xã hội. Bước qua tuổi sáu mươi nhưng già làng K’Sá vẫn còn quá nhiều công việc xã hội phải theo đuổi. Bí thư chi bộ K’Sá hiện còn là Tổ trưởng tổ Hội đồng Nhân dân thôn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Châu, Tổ trưởng già làng… Trăm việc không tên của đảng viên cơ sở luôn cần sự có mặt, sự góp sức của vị già làng.
Chuyện già làng K’Sá bận rộn, không có nhiều thời gian cho gia đình là điều dễ hiểu. Ông Trần Đức Gia - Chủ tịch xã Tân Châu nói với chúng tôi: “Người K’Ho ở đây rất quyết tâm làm giàu, có ý thức cộng đồng, ý thức việc chung của xã hội tốt. Chúng tôi không gặp vướng mắc gì trong điều hành kinh tế, xã hội ở địa phương nhưng để quan tâm sâu sát tới đồng bào thì hoạt động của các tổ già làng là rất quan trọng. Nhờ những người tâm huyết như già làng K’Sá mà những chủ trương, chính sách của cấp trên cũng như của địa phương về đến dân nhanh hơn”. Chúng tôi hiểu những tâm tư của Chủ tịch xã Trần Đức Gia. Trong đời sống cộng đồng các tộc danh thiểu số gốc Tây Nguyên, già làng luôn có một vị trí quan trọng, được bà con tín nhiệm và xem là tấm gương gần gũi. Chính vì vậy, từ việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng trong chi bộ với 5 đảng viên K’Ho khác ở buôn Măng Biêng đến vận động nhân dân hiến đất, góp tiền đối ứng xây hội trường thôn; tham gia hòa giải khi buôn làng, thôn xóm có xích mích nhỏ nhặt…, già làng K’Sá đều phải lập tức có mặt với vai trò là người trung tâm.
Trong những ngày về Tân Châu, chúng tôi được nghe cô giáo Ka Thủy - một người K’Ho có thời gian lâu năm dạy học tại Trường THCS của xã kể câu chuyện về già làng K’Sá. Vào năm học 2010 - 2011, các buôn làng bản địa ở đây nhận tin vui, em Ka Sen Mo Lom - một học sinh K’Ho đậu thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Lâm Đồng ở bộ môn Anh văn và đạt giải 3 toàn quốc cuộc thi Olimpic tiếng Anh trên mạng, già làng K’Sá đã đích thân đến nhà Mo Lom vận động em đi cùng ông đến rất nhiều gia đình đồng tộc có con, em đang đi học khuyên bảo con, cháu noi gương Ka Sen Mo Lom nỗ lực mang niềm vinh dự cho bà con. Nhắc về câu chuyện này, già làng K’Sá cười: “Vinh dự lắm! Tôi chỉ mong học sinh K’Ho mình noi gương cháu. Người K’Ho chúng tôi ở đây hiện có nhiều sinh viên, học sinh khá giỏi học ở các trường nhưng làm được như cháu Mo Lom khó lắm!”.
Vít cần rượu đặc sản của người K’Ho tự làm từ men lá rừng lúc chia tay, già làng K’Sá thông cảm với khách: “Tối nay tôi còn phải vào buôn đưa giấy chứng nhận ủng hộ tiền xây hội trường thôn cho 20 hộ dân còn lại nữa”. Buôn làng đã khuất dần trong sương mù và yên tĩnh nhưng con người bận rộn như ông lại tiếp tục cho một việc chung của đồng tộc, của xã hội. Vui vì hình ảnh một già làng khá “hiện đại” và là một đảng viên tận tụy, mẫn cán như ông.
Sơn Tùng